Tội phạm thẻ quốc tế đổ đến Việt Nam kiếm ăn
Trong vòng 10 năm trở lại đây tính từ thời điểm vụ lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả lần đầu tiên bị phát hiện tại Việt Nam, loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng về số vụ và ngày càng tinh vi hơn về thủ đoạn.
Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm trong lĩnh thẻ tín dụng ngày càng “leo thang” ở Việt Nam. Từ những vụ án đã bị phanh phui cho thấy, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến rất phức tạp, không chỉ xảy ra ở trong nước mà còn liên quan đến nước ngoài, xảy ra trên nhiều lĩnh vực trọng điểm với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Mới đây nhất, ba người nước ngoài quốc tịch Bulgaria cài đặt các thiết bị điện tử tại một số trạm trả tiền tự động qua thẻ ATM trên địa bàn TP Nha Trang để thu thập thông tin tài khoản khách hàng. Sau đó, bọn chúng "chế tác" những thẻ ATM giả để rút hơn 100 triệu đồng.
Trong hai năm 2011 và 2012, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an phát hiện hơn 10 vụ, trong đó chủ yếu là các đối tượng người Malaysia vào Việt Nam dùng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được sao thành các phiên bản thẻ giả cùng hộ chiếu giả để mua sắm những mặt hàng giá trị cao ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng nhằm chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo người nước ngoài về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra của cơ quan công an phát hiện trong tháng 7 và 8/2012, cả 3 đã thực hiện tổng cộng 11 lần mua hàng hóa với chiêu thức dùng thẻ thanh toán và hộ chiếu giả tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội với tổng số tiền trên 325 triệu đồng.
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện khá nhiều những vụ án người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả để mua các loại hàng hóa có giá trị cao như các loại điện thoại, máy tính đắt tiền, các đồ trang sức bằng kim cương... Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng này khai nhận, tất cả các thẻ tín dụng này đều được chúng đưa từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cách đây không lâu, hội đồng xét xử đã tuyên bố Wong Kim Fatt và Koon Wen Long (người Malaysia) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chịu mức án 12 tháng tù giam và bị trục xuất khỏi Việt Nam sau khi chấp hành án phạt. Hai đối tượng này mang thẻ tín dụng giả từ Malaysia sang Việt Nam để lừa đảo, dưới hình thức mua hàng hóa là đồ điện tử rồi vận chuyển về Malaysia tiêu thụ.
Ngày 28/1, TAND Hà Nội xét xử Soon Kok Loon (35 tuổi), Saw Wei Loon (21 tuổi, cùng quốc tịch Malaysia) và Yan Qian (40 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan công tố, 3 người này thuộc đường dây tội phạm người Malaysia và Trung Quốc do một người tên Steven cầm đầu nhập cảnh vào Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là dùng thẻ tín dụng cá nhân mua hàng điện tử đắt tiền như máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone mang về nước tiêu thụ.
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP.HCM, tăng án đối với Giam Wei Lun (28 tuổi, quốc tịch Malaysia) lên 7 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù) về tội "lưu hành các giấy tờ có giá giả khác". Tại tòa, Giam Wei Lun khai làm nghề đầu bếp ở Malaysia, do thua bạc thiếu nợ nên chấp nhận sang Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng giả mua hàng để kiếm tiền trả nợ 15.000 USD.
Theo các chuyên gia ngân hàng, trong thời gian tới, tội phạm thẻ và thanh toán điện tử sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tội phạm thẻ đang có xu hướng di chuyển địa bàn hoạt động từ châu Âu sang thị trường châu Á, sau khi các nước châu Âu áp dụng công nghệ cao vào hoạt động thẻ. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có thể là đích ngắm của giới tội phạm trong thời gian tới sau khi chúng đã hoạt động mạnh tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và đã bị chính phủ các nước này ra tay xử lý.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức thanh toán thẻ có biện pháp rà soát lại những giao dịch thanh toán đáng ngờ qua POS. Trong đó, các ngân hàng cần chú ý đến những đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có số lượng giao dịch liên tục với nhiều thẻ khác nhau vào thời gian bất thường trong ngày hoặc trường hợp doanh số tăng đột biến và thiếu chứng từ chứng minh cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp lệ... ; kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Để phòng ngừa, các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ cần nêu cao cảnh giác, khi khách hàng thanh toán bằng thẻ. Ngoài ra, các ngân hàng, Hiệp hội thẻ cần thường xuyên cập nhật thông tin, tập huấn cho các đơn vị thanh toán thẻ các kỹ năng nhận biết thẻ giả để tránh trường hợp rủi ro.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo