TPHCM khó đạt tăng trưởng 8,3% năm nay nếu không có giải pháp cụ thể
Tại kỳ họp lần thứ 9 của Hội đồng nhân dân TPHCM khóa 9 đang diễn ra, xung quanh tình hình phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM năm 2018, nhiều đại biểu lo ngại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3% trong năm nay của thành phố sẽ khó đạt được vì tốc độ tăng trưởng 6 tháng qua chỉ ở mức 7,86%. Cho nên, thành phố cần phân tích các yếu tố tăng trưởng trong từng tháng để kịp thời có những biện pháp ngắn hạn thúc đẩy phát triển, đạt kế hoạch đề ra.
Theo nhiều đại biểu, nếu nuốn thực hiện được mục tiêu tăng trường kinh tế năm 2018 là 8,3% thì thành phố phải có giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Cụ thể như, công nghiệp, du lịch, xuất nhập khẩu, nông nghiệp công nghệ cao…tăng trưởng thế nào, điều chỉnh ra sao cho phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, phải có sự giám sát thực hiện, đánh giá hàng tháng chứ nếu không thì rất khó đạt được.
Theo Đại biểu Phạm Quốc Bảo, để đạt được mục tiêu 8,3% của năm thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm tối thiểu phải 8,7%. Như vậy thì mức tăng của hai nhóm thành phần chính là công nghiệp xây dựng và dịch vụ thương mại chiếm đến 86% cơ cấu GDP thì phải có giải pháp đột phá.
Cũng liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng: Đưa ra phương hướng cho 6 tháng cuối năm phải thận trọng và chủ động. Đặc biệt, cần nhận rõ thời cơ và thách thức. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu- một lĩnh vực đóng góp quan trọng trong tăng trưởng, chúng ta đang có cơ hội về dệt may và da giày vào thị trường Hoa Kỳ và việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng khó khăn khi hàng Việt xuất khẩu vào Trung Quốc và hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại khi vào thị trường Hoa Kỳ khiến thị trường lân cận bị ảnh hưởng.
Ông Vương Đức Hoàng Quân kiến nghị: Các ngành liên quan trực tiếp đến XNK phải theo dõi sát tình hình và chủ động có biện pháp đề phòng, phản ứng. Chúng ta cần tập trung khai thác thị trường trong nước đối với các mặt hàng công nghiệp mà chúng ta thế mạnh, tập trung phát triển thị trường các sản phẩm dịch vụ.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề về quản lý di tích, đào tạo nghề… đang có nhiều vướng mắc, bất cập. Theo các đại biểu, HĐND cần giám sát bảo tồn di sản trên địa bàn TP, cả vật thể và phi vật thể, nhất là di sản kiến trúc. Đồng thời xác định nội dung giám sát bảo tồn di sản phi vật thể và xác định bảo tồn hướng tới mục tiêu nào. Đại biểu cũng đề nghị không chỉ bảo tồn nói chung mà phải gắn vào đó là khai thác du lịch và phục vụ cho giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, chính vì vậy mà thường trực HĐND đưa nội dung này vào chương trình giám sát cụ thể, tham khảo nhiều hơn ý kiến của các chuyên gia, không có chuyện di tích không có trong danh sách thì không được bảo tồn: "Chúng tôi muốn giám sát là để bảo tồn và cần thiết là HĐND sẽ phân bổ kinh phí để trùng tu, duy tu để giữ. Chứ khi mà dư luận lên tiếng thì ngành chức năng trả lời là công trình này, di tích đó chưa có trong danh sách và chưa có trong danh sách thì sẽ không bảo tồn. Cách nói như vậy làm dư luận bức xúc".
Nhiều vấn đề khác như: quản lý và xử lý rác thải, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong kết hợp đào tạo nghề, thực hiện chỉ tiêu bác sỹ ở trạm y tế, nước sạch với vùng khó khăn…cũng được các đại biểu đưa ra các giải pháp cụ thể. Kỳ họp HĐND TP sẽ tiếp tục bàn thảo, sau đó đưa vào nghị quyết kỳ họp để thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ