Thị trường

Trái cây nhập đẩy hàng nội ra lề đường

Lê đỏ Nam Phi bán giá 37.000 đồng/kg, táo Gala, kiwi vàng New Zealand 45.000 – 60.000 đồng/kg, góp phần “đưa” trái cây Việt xuống hàng thứ cấp.

Ở Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch là mùa trái cây, đây là mùa thu hoạch chính của tất cả loại trái cây từ bình dân như sơ ri, mận, ổi đến đặc sản cao cấp như măng cụt, xoài, bòn bon, sầu riêng… Lúc này trên mọi nẻo đường của TP.HCM gần như tràn ngập trái cây. Tuy nhiên, tại các siêu thị, shop trái cây lớn nhỏ, trái cây ngoại lại đang làm chủ thị trường với giá rẻ bất ngờ.

Ghi nhận tại ba trung tâm mua sắm lớn ở TP.HCM là Aeon Mall Tân Phú, Big C Pandora Trường Chinh và Lotte Mart Cộng Hòa cho thấy, quầy trái cây tại đây tràn ngập trái cây nhập khẩu cả số lượng và chủng loại. Trong đó nhiều nhất là táo, lê, cam, kiwi, nho, anh đào…

Trái cây ngoại giá rẻ chiếm lĩnh thị trường.

Giá bán một số loại trong đó rẻ gần nửa trái cây Việt Nam, như lê đỏ Nam Phi giá chỉ 37.000 đồng/kg, nho không hạt Úc giá 90.000 đồng/kg (siêu thị AeoMall Tân Phú), táo Gala New Zealand giá 45.000 đồng/kg và Kiwi vàng 60.000 đồng/kg (BigC), lê Hàn Quốc trái to 700 - 800gr/trái giá 60.000 đồng/kg (Lotte Mart). Ngay tại khu vực trung tâm thành phố, cửa hàng Satra Food Lê Thánh Tôn giá bán táo Gala cũng 45.000 đồng/kg, lê đỏ Nam Phi 65.000 đồng/kg…

Chị Lê Thanh Hiền, ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình cho hay, trái cây ngoại bán ở siêu thị, cửa hàng hay shop nhìn rất bắt mắt, mới lạ. Do vậy, chị thường mua để gia đình ăn cho biết mùi vị, nhiều khi thấy sang hơn trái cây Việt. Nếu giá bán từ 30.000 đồng - 65.000 đồng/kg/lê, táo, nho hay kiwi thì chắc chắn chị sẽ mua trái cây ngoại thay vì mua chôm chôm, ổi, cóc Việt Nam.

Tuy nhiên, so sánh chất lượng hương vị thì trái cây ngoại giá rẻ đôi khi không ngon như hình thức bên ngoài. Cụ thể như lê Nam Phi đôi lúc ăn rất chát, lê Hàn Quốc giòn ngọt nhưng vẫn có vị hơi ê, táo thì không giòn ngọt… Nếu so sánh chất lượng thì vẫn không thể bằng măng cụt, xoài hay bưởi của Việt Nam. Trong khi trái cây ngon, đặc sản của Việt Nam giá cao gấp đôi hàng nhập khẩu, như sầu riêng giá 85.000 đồng/kg (nguyên trái), măng cụt giá 65.000 đồng/kg…

Còn lại có rất nhiều loại trái cây Việt Nam khi vào mùa như hiện nay chất lượng trái rất ngon, giá rẻ như chôm chôm nhãn, thanh long, táo xanh Ninh Thuận…  nhưng hàng Việt Nam chủ yếu bán lề đường, giá trị giảm thấp hơn hẳn hàng nhập khẩu giá rẻ khi lên quầy kệ ở siêu thị, shop.

Lý giải về việc giá trái cây nhập khẩu giá rẻ đang bán tại trung tâm mua sắm, ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho hay, lợi thế giá trái cây rẻ là do khâu thu mua của Tập đoàn Aeon rộng khắp thị trường, quá trình nhập khẩu bỏ qua được nhiều khâu trung gian và thời gian.

 

Điều này giúp giảm chi phí vận tải, lưu kho. Và trái cây nhập khẩu giá rẻ cũng theo mùa, như hiện nay đang là mùa anh đào, (Cherry), táo của Úc, Mỹ và Nhật Bản hay lê, cam Nam Phi… Đây chính là yếu tố đưa giá trái cây ngoại bán rẻ tại hệ thống trung tâm mua sắm Aeon Mall.

Cũng có khách hàng đặt vấn đề, giá rẻ, chất lượng thấp hay hương vị trái cây cũ, không ngon. Tại siêu thị, nhóm hàng thực phẩm tươi sống (trong đó có trái cây) đều có thời gian sử dụng nhất định và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nhiêm ngặt, không thể có hàng thực phẩm quá thời hạn sử dụng tồn tại trên quầy kệ.

Đó là phía siêu thị, còn tại các shop trái cây ngoại (bán nhiều tại đường Lê Thánh Tôn, quận 1), người bán có bí mật riêng để giảm giá sản phẩm, mà không dễ khách hàng nào biết. Đó là cùng một loại trái cây nhập khẩu, nhưng hàng mới về tươi ngon thì giá sẽ cao, còn hàng lưu kho lâu, chất lượng giảm đi (ví dụ táo không còn giòn ngọt mà xốp, bở) thì sẽ giảm giá bán vài chục nghìn. Người mua nhìn bằng mắt thường không thể phân biệt được, chỉ biết tin giá rẻ do người bán tung khuyến mãi.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu đến 754 triệu USD trái cây ngoại về tiêu thụ trong nước, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn nhập khẩu trái cây chính là Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác như Nam Phi, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật và Hoa Kỳ.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo