TP. HCM: Người dân hoang mang, lo lắng hàng hóa kém vệ sinh an toàn thực phẩm
(DNVN) - Người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng về về hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả, hàng nhái trên thị trường diễn ra ngày một nhiều, nhất là Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang “cận kề”.
Đó là ý kiến của đa số đại biểu tại chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 1/2016 với chủ đề “Chất lượng hàng hoá phục Tết Bính Thân 2016” do HĐND TP.HCM và Đài Truyền hình TP. HCM tổ chức vừa qua.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm (Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM), trong quá trình khảo sát đã ghi nhận rất nhiều ý kiến người dân lo lắng về những vấn đề trên, chẳng hạn như, thịt heo bẩn các nơi đưa về TP.HCM có tình trạng bơm nước, chất cấm; bánh mứt trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc… người dân mong muốn các cơ quan nhà nước có biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe của người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới.
“Hiện nhiều chợ tự phát tại vùng ven, khu vực nông thôn nhưng không có cơ quan chức năng quản lý. Khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra thì không thấy bán nhưng cơ quan chức năng đi khỏi thì tại các điểm chợ tự phát lại bày bán trở lại. Tại các chợ trong TP.HCM, thịt, cá bị ướp hàn the, hoặc tẩm các gia vị để bảo quản được tươi lâu; các loại trái cây thì ngâm chất bảo quản khiến các bà nội trợ khi đi mua hàng hóa phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày cho gia đình rất lo lắng, bất an”. Bà Lê Thị Hạnh, một người dân ở huyện Bình Chánh cho biết.
Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, thịt heo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được đưa về TP.HCM tiêu thụ đã làm người dân hoang mang, lo lắng nhất là Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang cận kề.
Khi đề cập vấn đề này, ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM) cho rằng: Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại bất cập trong quản lý nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, các cơ quan quản lý phải có giải pháp cụ thể, triệt để, tập trung có trọng tâm, trọng điểm như những sản phẩm nghi ngờ có sử dụng phụ gia, những thực phẩm thức ăn đường phố, hoặc những sản phẩm thông qua công tác thanh tra nếu thấy điều kiện sản xuất không đảm bảo thì sẽ lấy mẫu để kiểm tra.
Ông Thái Thành Tâm (Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM) nêu rõ: Vẫn còn tồn tại thực trạng người trồng rau sử dụng nhớt thải tưới, hóa chất ngâm cho rau muống để tươi, xanh tại xã Bình Mỹ- huyện Củ Chi và phường Thạnh Xuân- quận 12.
Một cơ sở làm nhái mũ bảo hiểm bị cơ quan chức năng tại TP.HCM phát hiện xử lý tháng 10/2015
Trước sự lo lắng của cử tri về vấn đề hàng gian, hàng giả dịp tết, ông Phan Hoàn Kiếm (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) cho biết: “Chi cục xác định đấu tranh chống hàng gian, hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, chính quyền các cấp: quận huyện để tổ chức kiểm tra thường xuyên liên tục trên địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để kiểm tra phát hiện xử lý kịp thời mọi hành vi sản xuất kinh doanh vận chuyển, chứa trữ hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng nhái.
Một cơ sở sang chiết gas trái phép tại quận 2 bị cơ quan chức năng tại TP.HCM phát hiện niêm phong, chờ xử lý.
Đặc biệt là đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ông Kiếm cũng khẳng định đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh giáp ranh; tăng cường kiểm tra các kho hàng, bãi chứa để kịp thời ngăn chặn những vi phạm hàng gian, hàng giả để xử lý nghiêm. Ông Kiếm nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Trương Thị Ánh nêu rõ: Chính quyền các cấp của Thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận dạng những sản phẩm không đạt chất lượng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, theo dõi, giám sát tình trạng hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm mất an toàn vệ sinh.