Chính trị

Toàn cảnh: Phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Sáng 21/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trọng thể.

Khai mạc trọng thể
Đúng 8 giờ sáng ngày 21/1/2016, Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. 1.510 đại biểu chính thức thay mặt hơn 4,5 triệu đảng viên, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, đã về dự Đại hội

Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến.

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. 

Tới dự phiên khai mạc trọng thể này có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ. 

Tới dự khai mạc Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên khai mạc.

Nhiệm vụ trọng đại

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Lê Hồng Anh thông báo chương trình, nhiệm vụ của Đại hội XII, giới thiệu các đại biểu tham dự Đại hội.
Về nhiệm vụ, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; 

 

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến.

Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, dự kiến 200 người, gồm 180 Ủy viên Trung ương và 20 Ủy viên dự khuyết. Đây là những nhiệm vụ hết sức trọng đại mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tin tưởng giao cho Đại hội; tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao Đại hội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra.

Đại hội nhiệt liệt chào mừng các đại biểu là nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các tầng lớp nhân dân; các mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, đại diện các tôn giáo; các vị khách quốc tế.

Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước trình bày diễn văn khai mạc Đại hội.

 

Diễn văn nêu rõ: Đại hội XII của Đảng là Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ- Kỷ cương - Đổi mới", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp, nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước đến chào mừng Đại hội. Ảnh VGP.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đại hội XII có ý nghĩa định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đại hội XII là Đại hội của đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường, quyết tâm tiến bước của dân tộc vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ lòng tin sắt son của các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội vào sự lãnh đạo của Đảng; tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô; gửi đến đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên cả nước và nhân dân Thủ đô lời cảm ơn chân thành và bày tỏ quyết tâm tổ chức Đại hội XII thành công tốt đẹp; chúc Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và đồng bào cả nước đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, trái tim thân yêu của cả nước.

 

Đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tổng Bí thư khẳng định, các văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo, được hàng triệu ý kiến tâm huyết góp ý; là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI trình bày Báo cáo Chính trị. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến.

Tổng Bí thư khái quát các nội dung quan trọng, cốt lõi nêu trong các văn kiện. Theo đó, nội dung các văn kiện khẳng định những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được, những bài học kinh nghiêm, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới. 

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế, đánh giá toàn diện về các mặt thuận lợi và khó khăn, các văn kiện đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ lớn để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Cụ thể, các văn kiện đã đề xuất mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020; đề xuất phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các lĩnh vực: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; 

 

Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; quản lý phát triển xã hội; 

Thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; 

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...

Sáu nhiệm vụ trọng tâm 

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, 

Chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

 

Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. 

Bạn bè quốc tế chúc mừng

Sau giờ nghỉ giải lao, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, thay mặt  Đoàn Thư ký Đại hội XII đọc danh sách các chính đảng, tổ chức quốc tế có thư, điện chúc mừng Đại hội.

Theo đó, Đại hội XII đã nhận được 170 điện mừng của các Đảng, các tổ chức quốc tế... Đây là sự động viên to lớn của bạn bè thế giới đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

 

Thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn các chính đảng, tổ chức quốc tế gửi thư, điện chúc mừng Đại hội.

Tiếp đó, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI.

Đại hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc phiên khai mạc. Chiều nay, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Đoàn, thảo luận về các văn kiện của Đại hội.

* Trước đó, trong phiên trù bị ngày 20/1, Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Quy chế làm việc, Chương trình làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 16 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đại hội bầu Đoàn Thư ký gồm 5 đồng chí và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội gồm 13 đồng chí.

 

Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Ban Thẩm tra tư cách đại biểu trình.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới.

Nhân dân gửi gắm niềm tin

 

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

 

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Đại hội lần thứ XII của Đảng là đại hội của thời kỳ đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội Đảng sẽ đề ra “bước đi vững chắc” và có “giải pháp thật quyết liệt” để đưa đất nước chuyển mình một cách rõ ràng, bền vững.

Năm 2016 và những năm tiếp theo, đất nước ta đứng trước nhiều cơ hội to lớn cùng với những thách thức không nhỏ, đòi hỏi công tác đối ngoại phải năng động hơn nữa cùng với sự phối hợp, đồng hành của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hội nhập. 

Với mạng lưới 15 đối tác chiến lược, 10 đối tác toàn diện, Việt Nam cần có những bước đi đột phá để xứng tầm với các khuôn khổ quan hệ đó, vừa tăng cường quan hệ với các đối tác phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội vừa củng cố hòa bình, an ninh khu vực.

Đông đảo người dân, các vị lão thành cách mạng tại Miền Trung bày tỏ tin tưởng, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, Trung ương sẽ có những quyết định, đưa ra những chủ trương mạnh mẽ nhằm tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Anh Đào (85 tuổi, cán bộ hưu trí xã Ba Thung, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), lão thành cách mạng từng bị địch bắt, tù đày ở đảo Phú Quốc: Tôi luôn theo dõi và hết sức kỳ vọng vào Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tôi tin rằng Đại hội lần này sẽ có những quyết định, quyết sách quan trọng đưa đất nước Việt Nam tiến lên CNH-HĐH.

 

Ông Nguyễn Anh Đào.

Đẩy lùi nạn tham nhũng sẽ tạo niềm tin trong dân vào Đảng và chính quyền các cấp. Người đảng viên kỳ cựu này cũng mong muốn, các đại biểu sáng suốt bầu chọn ra Ban Chấp hành mới, đặc biệt là người đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước phải có tâm, có tầm, có năng lực bản lĩnh chính trị để lãnh đạo đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc trong tình hình mới.

Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, đưa đất nước thắng lợi trên mọi lĩnh vực, nhất là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Không chỉ 4,5 triệu đảng viên mà cả hơn 90 triệu người dân Việt Nam không ai không kỳ vọng Đảng tiếp tục đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn để cho đời sống của nhân dân và vị thế của đất nước được nâng lên. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

 

Đó cũng là trách nhiệm của Đảng ta. trong giai đoạn hiện nay, có hai lĩnh vực cốt lõi cần phải làm tốt để quyết định vai trò của Đảng trong lòng dân tộc, đó là xây dựng Đảng và thực thi nhiệm vụ cơ bản của Đảng. 

Trong hai lĩnh vực cốt lõi này, sức chiến đấu, sức mạnh của Đảng là nhân tố quyết định, quan trọng nhất. Đảng trong sạch thì sẽ mạnh, đúng tầm, đúng bản lĩnh để “cầm cương”.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là sức sống của Đảng, là giải pháp quan trọng để làm trong sạch và xây dựng Đảng vững mạnh, linh hoạt với thế cuộc để có thể làm giàu, làm lợi cho dân tộc, cho đất nước

Tất cả chúng ta đều đứng trước một câu hỏi: Người Việt Nam mình được thế giới thừa nhận là dân tộc thông minh, sinh viên Việt Nam theo học ở các trường đại học nước ngoài luôn là học sinh ưu tú, nhiều người trở thành nhà khoa học nổi tiếng của thế giới.

Vậy nhưng tại sao nguồn lực trí tuệ đó lại không trở thành sức mạnh, động lực lớn để chúng ta xây dựng đất nước ngày hôm nay mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục đứng trước những nguy cơ tụt hậu ngày một xa hơn? Đó là một câu hỏi lớn mà toàn Đảng, toàn dân chúng ta phải giải đáp. 

 

Chúng ta xây dựng thể chế, cơ chế như thế nào và vận hành ra sao để quản trị tốt hơn các hoạt động của đời sống xã hội, bao quát hơn là quản trị quốc gia? Đó là những vấn đề được Đại hội Đảng lần thứ XII thảo luận, phân tích, mổ xẻ để tìm ra những căn nguyên, phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, bất cập để từ đó đề ra những quyết sách có tính chiến lược phát triển đất nước.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Tất cả chúng ta đều đứng trước một câu hỏi: Người Việt Nam mình được thế giới thừa nhận là dân tộc thông minh, sinh viên Việt Nam theo học ở các trường đại học nước ngoài luôn là học sinh ưu tú, nhiều người trở thành nhà khoa học nổi tiếng của thế giới nhưng tại sao nguồn lực trí tuệ đó lại không trở thành sức mạnh, động lực lớn để chúng ta xây dựng đất nước ngày hôm nay mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục đứng trước những nguy cơ tụt hậu ngày một xa hơn?.

Đó là một câu hỏi lớn mà toàn Đảng, toàn dân chúng ta phải giải đáp. Chúng ta xây dựng thể chế, cơ chế như thế nào và vận hành ra sao để quản trị tốt hơn các hoạt động của đời sống xã hội, bao quát hơn là quản trị quốc gia?

 

Đó là những vấn đề được Đại hội Đảng lần thứ XII thảo luận, phân tích, mổ xẻ để tìm ra những căn nguyên, phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, bất cập để từ đó đề ra những quyết sách có tính chiến lược phát triển đất nước.

TS. Đỗ Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Với vai trò là nhà quản lý giáo dục, cá nhân tôi kỳ vọng Đại hội Đảng lần này tiếp tục xác định và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI. 

Đặc biệt trong tình hình mới, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chất lượng của giáo dục và đào tạo lại càng được đặt ra cấp bách, làm sao phải cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Tôi hy vọng rằng Ban Chấp hành Trung ương khóa mới sẽ tiếp tục có những quyết sách quyết liệt hơn nữa, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và thế giới.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Bước vào giai đoạn mới, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN, tham gia và thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với rất nhiều thời cơ nhưng đồng thời không ít thách thức.

 

Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải nâng cao năng lực lãnh đạo cho ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử và Nhà nước phải có năng lực quản lý; thật sự thực hiện "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", để đưa đất nước lên một nước phát triển mới.

Đó chính là nhiệm vụ lịch sử mà thời điểm này Tổ quốc, nhân dân giao cho Đại hội XII của Đảng. Tôi mong rằng, Đại hội XII của Đảng hoàn thành được chức năng mà lịch sử giao cho, tức là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; 

 

Đồng thời bầu được ra thế hệ lãnh đạo mới có đủ đức, đủ tài và thực hiện được quyền làm chủ của dân, để đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc trong giai đoạn mới; đạt được mục tiêu đã đề ra đến năm 2020 cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đó chính là nhiệm vụ lịch sử mà thời điểm này Tổ quốc, nhân dân giao cho Đại hội XII của Đảng. Tôi mong rằng, Đại hội XII của Đảng hoàn thành được chức năng mà lịch sử giao cho, tức là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; 

 

Đồng thời bầu được ra thế hệ lãnh đạo mới có đủ đức, đủ tài và thực hiện được quyền làm chủ của dân, để đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc trong giai đoạn mới; đạt được mục tiêu đã đề ra đến năm 2020 cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững
Theo báo Điện tử Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo