Pháp luật

Tội phạm người Việt có thể về nước thi hành án tù

Công dân Việt Nam bị kết án và đang thi hành án tù ở nước ngoài có thể được xem xét chuyển về nước để tiếp tục thi hành án.

(VNE) Thông tư 01/2013 của liên bộ Công an, Tư pháp, Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 15/4) hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành phạt tù.

Theo đó, công dân Việt Nam phạm tội và bị kết án phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn tại nước ngoài có nguyện vọng được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành hình phạt còn lại có thể làm đơn (hoặc thông qua người đại diện hợp pháp) trình bày nguyện vọng với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Công an, cơ quan đại diện Việt Nam.

Những người ở nước ngoài muốn về Việt Nam chấp hành án tù còn lại phải có đủ các điều kiện: là công dân Việt Nam, có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam, hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thông tư quy định, bản án đối với người được đề nghị chuyển giao về Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật, không còn thủ tục tố tụng nào tại nước chuyển giao. Nước chuyển giao và người bị kết án đều đồng ý với việc chuyển giao. Trường hợp người bị kết án chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó. Vào thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất 1 năm; trường hợp đặc biệt thời hạn này còn ít nhất 6 tháng.

Về trình tự, thủ tục nhận yêu cầu chuyển giao, trong 10 ngày kể từ khi nhận được đơn của người đang chấp hành án phạt tù xin chuyển giao, cơ quan đại diện Việt Nam sẽ chuyển đơn, hồ sơ cho Bộ Công an.

Trong 20 ngày, Bộ Công an sẽ kiểm tra hồ sơ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp. Bộ có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao cung cấp thông tin bổ sung. Sau 60 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung mà không nhận được thông tin phản hồi, Bộ sẽ gửi trả hồ sơ cho nước chuyển giao, đồng thời gửi thư cho người đang chấp hành án phạt tù có yêu cầu tiếp nhận về Việt Nam hoặc đại diện hợp pháp của người đó. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền để xem xét, quyết định có tiếp nhận về Việt Nam hay không.

Trường hợp Bộ Công an nhận được đề nghị tiếp nhận, chuyển giao của phía nước ngoài mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế liên quan đến tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, chưa có thỏa thuận hoặc tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, Bộ Công an có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét, áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”. Trong văn bản phải nêu rõ ý kiến của Bộ Công an về sự cần thiết áp dụng nguyên tắc này và sự phù hợp với quy định tại Luật Tương trợ tư pháp.

Đối với người nước ngoài đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý, hàng năm Bộ Công an thực hiện thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù biết về quyền được chuyển giao để họ nghiên cứu, đề xuất. Khi tuyên bản án và hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có trách nhiệm thông báo cho bị cáo là những tội phạm đáp ứng đủ các yêu cầu biết về quyền được yêu cầu chuyển giao.

 

 

Hà Chi

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo