Xã hội

Toàn cảnh Ebola - 961 người chết và nỗi lo lắng toàn cầu

Với việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8-8-2014 chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (international public health emergency), Ebola đã trở thành một hiểm họa đại dịch toàn cầu.


Virus Ebola.

 

Báo chí Liberia ngày 31-7-2014 tràn ngập thông tin về dịch Ebola.

1.779 người nhiễm, 961 người tử vong

Cho tới chiều 9-8-2014, nhà chức trách đã ghi nhận có 1.779 trường hợp nhiễm virus Ebola ở 4 nước Tây Phi Sierra Leone, Liberia, Guinea, và Nigeria; trong số đó có ít nhất 961 người tử vong.

Đó là một tỷ lệ tử vong khủng khiếp, tới 54%. Thật ra, theo giới chuyên môn, tỷ lệ tử vong của Ebola có thể lên tới 90%!

Sau 2 ngày họp, ủy ban khẩn cấp của WHO nhất trí rằng Ebola đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nước Tây Phi. Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp có nghĩa là WHO sẽ phải đưa ra những khuyến nghị về những quy định nghiêm ngặt đối với việc đi lại và kinh doanh, cũng như tầm soát Ebola rộng hơn. Tình trạng khẩn cấp phải được công bố khi tình hình trở nên nguy kịch và có thể tồi tệ hơn nếu như không có được sự phản ứng toàn cầu nhanh chóng.

Đây là lần thứ ba kể từ năm 2009 tới nay, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hai lần trước là đối với cúm gia súc (swine flu) hồi năm 2009 và bệnh bại liệt (polio) vào tháng 5-2014.

Ngày 8-8, khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với đợt bùng phát Ebola này, WHO không đưa ra khuyến cáo cấm bất cứ việc đi lại hay giao thương nào. Tuy nhiên, tổ chức y tế thuộc Liên Hiệp Quốc này nói rằng những người từng tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân Ebola sẽ không được đi ra quốc tế.

Với 4 nước Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành, WHO cũng đưa ra những khuyến nghị khác nhau, như giám sát cửa ra của các sân bay quốc tế và các cửa khẩu biên giới để phát hiện những trường hợp có khả năng nhiễm Ebola. WHO cũng không khuyến khích những cuộc tập họp đông người. Riêng đối với các nước chưa phát hiện Ebola, WHO đề nghị phải tăng cường việc giám sát và điều trị ngay những người tình nghi theo chế độ khẩn cấp.

Tuần sau, WHO sẽ tổ chức một cuộc họp để thảo luận về tính đạo đức của việc cho sử dụng các biện pháp điều trị Ebola thử nghiệm trong đợt bùng phát dịch này. Cho tới nay vẫn chưa có loại thuốc hay liệu pháp được cấp phép nào đối với Ebola. WHO cho biết có nhiều loại vắc-xin phòng Ebola đã được bào chế và thử nghiệm, nhưng chưa có một thử nghiệm lâm sàng nào.

Những bi kịch lây lan

 

Khủng khiếp như phim

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại khu vực sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (xưa có tên là Zaire), virus Ebola thường xuyên gây ra những đợt bùng phát dịch với những quy mô khác nhau.

Tính tới nay, đã có hơn 20 đợt bùng phát dịch Ebola ở Trung và Đông Phi. Lần này là lần đầu tiên Ebola tấn công tới Tây Phi và là đợt bùng phát Ebola nghiêm trọng nhất mà thế giới từng được chứng kiến.

Nó cũng là đợt bùng phát Ebola lớn nhất và dài nhất cho tới nay. Báo Mỹ Washington Post (8-8-2014) mô tả tình cảnh khủng khiếp ở Tây Phi giống như trong những bộ phim "hậu tận thế".

Đợt bùng phát dịch Ebola lần này bắt đầu từ tháng 3-2014 khi phát hiện ra virus Ebola tại vùng rừng nhiệt đới xa xôi hẻo lánh ở Guinea. Sau đó, virus Ebola lan sang 2 nước láng giềng Sierra Leone và Liberia trước khi tới Nigeria.

Bi kịch Nigeria chính là một hình mẫu của nguy cơ virus lây lan ra khắp toàn cầu.

Ngày 25-7, một người Mỹ gốc Liberia tên Patrick Sawyer, 40 tuổi, đã chết tại thành phố Lagos vì Ebola. Ông này tới sân bay Lagos ngày 20-7 và bị cách ly tại một bệnh viện địa phương sau khi nhà chức trách phát hiện hành khách có những triệu chứng của bệnh do virus Ebola.

Sawyer đã bay từ Liberia sang Ghana, sau đó tới Togo rồi chuyển máy bay tới Nigeria. Nhà chức trách Nigeira ngày 5-8 cho biết ban đầu các bác sĩ đã không tình nghi Sawyer bị nhiễm Ebola. Ông này làm việc cho chính phủ Leberia và có vợ con ở bang Minnesota (Mỹ). Sawyer từ Liberia bay sang Nigeria công tác. Chính do không nghi ngờ bệnh nhân đang mang virus Ebola nên những thầy thuốc chăm sóc cho ông đã bị lây nhiễm.

Trong ít nhất 24 giờ đầu tiên sau khi nhập viện, Sawyer không được áp dụng biện pháp cách ly. Trong số những thầy thuốc từng tiếp xúc với ông, một nữ y tá đã chết và bảy người khác đang được theo dõi (ngày 8-8 đã công bố có 4 người trong số đó bị nhiễm Ebola).

Mới đây, nhà chức trách Liberia cho biết em gái của Sawyer cũng đã chết vì Ebola. Tuy nhiên Sawyer nói rằng ông không hề tiếp xúc với em gái khi bà mắc bệnh. Ông đã sốt và nôn mửa trên máy bay.

Hãy chú ý những triệu chứng

Virus Ebola chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch, chất thải từ người bệnh, thậm chí cả mồ hôi. Nhưng điều đáng sợ là các triệu chứng ban đầu của Ebola giống như những loại bệnh sốt cấp tính do virus.

Virus Ebola làm cho người bệnh dễ bị nhầm lẫn giống như những người bị sốt rét, sốt thương hàn, bệnh lị do vi khuẩn Shigella, bệnh tả, viêm gan, viêm màng não, sốt xuất huyết,…

Virus Ebola sau khi xâm nhập người bệnh sẽ có một thời gian ủ bệnh từ 2 -21 ngày. Trong thời gian đó, người mang virus Ebola không xuất hiện triệu chứng nào, và cũng chưa có khả năng lây virus cho người khác.

Người bị nhiễm virus Ebola khi phát bệnh có những triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, đau khớp, đau cơ, đau họng, đau dạ dày, biếng ăn, người mỏi mệt,… Sau đó người bệnh bị ói mửa, tiêu chảy, suy thận, suy gan, một số trường hợp bị xuất huyết trong và ngoài.

Theo tài liệu của Trung tâm truyền thông thuộc WHO, Ebola lây nhiễm từ động vật qua người thông qua những tiếp xúc gần gũi với máu, chất bài tiết, các bộ phận hay các chất dịch cơ thể của những con vật bị nhiễm.

Ở châu Phi, người ta bị lây nhiễm virus Ebola từ những con vượn tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, linh dương, và nhím đã bị bệnh hay chết trong các khu rừng. Sau khi đã xâm nhập con người, virus Ebola bắt đầu lây nhiễm từ người qua người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết, các bộ phận và các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm; cũng như qua tiếp xúc gián tiếp với các môi trường bị ô nhiễm bởi những chất dịch của người bệnh.

Trong những lễ tang người bệnh chết, những người tiếp xúc trực tiếp với thi hài cũng có thể bị lây nhiễm. Một người đàn ông sau 7 tuần hồi phục từ bệnh Ebola vẫn có khả năng lây lan virus qua tinh dịch. Virus Ebola không lây lan qua không khí, nước hay thức ăn (ngoại trừ khi nó đã dính dịch cơ thể của người bệnh).

"Tránh tụ tập đông người, giảm giao thông quốc tế!"

Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters (8-8-2014) cho biết hệ thống y tế của Liberia đã bị sụp đổ khi virus Ebola lan rộng. Vốn đã thiếu thốn nghiêm trọng bác sĩ và y tá sau những năm nội chiến, giờ đây nước Tây Phi này đang đương đầu với đại dịch Ebola với lực lượng quá mỏng, chỉ có 50 bác sĩ cho 4 triệu dân.

Bộ Y tế nói rằng chi phí cho cuộc chiến phòng chống Ebola từ tháng 7 tới tháng 12-2014 lên tới 21 triệu USD, nhưng Leberia thiếu hụt từ 10 -15 triệu USD. Nước Sierra Leone láng giềng cũng không đủ ngân sách cho trận đại dịch chết người này.

 

Việt Nam phòng chống dịch Ebola

Sáng 9-8, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp khẩn với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về chống dịch Ebola.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thiết bị, máy móc, nhân lực giám sát, sàng lọc phát hiện sớm bệnh Ebola tại cửa khẩu, trường hợp phát hiện người nghi mắc bệnh cần cách ly để khoanh vùng dập dịch sớm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch có khuyến cáo để công dân hạn chế đi du lịch, làm việc tại khu vực có dịch. Trong công tác tuyên truyền, Thủ tướng cũng lưu ý cập nhật sớm tình hình dịch nhưng tránh gây hoang mang, xáo trộn cho người dân.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã dẫn thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh do virus Ebola.

Ngoại trưởng Samura Kamara cho biết ước tính cần phải có 25 triệu USD cho các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp từ tháng 7 tới tháng 12-2014, nhưng Sierra Leone chỉ có được 7 triệu USD. Cơ quan viện trợ quốc tế Mỹ USAID đã hứa cung cấp 5 triệu USD và gửi một đội khẩn cấp tới Tây Phi. Ngân hàng Thế giới World Bank hứa dành 200 triệu USD cho quỹ khẩn cấp chống Ebola.

Phòng ngừa tối đa sự lây lan và tích cực điều trị càng sớm càng tốt những trường hợp bị lây nhiễm hiện là cách mà ngành y tế thế giới đang chống lại dịch chết người Ebola.

Cơ quan Phòng chống dịch bệnh CDC của Mỹ cho biết họ đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe ở Mỹ để tăng cường giáo dục về virus Ebola cho các thầy thuốc, cũng như hướng dẫn cho cộng động biết cách phòng ngừa lây nhiễm.

Những người từng đi tới các nước Tây Phi trong vòng 3 tuần qua cần được giám sát chặt chẽ. Việc phát hiện hành khách nhiễm virus Ebola ở sân bay, nhà ga là cực kỳ khó khăn, vì căn bệnh này có những triệu chứng ban đầu giống như nhiều chứng bệnh khác, như sốt rét, sốt thương hàn,…

Mỗi tuần có cả trăm chuyến bay quốc tế từ 3 nước bùng phát dịch Ebola tới các nước trong khu vực. Khả năng virus Ebola lây lan khắp thế giới cao ngất. Bi kịch là rất khó phát hiện nó. Sẽ chẳng thể nào phát hiện người đang mang virus Ebola nếu chưa phát bệnh. Mà không nước nào có thể đóng tất cả các cửa khẩu biên giới lại được. Các thành viên đội bay, đặc biệt là đội bay quốc tế, sẽ được tập huấn các kiến thức và kỹ năng để phát hiện những hành khách có những biểu hiện đáng nghi. Họ sẽ phải cách ly ngay bất cứ ai có triệu chứng giữa chuyến bay.

Chắc chắn thế giới sẽ lâm vào tình cảnh hoảng loạn nếu như phát hiện virus Ebola đã xuất hiện ở các châu lục khác châu Phi. Mà nếu mất bình tĩnh, dẫn tới hoảng loạn, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Giới chuyên môn khuyên rằng: Nếu không thật sự cần thiết, càng hạn chế những cuộc tụ tập đông người, càng ít đi lại trên các phương tiện giao thông quốc tế càng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Ebola hơn.

Cũng may là trước nay thế giới đã có nhều kinh nghiệm qua những đợt phòng chống dịch trên quy mô quốc tế như hội chứng hô hấp cấp SARS, cúm gia cầm,… Và chỉ cần một người có trách nhiệm "gác dịch" cẩu thả, chủ quan là tai ương kinh hoàng.

Theo Tuổi Trẻ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo