Xã hội

Trạm thu phí áp dụng thu phí bằng công nghệ mới

Ngày 10/3, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng tải xe tự động trên QL 1 và Quốc lộ 14- Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Trạm thu phí áp dụng thu phí bằng công nghệ mới - ảnh VOV

 

Bộ Giao thông sẽ thực hiện thí điểm thu phí không dừng tại 3 trạm ở Thanh Hóa, Quảng Bình và Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và Quốc lộ 14 đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe đồng bộ trên toàn quốc sẽ thực hiện tại các: trạm Hoàng Mai, trạm Km604+700 QL1 và trạm Km1813+650 QL14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

  

Các trạm thu phí sẽ triển khai thu phí không dừng (ETC) theo công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C, do Mỹ phát triển. Công nghệ có ưu điểm như  thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện nhanh, kết quả thu phí chính xác và dễ được chủ phương tiện giao thông chấp nhận do thẻ được cấp miễn phí.

 

Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động này, chủ phương tiện sẽ được phát một thẻđịnh danh E-tag (cấp miễn phí) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể dễ dàng nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như: nạp trực tiếp; qua mạng internet; qua ngân hang; qua thẻ cào; gửi tin nhắn bằng điện thoại …

 

Sau khi xe đã được dán thẻ E-tag chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Antena sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện để qua trạm, các thanh chắn barrier sẽ được mở tự động để xe đi qua, đồng thời một tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại đã đăng ký của chủ phương tiện thông báo xe vừa qua trạm.

 

Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-Tag, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu một dừng MTC. Toàn bộ giao dịch thu phí tại trạm bao gồm ETC, MTC đều được chuyển về và lưu trữ trên trung tâm dữ liệu của hệ thống. Vào cuối mỗi ngày, doanh thu của từng trạm sẽ được đối soát và chuyển về tài khoản của Nhà đầu tư BOT tương ứng thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hang một cách chính xác, minh bạch. Tại bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào, các nhà đầu tư BOT hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể được kiểm soát được thông tin dữ liệu này qua mạng internet.

 

Ngoài ra, tại các trạm thu phí tự động còn áp dụng công nghệ cảm biến để cân tải trọng khi xe đi qua với độ chính xác đạt 98%. Thông tin về tải trọng phương tiện sẽ hiện thị ngay trên bảng điện tử đặt bên lề đường. Các xe quá tải sẽ được cảnh báo tình trạng và được lập danh sách chuyển cho cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo. 

 

Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, mức phí thu theo đầu phương tiện đối với hình thức không dừng và truyền thống là như nhau. Đối với các trạm thu phí không dừng, trong trường hợp chủ phương tiện có tài khoản không đủ tiền hoặc chưa có thẻ định danh thì hệ thống sẽ chuyển sang công nghệ một dừng.

 

Việc áp dụng công nghệ ETC tại các trạm thu phí thì sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng/năm tiền in vé, tiết kiệm chi phí nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; tiết kiệm tiền lương lái xe và hành khách tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm... Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội hàng năm có thể ước lượng được bằng tiền khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng là 3.400 tỷ đồng/năm - ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch hội đồng quản trị Tasco (chủ đầu tư trạm thu phí không dừng) cho biết.

 
Chinh Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo