Thị trường

Tổng mức bán lẻ hàng hoá trong 5 tháng tăng 10,1%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 5 tháng đầu năm , tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ ước đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,5%), sức mua của thị trường tiếp tục được duy trì.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do khu vực thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, hoạt động du lịch và vận tải có xu hướng tăng do nhu cầu vui chơi, đi lại, nghỉ dưỡng bắt đầu tăng dần trong mùa hè. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 ước đạt 354 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.Tháng 5 là thời điểm vào mùa nghỉ hè trên cả nước, hoạt động du lịch của khách nội địa trong nước trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, tháng 5 cũng là thời gian bắt đầu mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng ước đạt 1.161.100 lượt người, giảm 13,5% so với tháng trước. 

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.708.400 lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đạt khá so với cùng kỳ đóng góp đáng kể giúp thị trường khách châu Á đến Việt Nam ước đạt hơn 5 triệu lượt người, tăng 33,3%; khách đến từ châu Âu ước đạt 976.900 lượt người, tăng 11,8%; khách đến từ châu Mỹ ước đạt 421.100 lượt người, tăng 13,8%; khách đến từ châu Úc ước đạt 193.200 lượt người, tăng 12,1% và khách đến từ châu Phi ước đạt 18.000 lượt người, tăng 20,9%.

Ảnh minh họa.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách có xu hướng tăng so với tháng trước cùng với sự biến động của thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế, nhất là vận chuyển và luân chuyển hành khách, hàng hóa giữa các địa phương, số lượng các chuyến vận tải được tăng cường đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.Tính chung 5 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa ước đạt 659,9 triệu tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017 và 122,5 tỷ tấn/km, tăng 6,4%; vận tải hành khách ước đạt 1.874,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ và 82,8 tỷ lượt khách/km, tăng 11,2%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổng hợp thông tin về thị trường bất động sản 5 tháng đầu năm nhìn chung duy trì mức phát triển ổn định, giá cả ít biến động. Riêng các khu vực ven các đô thị lớn và tại các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu kinh tế, hoạt động buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn biến phức tạp, nhưng đã chững lại sau khi các cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân biến động và có giải pháp. 

Các cơ quan chức năng bước đầu đã thực thi một số biện pháp phù hợp như: tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500 m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh; tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho đến khi quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, về cơ cấu, nguồn cung căn hộ có mức giá trên 25 triệu đồng/m2 chiếm 50-70% thị trường; nguồn cung căn hộ giá rẻ và nhà ở xã hội vẫn thấp, trong khi nhu cầu thực tế của thị trường và khả năng chi trả của người dân chủ yếu vẫn tập trung ở phân khúc này; số lượng dự án nhà ở liền kề, biệt thự được phát triển mới không nhiều, lượng giao dịch ít.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo