Quốc tế

Tổng thống Trump đã thay đổi Trung Đông thế nào sau một năm nhậm chức?

Tình hình ở Trung Đông, từ cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq đến căng thẳng Israel - Palestine, được cho là đã thay đổi đáng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi đầu năm nay.

Quyết định chấn động về Jerusalem

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters).

Trong một động thái gây tranh cãi và chưa từng có tiền lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Quyết định này ngay lập tức đã khiến dư luận thế giới dậy sóng. Các cuộc biểu tình phản đối Mỹ công nhận Jerusalem nổ ra ở nhiều nơi. Thậm chí những quốc gia được coi là đồng minh thận cận nhất của Mỹ trong thế giới Ả rập như Ả rập Xê út và Jordan cũng công khai chỉ trích quyết định của Washington.

Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Jordan cho rằng, với quyết định này Mỹ không còn thể giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel hay thúc đẩy hòa bình Trung Đông. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/12 cũng phải triệu tập một cuộc họp bất thường để thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ từ bỏ quyết định gây tranh cãi.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, người thực sự đứng đằng sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump có thể là chàng rể và cũng là cố vấn cấp cao Jared Kushner, người chịu trách nhiệm chính đề ra và thực hiện các chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

“Đồng minh” mới ở Trung Đông

 

 

Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman (Ảnh: Reuters).

Người được coi là đồng minh Ả rập thân thiết nhất với Tổng thống Trump trong giai đoạn biến động này là Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman, 32 tuổi.

Được phong Thái tử vào tháng 6/2017, Mohammed bin Salman trở thành nhân vật nắm quyền lực chính trị lớn thứ hai chỉ sau Quốc vương Saudi Arabia. Ông chính là người đứng sau các quyết định can thiệp quân sự vào Yemen, bao vây cấm vận Qatar.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Thái độ cứng rắn của Thái tử bin Salman có thể là “mồi lửa” thổi bùng bất ổn với quy mô lớn chưa từng thấy ở khu vực Trung Đông, thậm chí có thể lôi kéo cả các cường quốc như Mỹ và Nga cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực.

 

Nga củng cố vị thế ở Trung Đông

Trước sự hối thúc từ Ả rập Xê út và Israel, Mỹ đang cố gắng thiết lập một liên minh vững chắc để ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.

Nga củng cố vị thế ở Trung Đông với chiến dịch thành công ở Syria. (Ảnh minh họa: Reuters).

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Iran vẫn không ngừng tăng lên bất chấp hàng thập niên hứng lệnh trừng phạt hay bị cô lập về ngoại giao. Cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Iran là sự gia tăng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông.

Tháng 9/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức cho phép triển khai quân đội tới Syria để hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đến đầu tháng 12 năm nay, đích thân ông cũng ra mệnh lệnh rút phần lớn lực lượng quân sự Nga ở Syria về nước với lý do đã “hoàn thành sứ mệnh”. Đây được đánh giá là một chiến thắng lớn của Nga ở Trung Đông, thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

 

Trong khi đó, Nga tiếp tục củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO. Gần đây, Nga đã ký thỏa thuận bán một hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow và Ankara cũng trở thành hai trung gian chính cho các cuộc hòa đàm ở Syria.

Trong khi vị thế của Nga ở Trung Đông tiếp tục được củng cố thì vai trò của Mỹ dường như mờ nhạt dần khi chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Trong một bình luận gây chú ý mới đây trên Twitter, Tổng thống Trump chia sẻ: "Vào thời điểm nào đó, vì lợi ích của đất nước, tôi dự đoán chúng ta sẽ bắt đầu làm việc với đảng Dân chủ. Hạ tầng sẽ là nơi hoàn hảo để bắt đầu. Sau khi đã tốn kém 7 nghìn tỷ USD một cách dại dột ở Trung Đông, đã đến lúc bắt đầu xây dựng lại đất nước chúng ta".

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo