Pháp luật

Tội phạm manh động - nỗi ám ảnh người dân

Giang hồ đất cảng, giang hồ đất mỏ giờ đây đã trở thành... “thương hiệu” toàn quốc. Những băng nhóm giang hồ lúc âm thầm, khi dậy sóng bởi những vụ thanh toán, đâm chém nhau như phim hành động.

Hiện trường vụ truy sát bằng súng hoa cải làm 6 người thiệt mạng tại Cảng than Làng Khánh vào tháng 12.2008.

 Vụ một nhóm thanh niên dùng hung khí tự chế chém không thương tiếc nhóm đối thủ cạnh tranh trong làm ăn, vào chiều 28.3, ngay tại trung tâm TP.Hạ Long và cách trụ sở công an thành phố không xa, làm 3 người nhập viện, khiến dư luận thêm lo lắng về sự tàn bạo, manh động của các băng nhóm giang hồ.

Giang hồ và chữ “lợi”
 
“Anh không phải dân xã hội đen, anh là giám đốc DN, làm ăn đàng hoàng”. Đó là câu đầu tiên mà Đ “điên” - giang hồ khét tiếng Hải Phòng - nói khi tôi lân la tìm hiểu về giang hồ đất cảng. Quả thật, Đ “điên” ra dáng một doanh nhân với xe ôtô đẹp, quần áo đồ hiệu, ăn nói điềm tĩnh.
 
Tuy vậy, ở Hải Phòng, chẳng ai lạ gì Đ “điên” bởi những pha chỉ đạo đàn em thanh trừng, dằn mặt đối thủ với đủ loại “hàng” nóng, lạnh. Theo Đ “điên”, giang hồ thực thụ phải là những doanh nhân tham gia vào lĩnh vực kinh tế. Đa số những mâu thuẫn chỉ phải giải quyết bằng dao, kiếm khi “đàm phán” thất bại.
 
Chiều 28.3, trước cổng chợ Hạ Long II (P.Yết Kiêu, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), cách trụ sở CA TP.Hạ Long khoảng 300m đã xảy ra một vụ chém giết kinh hoàng. Thời điểm trên, một nhóm đối tượng cầm hung khí đi trên 2 xe bán tải đã chặn 1 chiếc ôtô 7 chỗ ngồi và ra tay tàn bạo, khiến 3 người đổ quỵ tại chỗ.
 
Theo đại tá Lê Duy Tấn - Trưởng CA TP.Hạ Long: CA đã xác định 4 đối tượng gây án và đang truy bắt. Nguyên nhân vụ việc do tranh chấp nguồn bọt nhôm xỉ thải từ Nhà máy nhiệt điện Hà Khánh (P.Hà Khánh, TP.Hạ Long). Hai bên đã hẹn gặp nhau vào 15h ngày 28.3 để "giải quyết" bằng... dao, kiếm việc hớt váng xỉ.
 
Trước đó, ngày 19.2, trên sông Bạch Đằng (giáp ranh giữa huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và TP.Uông Bí, Quảng Ninh) xảy ra vụ các đối tượng dùng súng hoa cải bắn vào một chiếc tàu chở than. Vụ nổ súng liên quan đến việc tranh giành quyền thu mua vét than. Khi bị CA truy đuổi, nhóm giang hồ này đã bỏ lại hiện trường 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải cùng 11 viên đạn.
 
1 trong 2 nạn nhân bị thương nặng trong vụ truy sát chiều 28.3.2014, tại cổng chợ Hạ Long 2, được các BS khoa Chấn thương cấp cứu qua khỏi cơn nguy hiểm tính mạng.
 
Tại Quảng Ninh, dường như tất cả các vụ thanh trừng nhau của giang hồ đều gắn với lợi ích từ việc khai thác than. Ngày 18.1, tại khu bãi thải trong khai trường mỏ than do Cty TNHH than 790 quản lý nằm trên địa bàn TP.Cẩm Phả, đại ca giang hồ Hùng “Phương” đã cùng đàn em mang súng truy sát đối thủ.
 
Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là vụ triệt hạ đối thủ nhằm chiếm quyền kiểm soát khu vực thu gom than cảng than Làng Khánh - tháng 12.2008. Nhóm đối tượng do Phạm Huy Nam - tức Nam “bang” (33 tuổi, trú xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) - cầm đầu đã cùng đàn em vãi đạn hoa cải không thương tiếc vào nhóm 7 người thâm nhập “lãnh địa” của mình, khiến 6 người chết tại chỗ.
 
Lỗ hổng trong công tác phòng ngừa
 
Tại sao giang hồ đất cảng, đất mỏ lại lộng hành, trong khi lực lượng CA 2 địa phương này được đánh giá là hùng hậu, tinh nhuệ? Một người thạo tin ở Hải Phòng, Quảng Ninh có thể đọc vanh vách trên các địa bàn này có những “ông trùm” nào? lãnh địa làm ăn ở những đâu? CA các địa phương chắc không khó để xác định được một băng nhóm giang hồ đang hoạt động.
 
Có hay không sự bảo kê của một số cán bộ CA thoái hóa biến chất với các băng nhóm giang hồ, là câu hỏi đã được người dân, thậm chí chính lực lượng CA đặt ra.
 
Một lý giải khác cho tình trạng giang hồ lộng hành lại nằm ở “bệnh thành tích” của lực lượng CA. Theo dõi các vụ án xảy ra trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, chúng tôi nhận thấy, CA 2 địa phương này phá các vụ án rất xuất sắc. Tuy nhiên, đó là những vụ án sau khi đã xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng.
 
Tuy vậy, với loại chuyên án trinh sát – một loại chuyên án phòng ngừa tội phạm – lại ít có thành tích nổi trội. Lý giải điều này, một điều tra viên (đề nghị giấu tên) bày tỏ: “Đó là bệnh thành tích”. Vị này lý giải: Chuyên án trinh sát được đánh giá cao trong nghiệp vụ CA vì ngăn chặn tội phạm từ trứng nước, nhưng thực tế nhiều đơn vị CA không mặn mà.
 
Chuyên án trinh sát đòi hỏi công phu điều tra nhưng thành tích lại ít được báo cáo, đánh giá cao, ít được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin. Trong khi đó, một vụ án nghiêm trọng xảy ra, CA vào cuộc điều tra, tìm ra thủ phạm thì ngay lập tức được động viên, khen thưởng, báo chí đưa tin rầm rộ.
 
Chính vì thành tích mà một số đơn vị CA “ngại” triển khai chuyên án trinh sát. Công tác phòng ngừa kém thì giang hồ lộng hành là điều dễ hiểu.
 
Đập tan tội phạm không khó khi các cơ quan chức năng, đứng đầu là ngành CA đẩy mạnh phòng ngừa, bỏ qua “bệnh thành tích”.
Báo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo