TP.HCM yêu cầu hạn chế tạm giữ phương tiện của người vi phạm
Trước tình trạng bãi giữ xe vi phạm đang bị quá tải vì không có người đến nhận và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngày 15/11, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP đã có văn bản về việc triển khai một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính.
Theo đó, UBND TP yêu cầu công an TP phải chủ trì, phối với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm; xây dựng phương án xử lý, trong đó nêu rõ biện pháp, lộ trình cụ thể xử lý đối với từng loại phương tiện; trình UBND TP phê duyệt. Thời hạn thực hiện: trước ngày 31.12, theo thông tin trên báo Thanh Niên.
Văn bản nêu rõ: Theo tinh thần của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cần hạn chế việc giữ phương tiện khi xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp đủ điều kiện và bắt buộc phải tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng triệt để quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Công an TPHCM chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục tạm giữ các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính, tịch thu, bán đấu giá, xử lý tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
Trên cơ sở đó, đề xuất các bộ, ngành Trung ương theo hệ thống dọc sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ; báo cáo UBND TP kiến nghị Chính phủ xử lý những nội dung vượt quá phạm vi, thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương.
Đối với Sở Giao thông Vận tải, cần tham mưu UBND TP lập Tổ công tác liên ngành trước ngày 30- 11, gồm Sở GTVT (là cơ quan thường trực), đại diện các cơ quan như Công an TP, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan khác.
Đối với các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với Công an TP rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm thuộc phạm vi quản lý của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo