Pháp luật

TP.HCM: Hàng lậu, hàng giả tăng so với 2013

Theo Chi cục Quản lí thị trường (QLTT) TP.HCM, trong năm 2014, tình hình buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với số lượng các vụ vi phạm tăng cao so với năm 2013.

Cán bộ QLTT TP.HCM kiểm tra một điểm chứa trữ thuốc lá nhập lậu tại quận Tân Phú.

 

Điển hình là thuốc lá điếu nhập lậu, trong năm 2014, lực lượng QLTT TP.HCM đã kiểm tra 1.718 vụ, tăng 1.191 vụ so với năm 2013, tạm giữ tổng cộng 638.083 bao thuốc lá nhập lậu, 415 chiếc xe gắn máy hai bánh và 9 xe ô tô vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

 

Theo Chi cục QLTT TP.HCM, các vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu phần lớn bằng xe gắn máy hai bánh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối liền với các tỉnh Long An, Tây Ninh. Gần đây xuất hiện thêm xe ô tô du lịch chở số lượng lớn vài ngàn bao thuốc mỗi chuyến.

 

Cùng với việc gia tăng vận chuyển thuốc lá lậu, tình hình kinh doanh bán lẻ thuốc lá điếu không giấy phép vẫn còn khá phổ biến tại TP.HCM. Tại các tủ thuốc lá lề đường, vỉa hè, tiệm tạp hóa, quán cà phê, giải khát, quán ăn, nhà hàng, quán bar, dịch vụ giải trí đều có bán lẻ thuốc lá điếu. Mặc dù không có giấy phép kinh doanh bán lẻ thuốc lá điếu nhưng vẫn được nhân viên tiếp thị của nhà phân phối đến giao trực tiếp thuốc lá điếu và tủ trưng bày. Các điểm kinh doanh thuộc dạng này cũng là nơi cất giữ và mua bán thuốc lá điếu nhập lậu.

 

Ngoài thuốc lá, từ đầu năm đế nay, lực lượng QLTT TP.HCM cũng đã phát hiện và xử lí 1.400 vụ hàng nhập lậu (tăng 289 vụ so với năm 2013), tịch thu gần 2.100 danh mục các mặt hàng tiêu dùng các loại gồm quần áo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, bia, rượu, sữa, điện thoại di động, thiết bị điện, đồ điện gia dụng, phụ tùng ô tô xe máy, vải, phụ liệu may, hóa chất, bột ngọt, đường cát, thực phẩm khô...

 

Phần lớn hàng nhập lậu là hàng hóa tiêu dùng, thiết bị, phụ tùng các loại, xuất xứ Trung Quốc. Các mặt hàng này vào thành phố theo nhiều nguồn trong đó chủ yếu là vận chuyển trên đất liền theo các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào.

 

Bên cạnh hàng nhập lậu, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả tại TP.HCM cũng có chiều hướng gia tăng. Nhiều trung tâm thương mại, chợ và các cửa hàng trên đường phố bày bán các mặt hàng đồng hồ, kính mắt, túi xách, dây lưng, ví, quần áo, giày dép,… giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu các thương hiệu nước ngoài. Tại các chợ, một số hộ kinh doanh nhỏ bán bột ngọt nhập lậu số lượng lẻ ít hoặc bán bột ngọt đóng gói sẵn giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto. Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện 14 vụ buôn bán bột ngọt, dầu ăn giả mạo nhãn hiệu.

 

Theo thống kê của Chi cục QLTT TP.HCM, trong năm 2014, trên địa bàn thành phố có 442 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tăng 214 vụ so với năm 2013. Qua đó, tịch thu 382 danh mục hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng và thời trang các loại gồm có đồng hồ, ba lô, túi xách, mắt kính, giày dép,... giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài, bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, bột trét tường và bao bì các loại./. 

Theo báo Hải Quan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo