Pháp luật

TP HCM: Mỗi năm phát hiện hơn 15.000 vụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng

Ngày 7/12, HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP HCM đã tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12/2014 với chủ đề “Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP. HCM”.

Một quầy bánh kẹo nội địa được bày bán tại chợ Bến Thành, TP HCM

Tại chương trình, nhiều ý kiến của cử tri cho rằng, trong ba năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề VSATTP vẫn khiến người dân bức xúc, bà con lo lắng và mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh những cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

 
 
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết, trong năm qua, ngành y tế lấy hơn 19.000 mẫu thực phẩm để kiểm tra giám sát, kết quả có 13,88% mẫu không đạt ATVSTP; kiểm tra 150 trong số 164 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có sử dụng phụ gia thực phẩm thì có 19 cơ sở không đạt. Trong số 93 mẫu thực phẩm được lấy mẫu kiểm tra tiêu chí về phụ gia thực phẩm, có 13 mẫu không đạt, sử dụng formol, hàn the, chủ yếu chả lụa. Theo ông Hòa, đối với những mẫu không đạt, Chi cục tham mưu với ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP ra văn bản chỉ đạo sở ngành liên quan, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chấn chỉnh ngay các cơ sở thì sản phẩm không đạt ATVSTP mới không ra thị trường.
 
 
 Ông Nguyễn Trung Bính - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: Hàng năm, Chi cục phối hợp kiểm tra liên ngành bình quân trên 15.000 vụ, trong đó, ATVSTP chiếm 40% số vụ việc. Trong 11 tháng qua, Chi cục phát hiện 7.000 vụ vi phạm ATVSTP, tiêu hủy trên 700 tấn hàng hóa.
 
 
Tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh nâng cao ý thức người tiêu dùng. Liên quan đến vấn đề sản xuất thực phẩm, ông Hưng cho biết phải cải thiện điều kiện, nuôi trồng, sơ chế, chế biến kinh doanh. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở ban ngành, tỉnh lân cận trong quản lý từ trang trại đến bàn ăn; thiết lập hệ thống giám sát phòng ngừa, cảnh báo các bệnh liên quan đến thực phẩm…
 
 
Ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, vấn đề ATVSTP mặc dù đã được các cơ quan chức năng quyết liệt cải thiện thực trạng, nhưng vẫn còn mối lo. Nhằm đảm bảo tốt nguồn thực phẩm cung cấp hàng ngày trên địa bàn thành phố, ông Cang  yêu cầu, các Sở ngành, quận – huyện cần tăng cường lực lượng chống vi phạm, thành lập đội xử lý nhanh. 
 
 
Ông Cang cho rằng, các ngành từ y tế, nông nghiệp, đến các quận huyện phải xem đây là nhiệm vụ chính, phải tăng cường quản lý. Ba nhóm giải pháp căn cơ mà ông Cang đưa ra là sửa đổi bổ sung ban hành việc xử lý nghiêm hơn nữa đối với hành vi vi phạm ATVSTP; các hợp tác xã tập trung các hộ nuôi, trồng nhỏ lẻ về một mối để quản lý tốt hơn; lãnh đạo thành phố làm việc với các tỉnh, thành để kiểm soát nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường thành phố.
 
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, trong 3 năm qua các cơ quan chức năng quản lý ATVSTP của TP đã có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế vẫn còn đó những băn khoăn, lo lắng, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, hàng hóa chất lượng kém vẫn còn… Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm:  “Các giải pháp đã có rồi, giờ các cơ quan liên quan cần triển khai đồng bộ, các bộ phận thực thi nhiệm vụ minh bạch, công tâm để đảm bảo hàng hóa thực phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo ATVSTP…”.
 
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo