Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công thương, Sản lượng gạo sản xuất trong nước của Ghana trong năm tài chính 2014/2015 dự báo ở mức 300 nghìn tấn, tăng so với 290 nghìn tấn của năm 2013/2014.
Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng trọt, lượng mưa đủ và đúng hạn. Ngoài ra, Chính phủ Ghana cũng cam kết tăng năng suất trồng lúa bằng cách hỗ trợ nông dân các loại giống lúa cho năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh, hướng dẫn họ thực hành tưới tiêu nước với chi phí thấp. Lúa được trồng ở các vùng đất thấp trên hầu hết mọi miền của Ghana.
Hiện nay ở Ghana có rất ít công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, có khoảng 6 giống lúa khác nhau được trồng tùy theo vùng. Trong đó giống Jasmine 85 được trồng phổ biến nhất. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, có giá trị kinh tế cao do có mùi thơm. Năng suất trung bình đạt 2,6 tấn/ha. Việc sử dụng phân bón trong trồng lúa cũng rất hạn chế do giá thành cao.
Ngoài ra, giá lúa giống cũng tăng cao trong năm 2014. Giá một túi 45kg hạt giống chất lượng tốt trong năm 2014 là 85 Cedi, tăng gấp đôi so với mức giá 35 Cedi của năm 2013. Vì những lý do trên, các hộ nông dân ít vốn không có điều kiện trồng giống lúa đạt chuẩn do chi phí đầu vào cao.
Hầu hết lúa sản xuất trong nước được chế biến sử dụng công nghệ nội địa cho chất lượng rất thấp. Một số ít các nhà máy chế biến tư nhân không được sử dụng hết công suất do không đủ gạo để đưa vào chế biến.
Bảng: Sản lượng và nhập khẩu gạo của Ghana giai đoạn 2012-2015
Tiêu thụ
Theo các số liệu thống kê, nhu cầu gạo của Ghana trong giai đoạn 2012-2014 là 32-35kg/người. Cùng với tốc độ tăng dân số và đô thị hóa, gạo đang dần thay thế các loại lương thực truyền thống và trở thành lương thực chính trong các bữa ăn của người dân Ghana do dễ chế biến và dễ ăn. Ngoài ra, việc xuất hiện thêm nhiều khách sạn, cửa hàng đồ ăn nhanh và hàng rong ở các thành phố lớn cũng làm tăng nhu cầu về gạo. Sản lượng gạo trung bình hàng năm của Ghana vào khoảng 290 nghìn tấn, đáp ứng 30% tổng nhu cầu về gạo.
Người dân thành thị Ghana ưa chuộng gạo nhập khẩu hơn do chất lượng tốt hơn hẳn gạo trong nước. 20% gạo sản xuất trong nước được tiêu thụ ở các đô thị, số còn lại được tiêu thụ ở các vùng nông thôn. Sản lượng và nguồn cung gạo trong nước không bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng về gạo chất lượng cao và thị hiếu của người dân đối với gạo trắng thơm, hạt dài.
Gạo thơm ngày càng trở nên phổ biến và chiếm 80% lượng gạo nhập khẩu. Gạo nhập khẩu chiếm hầu hết thị phần trong các chuỗi siêu thị tại Ghana. Theo Báo cáo thống kê của Bộ Lương thực và Nông nghiệp Ghana năm 2013, khu vực thành thị chiếm 76% lượng tiêu thụ gạo của cả nước. Người dân Ghana ưa chuộng gạo hạt dài bởi chất lượng và hương vị.
Giá bán lẻ một bao gạo 50kg nhập khẩu từ Hoa Kỳ dao động từ 67-71,67 USD, gạo Thái Lan từ 63-73,33 USD, gạo Trung Quốc từ 60-61,67 USD.
Nhập khẩu
Lượng gạo nhập khẩu của Ghana trong năm tài chính 2014/2015 dự báo ở mức 600 nghìn tấn, giảm so với mức 644 nghìn tấn trong năm 2013/2014. Thương mại gạo năm 2014 giảm 6,8% do giá gạo tăng cao và đồng Cedi Ghana mất giá so với đồng đô-la Mỹ.
Hiện nay, Việt Nam là nước chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường gạo nhập khẩu của Ghana với tỷ lệ 46%, tiếp đến là Thái Lan 22%, Hoa Kỳ 18%. Ngoài ra, Ghana cũng nhập khẩu gạo từ Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chủng loại gạo nhập khẩu vào Ghana đa dạng, từ gạo thơm Thái Lan, gạo Hoa Kỳ, gạo đồ Trung Quốc cho tới gạo rẻ 70-80% tấm. Gạo cấp 1 chiếm 6% tổng lượng gạo nhập khẩu, gạo cấp 2 chiếm 51%. Ghana không sản xuất được gạo cấp 1, gạo cấp 2 chiếm 4% tổng sản lượng gạo của cả nước. Hầu hết gạo trong nước sản xuất là gạo cấp 5 (83%).
Gạo nhập khẩu được bán buôn với giá từ 1.600-3.000 USD/tấn. Giá bán buôn một bao gạo 50kg nhập khẩu từ Hoa Kỳ dao động từ 65-67 USD, gạo Thái Lan từ 63,33-67 USD, gạo Trung Quốc từ 56,67-60 USD.
Các nhà nhập khẩu gạo bán gạo cho các nhà bán buôn, bán lẻ và trực tiếp đến người tiêu dùng. So với gạo sản xuất trong nước, gạo nhập khẩu được đóng gói trong các bao nhỏ hơn với trọng lượng 50kg, 25kg, 10kg, 5kg, 2kg và 1kg. Gạo Hoa Kỳ được tiếp thị thông qua truyền hình, phát thanh, truyền thông trên khắp cả nước và được bán dưới nhiều thương hiệu khác nhau.
Vấn đề đáng lo ngại là tỷ lệ gạo buôn lậu vào Ghana từ các nước láng giềng, đặc biệt là Bờ Biển Ngà đang ở mức cao. Theo Hiệp hội sản xuất lúa gạo Ghana, lượng gạo buôn lậu vào Ghana từ Bờ Biển Ngà lên tới 100 nghìn tấn mỗi năm. Hoạt động buôn lậu gạo được coi là hoạt động thường xuyên và sinh lời dọc theo biên giới phía Tây giáp với Bờ Biển Ngà. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự chênh lệch giữa thuế nhập khẩu gạo vào Ghana (20%) và thuế nhập khẩu gạo vào Bờ Biển Ngà (12,5%). Ngoài ra, gạo kém chất lượng còn được đóng gói dưới tên các nhãn hiệu gạo chất lượng tốt để bán với giá cao.
Hiện nay gạo nhập khẩu vào Ghana phải chịu các loại thuế, phụ phí bao gồm:
- Thuế nhập khẩu 20%
- Thuế giá trị gia tăng 17,5%
- Phí bảo hiểm sức khỏe quốc gia 2,5%
- Phí góp quỹ đầu tư và phát triển xuất khẩu 0,5%
- Phí giám định 1%
- Phí ECOWAS 0,5%
- Phí Hải quan 0,4%
Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Ghana đạt 177,86 triệu USD, giảm nhẹ 2,6% so với năm 2013.
PV