Pháp luật

Tội phạm nào trong vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội?

Dấu hiệu rõ nhất trong vụ này là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

Những ngày qua, việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội gây bức xúc không chỉ với người dân thủ đô mà với người dân cả nước. Việc làm này đã chạm vào lòng tự trọng, lòng yêu mến thủ đô, đất nước và ý thức trách nhiệm của người dân. Trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận, của các cơ quan báo chí, lãnh đạo TP Hà Nội đã cho tạm dừng việc chặt hạ cây xanh, đồng thời tạm đình chỉ công tác một số cán bộ thuộc phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm của Sở Xây dựng để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức chặt 6.700 cây xanh cổ thụ là tội phạm, vì đã xâm phạm tài sản quốc gia và môi trường sống của người dân, cần phải được pháp luật xử lý thích đáng chứ không chỉ rút kinh nghiệm, kỷ luật một số cán bộ là xong. Rằng việc chặt hàng loạt cây xanh, trong đó có cả hàng cây cổ thụ gần 100 tuổi, đã vi phạm Luật Thủ đô; việc chặt cây xanh mang tính triệt hạ, tàn phá và được làm cấp tập, còn hơn cả “lâm tặc phá rừng”. Rằng hậu quả gây ra cực kỳ nghiêm trọng, không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được, vì vậy cần xem xét khởi tố vụ án hình sự. Có ý kiến còn nói hành vi phá cây xanh đã cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng!

 

Dư luận bức xúc, đòi xử lý, đòi trừng trị là có lý do chính đáng. Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự ai đó thì lại phải căn cứ vào các quy định của BLHS, đối chiếu với hành vi cụ thể và hậu quả do hành vi đã gây ra cũng như động cơ, mục đích của những người ban hành chủ trương và tổ chức thi hành chủ trương đó. Làm gì cũng cần phải có cái đầu “lạnh” chứ không chỉ có trái tim “nóng” là đủ!

 

Cần phải thấy một thực tế rằng ở nước ta, từ xưa đến nay chưa có ai đi tù vì đã đề ra chủ trương, chính sách sai lầm cả. Trong khi đó, lãnh đạo TP Hà Nội vẫn cho rằng chủ trương thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thủ đô là một chủ trương “đúng đắn”, dù chủ trương này chưa được các nhà khoa học và nhân dân đồng tình! Nếu có sai chỉ là sai ở khâu tổ chức thực hiện. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự những người hoạch định chính sách thì có lẽ khối người phải đi tù!

 

Vậy thử bàn xem trong việc đề ra chủ trương cũng như việc tổ chức thực hiện việc chặt hạ cây xanh, lãnh đạo TP và các sở, ban ngành ở Hà Nội đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao như thế nào. Chắc khó có thể quy kết ai đó (là lãnh đạo UBND hay các sở, ban ngành) bởi họ nói chủ trương này đã được tính toán rất kỹ, từ kế hoạch đến biện pháp, việc chuẩn bị phương tiện, con người, nơi tập kết số cây đã chặt, cơ quan đứng ra tài trợ... Tất cả đều được quán triệt rất kỹ và do một phó chủ tịch UBND TP tổ chức thực hiện nên không thể nói do vô ý hay thiếu trách nhiệm trong việc ban hành quyết định cũng như việc tổ chức thực hiện việc chặt hạ cây xanh được.

 

Có ý kiến cho rằng sai phạm của TP Hà Nội có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Không ai phủ nhận từ việc ra văn bản đến việc thực hiện chặt hạ cây xanh được chuẩn bị, tính toán và có mục đích rõ ràng. Hậu quả gây ra thì không cần phải bàn, nó đã vượt ra khỏi dự kiến của những người thực hiện chủ trương. Ngoài thiệt hại về vật chất thì hậu quả phi vật chất là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây bức xúc cho dư luận, cho người dân thủ đô và cả nước, mà xa hơn thế nó đã làm mất lòng tin của người dân. Những thiệt hại này không thể tính ra bằng tiền, cũng không thể một sớm một chiều khắc phục được. Nhưng tội phạm này là tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế chứ không phải xâm phạm trật tự quản lý hành chính, mà quyết định chặt hạ cây xanh lại là quyết định hành chính do UBND TP Hà Nội ban hành. Do đó cũng khó có thể cho rằng chủ trương và việc thực hiện chặt hạ cây xanh là hành vi phạm tội cố ý làm trái!

 

Tuy nhiên, nếu kết quả thanh tra (và điều tra sau này, nếu có) cho thấy một số người đã lợi dụng chủ trương thay thế cây xanh nói trên để trục lợi cho cá nhân hoặc cho một nhóm người nào đó thì nó có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 BLHS (là tội phạm về tham nhũng). Có lẽ tội phạm này mới phản ánh đúng bản chất hành vi của một số người trong quá trình tổ chức, thực hiện việc chặt phá cây xanh. Mọi dấu hiệu cấu thành tội phạm này đều đã thỏa mãn, chỉ cần chứng minh họ đã vì vụ lợi (có lợi ích nhóm, có chia chác số tiền bán cây) hoặc động cơ cá nhân khác là đủ yếu tố cấu thành.

 

Có thể sắp tới chẳng có ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc chặt hạ cây xanh ở thủ đô. Nhưng qua vụ này ta cũng rút ra được một bài học không chỉ có chính quyền TP Hà Nội mà cho cả nước, đó là đừng có làm việc gì thiếu cân nhắc, tính toán để người dân phải bất bình, phản đối.

Theo PL TPHCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo