Pháp luật

TP.Hồ Chí Minh kêu gọi: không cho tiền người ăn xin

Theo đó, người ăn xin không có thân nhân sẽ được đưa vào trung tâm hỗ trợ, có chỗ ăn, chỗ ở ổn định.

Ông T. - người sống lang thang, ăn xin tại khu vực mũi tàu đường Trường Chinh - Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Lộc

Xung quanh việc từ ngày 28-12, TP.HCM sẽ đưa người ăn xin, sống lang thang vào trung tâm hỗ trợ xã hội theo quyết định 49 ngày 18-12-2014 của UBND TP, chiều 22-12 Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh lần này TP làm căn bản, thiết thực và bền vững.

 

Thành phố sẽ tăng cường thông tin, vận động người dân không cho tiền trực tiếp những người lang thang ăn xin trên đường phố; vận động người dân có lòng hảo tâm đóng góp hỗ trợ thông qua các tổ chức đoàn thể, từ thiện xã hội của TP

Ông HỨA NGỌC THUẬN 
(phó chủ tịch UBND TP.HCM)

Theo ông Thuận, những năm qua, với các giải pháp đồng bộ, người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng ở TP đã giảm rõ rệt.

 

Lợi dụng lòng tốt của người khác

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở TP xuất hiện người ăn xin giả dạng người cao tuổi bán tăm bông, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố... lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của TP.

 

Do vậy, TP tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội.

 

Theo đó, khi đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội của TP, người lang thang sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ quy định của Nhà nước.

 

Những người lang thang là người nước ngoài, UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với Sở Ngoại vụ để đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội của TP, Sở Ngoại vụ sẽ làm việc với các tổng lãnh sự quán, cơ quan ngoại giao liên quan để tiếp nhận công dân của họ, không để những người này sống lang thang.

 

Ông Thuận nhấn mạnh tính nhân văn của công tác này là trước mắt không để người ăn xin ở ngoài đường sống lây lất mà đưa họ vào trung tâm hỗ trợ xã hội có chỗ ăn, chỗ ở ổn định.

 

Từ đó, sẽ phân loại những người có gia đình ở các địa phương để thông báo gia đình tiếp nhận người thân của mình. Còn những người không có người thân sẽ được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm bảo trợ xã hội của TP.

 

Theo ông Thuận, một trong những giải pháp của TP là yêu cầu các cơ quan chức năng ở mỗi quận, huyện quản lý chặt chẽ địa bàn; thiết lập đường dây nóng ở mỗi quận, huyện để tiếp nhận thông tin từ người dân.

 

UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng TP ghi nhận số điện thoại, địa chỉ để đến cảm ơn người dân cung cấp thông tin về người ăn xin sống lang thang, hoàn trả chi phí điện thoại...

 

“Ngoài ra, lần này UBND TP đã quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng TP tổ chức điều tra, phối hợp xử lý triệt để, nghiêm minh đối với những người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi ăn xin” - ông Thuận nói.

 

Cũng theo ông Thuận, Trung tâm hỗ trợ xã hội của TP được yêu cầu tổ chức nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề, tạo điều kiện tham gia lao động sản xuất phù hợp đối với những người được lập hồ sơ đưa vào đây.

Người ăn xin tại ngã tư Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành, Q.11. TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
 

Ăn xin tràn lan giữa phố

12g ngày 22-12, tại giao lộ Hải Thượng Lãn Ông - đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.5), người đàn ông tên P. (37 tuổi, ngụ Bình Hưng, Bình Chánh) đội nón tai bèo, từ chân tay đến trang phục dính đầy bùn đất bước xiêu vẹo giữa dòng xe đông đúc xin tiền.

 

Cứ mỗi lần giơ tay xin tiền, ông P. lại “chỉnh” cho khuôn mặt méo xệch, hai hàm răng cắn vào nhau, miệng lắp bắp như mắc phải chứng bệnh gì đó. Trước “vở diễn” này, nhiều người đi đường đã móc ví cho ông P. tiền. Khi xin tiền là thế nhưng khi phát hiện bị ghi hình, ông P. liền nhảy tót ra khỏi đám đông để né ống kính.

 

Ông P. kể mỗi ngày ông xin được từ 200.000-250.000 đồng. Nghe thông tin từ ngày 28-12, TP sẽ đưa người ăn xin lang thang vào các cơ sở xã hội, ông P. cho biết từng bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì hành nghề đi xin tiền nhưng do gia đình neo đơn, lại có mẹ già nên cho về.

 

“Nếu không cho xin tiền nữa thì tôi đi bán vé số chứ không vào cơ sở xã hội đâu” - ông P. nói.

 

Tại giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú) lúc 10g sáng cùng ngày, bà K.T.L. (61 tuổi, quê Thanh Hóa, bị hỏng hai mắt) cầm nón, trải tấm nệm quỳ gối giữa đường xin tiền. Dù mang theo một bịch gồm bông gòn, tăm tre... nhưng bà L. không mang ra để bán.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, bà L. kể bà xin tiền “lâu lắm rồi”. Ngoài việc xin tiền ở giao lộ này bà còn “đóng đô” tại mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) xin tiền và từng nhiều lần bị cơ quan chức năng đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

 

“Tui đang thuê trọ sống tận Bình Thạnh, sáng sớm có người cháu chở tui ra đây tối ra chở về. Cả ngày tui kiếm được 500.000-800.000 đồng” - bà L. tiết lộ...

 

Sáng 22-12, chúng tôi chứng kiến cán bộ bảo trợ xã hội P.Tây Thạnh đã đưa bà L. về phường để lập hồ sơ, xử lý theo quy định.

 

Một điểm “đen” khiến nhiều người dân bức xúc về tình trạng người sống lang thang xin tiền tràn lan đó là mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa (Q.Tân Bình).

 

Sáng 22-12, tại đây chúng tôi ghi nhận có hai người đàn ông ngồi xin tiền. Trong đó có ông T. (58 tuổi) sống lang thang. Biểu hiện bên ngoài cho thấy chân trái của ông T. sưng rất lớn, bầm tím, đầu ông luôn đội nón lưỡi trai và cúi gục xuống đường.

 

“Ngày tôi xin được hơn trăm ngàn, tối lang thang ngủ lề đường. Tôi chưa bao giờ bị đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Tôi đi đứng rất khó khăn, lại bệnh tật nên vào trong đó bất tiện lắm” - ông T. nói.

 

Ngoài những địa điểm nói trên, chúng tôi còn ghi nhận tình trạng người lang thang ăn xin thường xuyên xuất hiện tại vòng xoay đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp), Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1 (Q.Tân Phú), Cách Mạng Tháng Tám - Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình)...

Đồ họa: V.Cường

Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo