Tổng kết Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản
Hôm nay (9/12), Ủy ban hỗn hợp Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản sẽ nhóm họp nhằm tổng kết tình hình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V đã được chính thức khởi động vào cuối tháng 7/2011, với thời gian thực hiện kéo dài 18 tháng, kết thúc vào tháng 12/2014.
Kế hoạch hành động giai đoạn V gồm 13 nhóm vấn đề với 26 hạng mục và 104 tiểu hạng mục, liên quan tới một số nội dung đang có tính trước mắt cũng như dài hạn đó là: thực thi luật pháp, chính sách; thuế; hải quan-vận tải; dịch vụ; phí ngân hàng; lao động; sở hữu trí tuệ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; bán lẻ; môi trường; ổn định kinh tế vĩ mô; an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng kết cấu hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân.
Sau 16 tháng triển khai, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt các kế hoạch hành động giai đoạn V. Đến nay, 40 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về kế hoạch hành động.
Theo kết quả đánh giá của Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, trong tổng số 104 tiểu hạng mục nêu tại Kế hoạch, có 95 hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và chỉ có 9 tiểu hạng mục chưa triển khai. Trong số 95 hạng mục nêu trên thì có 81 tiểu hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ; 14 tiểu hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ.
Các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên qan đến vận tải-hải quan, an toàn thực phẩm, thuế, ngân hàng và phi ngân hàng, sở hữu trí tuệ, xây dựng kết cấu hạ tầng.
14 tiểu hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ liên quan đến nhóm vấn đề về liên kết chiến lược công nghiệp hóa, lao động, bán lẻ, dịch vụ, vận dụng luật. Mặc dù được đánh giá là chậm tiến độ song nội dung cụ thể của từng hạng mục được hai bên đánh giá tích cực.
Một trong những nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do phía Nhật Bản cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu và thu thập đủ thông tin để gửi tới các cơ quan phía Việt Nam.
9 tiểu hạng mục chưa triển khai liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, và pháp luật về bảo vệ môi trường. Các hạng mục này sẽ tiếp tục được hai bên thảo luận trong thời gian tới.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được chính thức khởi xướng vào tháng 4/2003. Trải qua hơn 11 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, có thể nói rằng về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất về nguyên tắc tiếp tục hợp tác trong thời gian tới trong bối cảnh môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam đã và đang được hoàn thiện, hệ thống luật pháp chính sách được xây dựng theo hướng minh bạch, có tính giải trình cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững