TP HCM: Phụ nữ sinh ít con ở mức báo động
Về số con trung bình hiện nay của phụ nữ TP HCM là 1,3 con, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số cho rằng đây là dấu hiệu đáng báo động , vì thế phụ nữ ở đây cần đổi khẩu hiệu 2 con là đủ thành 2 con tốt hơn .
(giadinh) Ngày 17/7, Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục dân số cho biết, hiện mức sinh trung bình của Việt Nam là 2,05 con nhưng lại không đồng đều ở các vùng miền. Năm 2011, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP HCM là 1,3. Năm 2012 được cho là năm đẹp, dù số sinh có tăng nhưng cũng chỉ ở mức 1,33 con.
Ở một số tỉnh khác vùng Đông và Tây Nam bộ, mức sinh cũng khá thấp, chỉ là 1,5 - 1,6... Theo ông Trọng, việc duy trì mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến hệ lụy thiếu nguồn lao động vì người già ngày càng nhiều, còn người trong độ tuổi lao động lại ít đi.
Ông Trọng cho biết, chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản Việt Nam giai doạn 2011-2020 cũng không còn tập trung duy nhất vào việc giảm sinh như năm 2010 về trước nữa mà nhằm tới 5 mục tiêu cụ thể là: Nâng cao chất lượng dân số; Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”; Chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và Kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh.
Có một số ý kiến đưa ra mới đây là nên cân nhắc tăng mức sinh, để người dân sinh con theo ý muốn. Ông Trọng cho rằng, việc này cần xem xét tổng thể và kỹ lưỡng. Tổng cục dân số đã đưa ra 3 "kịch bản": Thứ nhất là để tốc độ sinh tăng cao thì dân số đạt cực đại vào năm 2060 với khoảng 120 triệu dân. Thứ hai là để mức sinh thấp, thì dân số Việt Nam đạt 100 triệu dân năm 2040. Thứ ba là để mức sinh trung bình, mức sinh thấp hợp lý thì quy mô dân số cực đại năm 2050 là 110 triệu.
Phương án thứ nhất không được chọn vì Việt Nam là một trong những nước đông dân, đứng thứ 14 về quy mô dân số nhưng có mật độ thuộc diện cao trên thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, gấp 1,8 lần Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới. Nếu dân số tăng cao, mật độ tiếp tục tăng, tạo sức ép rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội: việc làm, an ninh lương thực, chăm sóc y tế.
Theo Tổng cục Dân số, phương án 2 cũng bị loại trừ vì mức sinh thấp sẽ khó vực lại được, rút ngắn thời gian già hóa dân số, tạo ra sức ép về chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Theo quy luật, sau khi đạt cực đại, dân số quay đầu giảm.
"Như Trung Quốc thi hành chính sách một con nghiệt ngã gây ra tình trạng 'căn bệnh' hiện tại là 4-2-1, tức 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ xoay quanh 1 đứa trẻ. Đứa trẻ như ông vua con đó được 6 người lớn phục vụ hết, có thể trở thành người không biết làm gì, và 20 năm sau chúng sẽ phải quay lại chăm sóc 6 người già. Đây là một thảm họa. Vì thế, chúng tôi đề xuất mức sinh thấp hợp lý, chấp nhận quy mô dân số tăng đến năm 2020 để có cơ cấu dân số hợp lý giữa trẻ em với người lao động và người già", ông chia sẻ bài học từ nước láng giềng.
Minh Thùy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo