Tôm nuôi đối diện nguy cơ chết cấp tính
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, lo lắng, vì 6.000 ha tôm nuôi vụ mới của các hộ dân trong tỉnh mới thả hơn một tháng nhưng đã có 600 ha bị chết do dịch bệnh và chưa có dấu hiệu dừng.
Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng vừa đưa ra cảnh báo dịch bệnh trên quy mô lớn như năm 2011 có nguy cơ lặp lại, khi 1.200 ha tôm thẻ chân trắng vừa được nông dân trong tỉnh thả giống chưa đầy một tháng đã bị thiệt hại trên 500ha (hơn 40%), hơn 3.000ha tôm sú nghịch vụ của địa phương này cũng bị thiệt hại hơn 30%. Cà Mau cũng trong tình cảnh tương tự vì ở một số huyện như Đầm Dơi, lượng tôm chết chiếm tới hơn 50% diện tích thả nuôi.
Theo Viện Môi trường nông nghiệp, tôm nuôi tại nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ chết cấp tính 100%, bắt nguồn từ môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng từ thuốc bảo vệ thực vật. Báo cáo của cơ quan này cho thấy 100% các mẫu nước đều bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin (là chất cực độc đối với loài giáp xác) vượt mức cho phép ba đến sáu lần. Theo các nhà khoa học, chỉ cần trên 0,005 ppb (phần tỷ) trong ao nuôi là tôm chết. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước đều có dư lượng chất này cao 0,016 – 0,032 ppb. 3/13 mẫu bùn cũng bị nhiễm dư lượng Cypermethrin.
Ngoài Cypermethrin, nước tại đây cũng ô nhiễm dư lượng các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại khác như: Permethrin, Chlorpyrifos và Fipronit, đặc biệt, nồng độ pH trong nước đều nằm dưới tiêu chuẩn cho phép.
End of content
Không có tin nào tiếp theo