Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sẽ làm mạnh xử lý cán bộ sai phạm
Sau khi thông báo những nội dung chính trong chương trình Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trao đổi về từng vấn đề cử tri quan tâm, theo tin tức trên báo TTXVN.
Nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật là một trong ba chức năng, nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản của Quốc hội, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội phải thông qua luật pháp, cơ chế chính sách.
Đối với chúng ta, luật còn thiếu nhiều lắm. Thực tiễn đang vận động, chính sách thay đổi, cho nên luật phải thay đổi theo. Quốc hội ta không chỉ là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất mà còn là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cho nên phải có đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, vùng miền, nam, nữ, bảo đảm tiếng nói của toàn dân trong xây dựng luật.
Cho nên đòi hỏi phải từng bước, phải đầu tư thêm công sức, tăng thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách, thu hút thêm các nhà làm luật, lấy ý kiến phản biện, rồi học kinh nghiệm của nước ngoài, lắng nghe ý kiến của dân”.
Tổng Bí thư cảm ơn cử tri đã đồng tình, hoan nghênh những việc làm của Trung ương vừa qua nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian gần đây đã có những tiến bộ, nhất là trong năm 2016, nhiều vụ án nghiêm trọng, nhiều đối tượng vi phạm đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Theo báo Kinh tế & Đô thị, cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ) và Đinh Vũ Khuynh (quận Ba Đình) cũng nêu rõ: Có công thì thưởng, có vi phạm phải xử lý. Người dân quan tâm việc điều động ông Đinh La Thăng về làm Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư như vậy đã phù hợp chưa khi trong thời gian làm ở Tập đoàn Dầu khí đã gây thất thoát lớn cho Nhà nước?
“Tôi biết rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư xử lý có lý có tình, nhưng nhân dân cho rằng sai lầm như thế mà chỉ cảnh cáo là chưa thỏa đáng. Các hình thức cảnh cáo của Đảng cũng không có hình thức nào cho thôi chức, mà phải là cách chức.
Cụ thể là cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP.HCM và kể cả Ủy viên T.Ư Đảng", ông Toán nói và cho rằng, có làm như vậy các đảng viên mới thấy Đảng nghiêm minh, nếu không nhiều người cho rằng cứ làm sai đi, sau này chỉ bị cảnh cáo nhẹ nhàng.
Chia sẻ với ý kiến cử tri cho rằng kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn chưa đạt so với yêu cầu, mong muốn, cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, Tổng Bí thư cho rằng:
Chia sẻ với những tâm tư, băn khoăn của các cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Các bác đã động viên, biểu dương những việc làm được thời gian qua, nhưng thấy rằng vẫn chưa đạt yêu cầu, muốn phải làm mạnh hơn nữa.
Bản thân lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhận thấy điều đó và đang tiếp tục làm quyết liệt”. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, còn nhiều việc phải làm "vì đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ và phải kiên trì".
Vừa qua, hàng loạt cán bộ đã bị xử lý như ông Vũ Huy Hoàng, Huỳnh Minh Chắc, Trần Lưu Hải hay ông Võ Kim Cự cũng nguyên là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc, đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt.
“Pháp luật của chúng ta cũng nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy không để vin cớ để xử nhẹ, mà phải xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật”, Tổng Bí thư chia sẻ. Riêng về hình thức kỷ luật ông Đinh La Thăng, Tổng Bí thư cho biết, đây mới chỉ là xử lý trách nhiệm về mặt Đảng sau kết luận của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, còn xử lý tiếp theo thế nào hiện vẫn đang làm.
"Trung ương xem xét, tỉnh táo, tính toán nhiều mặt và sắp tới chúng ta còn làm tiếp. Còn làm thế nào chưa thể nói trước nhưng sẽ làm đúng luật pháp, trách nhiệm, lương tâm", Tổng Bí thư khẳng định và đề nghị cử tri cảnh giác trước những thông tin bịa đặt của các thế lực thù địch về việc đấu đá, phe cánh trong nội bộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo