Thị trường

Trai 8X nuôi 2 con, trồng 2 cây, cầm chắc 10 triệu/tháng

Nghỉ học từ sớm, chàng trai 8X Trần Công Bảo (trú huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã mạnh dạn đầu tư nuôi 2 con, trồng 2 cây trên mảnh đất quê nhà. Nhờ vậy, mỗi tháng nam thanh niên này cầm chắc trên tay hơn 10 triệu đồng.

“Tấc đất, tấc vàng”

Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, chàng trai Trần Công Bảo (31 tuổi, ở khối Thiết Ðính Bắc, TT. Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) phải nghỉ học từ rất sớm để theo cha mẹ đi rừng, phát rẫy mưu sinh.

Gia đình anh Bảo có hơn 3,4ha đất gò đồi đang trồng cây điều và keo lai. Thế nhưng, lúc bấy giờ keo lai mới bắt đầu phát triển, còn điều đã “hết thời” nên nguồn thu nhập của gia đình không có. Mảnh đất đành bỏ không, ít được chăm sóc… bỗng chốc trở nên cằn cỗi, khô khan.

Anh Trần Công Bảo đang cho đàn cá ăn.

Năm 2005, khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Bảo tận dụng 3,4ha đất tự nhiên của gia đình để làm mô hình kinh tế trang trại. Sau khi tìm hiểu trên sách báo, tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương, anh lên phương án cải tạo diện tích đất theo mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng.

“Tấc đất là tấc vàng, nghĩ thế tôi cứ miệt mài lao động với hi vọng kiếm lời trên mảnh đất quê hương. Ban đầu, do vốn không có nên đành phải làm dần từng bước theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Từ tiền bán keo lai, tôi cùng cha mẹ đầu tư nuôi vịt đẻ, nuôi gà thịt thả vườn, nuôi bò. Bên cạnh đó, đa canh các loại rau, cây ăn quả ngắn ngày bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sau này, nhận thấy cây điều “hết thời” không còn giá trị kinh tế, tôi bàn với cha mẹ chặt bỏ để trồng tiêu”, anh Bảo nhớ lại.

Cá điêu hồng được nuôi chắc chắn trong lồng trên mặt hồ Thiết Đính.

“Bén duyên” với cá diêu hồng

Ngoài lợi thế đất gò đồi của gia đình, cha mẹ anh và 6 hộ dân khác cùng trúng thầu nuôi cá tại đập Thiết Đính (ở khối Thiết Ðính Bắc, TT. Bồng Sơn) với tổng diện tích mặt nước rộng gần 28ha.

Theo anh Bảo, diện tích hồ lớn nhưng hiệu quả khai thác kém, lại thường xuyên bị thất thoát cá nuôi vì nước lũ hay tràn vào đập, nạn khai thác trộm… nên thu nhập từ nghề nuôi cá tại đây không cao. Lúc này, trong đầu anh lại lóe lên ý tưởng phải tận dụng diện tích mặt nước trong hồ để nuôi cá lồng.

 

Đàn cá điêu hồng con đang được gầy để cung ứng kịp vụ cho các mối hàng.

Trước khi bắt tay vào nuôi cá diêu hồng, anh Bảo đã có thời gian nuôi cá thuê cho một số hộ dân trong vùng. Dù đã có kinh nghiệm nhưng để chắc chắn, anh tiếp tục đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình lân cận.

Anh Bảo cho biết: “Bước đầu, tôi vay vốn từ Quỹ tín dụng Bồng Sơn và vay mượn thêm trong gia đình, đầu tư gần 40 triệu đồng xây dựng 1 lồng nuôi cá diêu hồng (mỗi lồng có 4 ô, tổng diện tích gần 150m2) trên hồ Thiết Đính. Sau gần 5 tháng nuôi, lứa cá đầu tiên tôi thu lãi gần 10 triệu đồng”.

Theo anh Bảo, nhờ mặt hồ thoáng rộng nên cá nuôi ít bị dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt thấp. Để hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, anh cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên, thường xuyên vệ sinh lồng bè, phòng bệnh cho cá bằng cách treo túi vôi và trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho cá. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đầy đủ thức ăn, môi trường nuôi không bị ô nhiễm, sau 6 tháng nuôi cá mới đảm bảo chất lượng thịt chắc và trọng lượng đạt từ 0,7-0,8 kg/con.

Môi trường nuôi cá luôn được đảm bảo trong lành, tránh ô nhiễm.

Nhờ vậy, nhiều vụ cá liên tiếp anh Bảo đều có lãi lớn. Từ năm 2011 đến nay, anh lắp đặt thêm 3 ô, nâng lên thành 6 ô nuôi và nuôi gối đầu để tháng nào cũng có cá cung ứng cho các chủ vựa, nhà hàng… trong và ngoài huyện. Bên cạnh nuôi cá, anh còn nuôi 6 bò thịt và bò sinh sản, cùng với 300 trụ tiêu và 3ha keo lai ven hồ. Ngoài việc giữ được mối tiêu thụ, phương thức nuôi này giúp anh cầm chắc hàng tháng từ 10-15 triệu đồng tiền lãi.

“Nuôi cá điêu hồng trong lồng rất hiệu quả bởi đây là loài dễ nuôi, mau lớn, thời gian nuôi ngắn và cá ít bị dịch bệnh. Việc nuôi trong lồng nên chăm sóc và vệ sinh lồng cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên, loài cá này rất nhạy cảm với thời tiết, khi chuyển mùa mưa giông tảo phát triển, nếu cá ăn vào thường mắc bệnh đường ruột. Vì vậy, người nuôi cần chú ý dùng vôi bột treo 4 góc lồng nuôi và tận dụng các biện pháp trị bệnh thường xuyên”, anh Bảo chia sẻ.

 

Theo UBND TT. Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), hồ thủy lợi Thiết Đính có diện tích gần 30ha và độ sâu trung bình từ 6 - 8m, nguồn nước dồi dào quanh năm. Từ việc nuôi cá lồng hiệu quả trong nhiều năm qua của anh Trần Công Bảo, địa phương có hướng nhân rộng cho các hộ khác ở địa phương làm theo để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. 
Nên đọc
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo