Quốc tế

Tổng thống Pháp buông lời thách thức ông Donald Trump

(DNVN) - Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 25/4 vừa qua, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron bất ngờ lên tiếng thách thức các quyết định của ông Tổng thống Mỹ - Donald Trump cũng như thúc giục Mỹ tham gia tích cực hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày tại Mỹ, Tổng thống Pháp, Macron liên tục chỉ trích các nguyên tắc mang tính biệt lập của ông Donald Trump. Cụ thể, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Macron thẳng thắn nhận định, vai trò của Mỹ trong các vấn đề chung của thế giới là vô cùng quan trọng. Vì thế, quyết định rút khỏi thỏa thuận về Biến đổi khí hậu tại Paris cũng như các hiệp định thương mại quốc tế của đương kim Tổng thống Mỹ có phần thiển cận. 

Thông qua khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng của ông Trump năm 2016, Tổng thống Pháp thậm chí còn "đánh động" tới vai trò của Mỹ trên trường quốc tế trong việc "làm cho hành tinh của chúng ta trở nên vĩ đại một lần nữa." 

Ông Macron luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt với Mỹ trong khi các quốc gia châu Âu khác có xu hướng xa cách. Trước đó, trong các cuộc gặp gỡ giữa 2 nguyên thủ hàng đầu thế giới, tình hữu hảo của họ luôn là tâm điểm của báo giới. Những cái bắt tay, nắm tay thân tình, hôn má, vỗ lưng liên tục trong khi tán dương tình bạn không còn là hình ảnh xa lạ giữa ông Macron và ông Trump.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ngay trước bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Pháp lại đề cập đến việc muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp thực chất hơn là chỉ có vẻ bề ngoài. 

Dù không trực tiếp nhắc đến cái tên Donald Trump, nhưng Tổng thống Pháp cũng chẳng che giấu thái độ thách thức của ông đối với Chủ nghĩa Bảo hộ và Dân tộc mà ông Trump luôn ủng hộ. Ông Macron khẳng định, các vấn nạn của nền kinh tế hiện đại cũng như an ninh thế giới cần phải nâng lên trách nhiệm toàn cầu "được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa đa phương". Về vấn đề này, Tổng thống Macron khẳng định: "Mỹ chính là quốc gia sáng lập nên chủ nghĩa đa phương. Vì thế, các bạn phải là những người tiên phong trong việc giữ gìn và phát huy nó”.

Bên cạnh đó, nói về thoả thuận quốc tế liên quan tới vấn đề hạt nhân tại Iran mà Tổng thống Mỹ vẫn luôn chỉ trích, ông Macron thừa nhận, thoả thuận trên tuy không thực sự hoàn hảo nhưng cần thiết phải duy trì cho tới khi các bên tìm được giải pháp thay thế tốt hơn. "Phải thừa nhận rằng, thoả thuận nói trên có thể sẽ không giải quyết được toàn bộ những vấn đề nóng bỏng trên thế giới. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận nó hoàn toàn trong khi chẳng hề có biện pháp nào thay thế". - Tổng thống Pháp chia sẻ.

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ, Donald Trump vẫn luôn quả quyết rằng sẽ tháo lui khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Mỹ) vào năm 2015. Ông Trump cũng sẽ đưa ra quyết định vào tháng 5 tới liên quan đến phục hồi lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran, được xem như là bước đi đầu tiên trong quá trình rút khỏi thỏa thuận nói trên. 

Tuy nhiên, Tổng thống Macron vốn ủng hộ “Chủ trương Ôn hoà” lại tỏ ra khá lạc quan về khả năng trở lại của Mỹ đối với Thoả thuận Khí hậu tại Paris, trên tinh thần đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông kêu gọi: "Hãy sát cánh bên nhau để biến Trái Đất của chúng ta trở nên tuyệt vời một lần nữa. Chính con người đang huỷ hoại hành tinh này. Vậy nên hãy để con người có cơ hội đối mặt với hậu quả. Bởi vì chẳng có đâu một Trái Đất thứ 2". 

 

Bài phát biểu của Tổng thống Macron liên tục nhận được những tràng pháo tay và sự tán dương không ngớt, đặc biệt từ phía những nhà lập pháp đảng Dân chủ khi ông này "chĩa mũi dùi" về phía "ông chủ nhà Trắng". 

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng chia sẻ trên Twitter của mình: "Tôi rất chờ đợi bài phát biểu hôm nay của Tổng thống Pháp, Macron tại Phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Đây quả thực là niềm vinh dự lớn và hiếm hoi... Chắc chắn ngài ấy sẽ thể hiện rất tuyệt vời!". Thế nhưng, hiện tại chưa có bất kỳ động thái nào từ phía Nhà Trắng kể từ sau bài phát biểu của ông Macron. 

Trên thực tế, chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp còn nhắm tới thuyết phục ông Trump trong việc miễn thuế thép cho châu Âu cũng như duy trì sự hiện diện của quân đội nước này tại Syria. Hồi đầu tháng này, Pháp cũng đã phối hợp cùng Anh và Mỹ phát động các cuộc không kích tại Syria nhằm trả đũa cho vụ tấn công bằng vũ khí hoá học với cáo buộc liên quan đến chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Dù vậy, thoả thuận về hạt nhân tại Iran mới là tâm điểm của các cuộc thảo luận tuần này. Cả hai nhà lãnh đạo đều đã cam kết sẽ đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn để kiềm chế Iran, nhưng ông Trump chưa từng đảm bảo sẽ duy trì thoả thuận liên quan đến hạt nhân mà Tổng thống Obama đã đàm phán trước đó. Ngoài ra, ông Trump còn đe doạ trả đũa nếu Tehran tái khởi động các chương trình hạt nhân tại nước này.

Tổng thống Pháp chia sẻ đã tìm ra cách tiếp cận mới cho cá Mỹ và châu Âu trong việc xử lý vấn đề hạt nhân tại Iran kể từ năm 2025 trở đi, đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này cũng như đi đến một giải pháp chính trị nhằm kìm hãm Iran trong lãnh thổ Yemen, Syria, Iraq và Lebanon. Ông khẳng định, mục tiêu của Pháp là duy trì các cam kết nhằm ngăn chặn Iran khỏi phát triển vũ khí hạt nhân. 

Nếu Mỹ đạt được sự đồng thuận với Pháp và những cường quốc châu Âu khác, các nhà lập pháp hy vọng có thể thay đổi tần suất báo cáo về tình hình Iran của ông Trump trước Quốc hội cũng như gia hạn một số mục tiêu trong thoả thuận. 

 

Trước Tổng thống Pháp, Macron, vào năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài gần đây nhất được phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Nên đọc
Nguyễn Thủy (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo