Tràn lan Facebook giả mạo chính khách Việt Nam
Các tài khoản Facebook hoặc Fanpage trùng tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước, Tổng Bí Thư và các Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng đều xuất hiện trên Facebook, nhưng chỉ có Fanpage của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến được xác nhận là thật.
Mạo danh Facebook lãnh đạo cấp cao
Bộ trưởng Bộ Y Tế vừa chính thức công bố Fanpage của mình do Bộ trưởng quản lý và điều hành, cập nhật những thông tin trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận những phản ánh của nhân dân.
Đây là lần đầu tiên, một Bộ trưởng Việt Nam tuyên bố sở hữu Fanpage chính thức.
Tuy nhiên, trước đó đã có rất nhiều tài khoản Facebook và Fanpage giả mạo của các chính khách, đặc biệt là các quan chức chính phủ hàng đầu trôi nổi trên mạng xã hội.
Là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn nhận được sự quan tâm của công chúng, trong đó có cộng đồng mạng.
Hiện trên Facebook, có rất nhiều Fanpage mang tên Thủ tướng, trong đó trang Fanapge có nhiều lượt follow (theo dõi) nhất lên đến 760.000 người theo dõi. Hệ thống trang Fanpage này có link đến một website cùng tên, domain của website có địa chỉ đăng ký từ Hoa Kỳ.
Trên Fanpage mang tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có rất nhiều nội dung không liên quan đến các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, trong khi trang này có những like liên kết “vô tội vạ” đến các Fanpage khác.
Nhiều Fanpage mang tên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng được lập ra, những tài khoản này có thể đến từ những người yêu mến lãnh đạo, hoặc cũng lập ra với mục đích “câu view”...
Fanpage mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có 89.000 người theo dõi, nhưng nội dung trên trang lại dùng để chia sẻ các thông tin thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng là người bị lấy tên nhiều nhất để sử dụng cho Fanpage và các tài khoản cá nhân, riêng Fanpage mang tên ông có trên 370.000 lượt like.
Những Bộ trưởng hay có dịp tiếp xúc với dân chúng như Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng bị giả mạo Facebook và Fanpage, với lượng like lên đến hàng chục nghìn, trong khi các Bộ trưởng khác trong Chính phủ Việt Nam đều bị giả mạo các tài khoản mạng xã hội với số lượng khác nhau.
Làm thế nào để loại bỏ các tài khoản giả mạo?
Hiện tại, nếu bạn muốn tạo một số tài khoản trùng tên các cá nhân nổi tiếng trên toàn thế giới như Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Obama… thì Facebook ngay lập tức sẽ đưa ra cảnh báo: “Dường như bạn đang cố gắng tạo tài khoản cho một người nổi tiếng, tài khoản giả mạo không được chấp nhận trên Facebook, nếu tên của tài khoản này không giống như tên của bạn, Facebook của bạn sẽ bị đình chỉ… Nếu bạn nghĩ đây là sự nhầm lẫn, hãy cho chúng tôi biết”.
Nếu các tài khoản trùng tên nào đó, bị báo cáo liên tục, Facebook cũng đưa tên tài khoản vào trong nhóm những tài khoản có nguy cơ bị giả mạo, để cảnh báo cho người dùng khi họ muốn đăng ký.
Bên phải của trang là mục tương tác trong đó có phần "Báo cáo Trang" để loại bỏ các tài khoản Facbeook giả mạo
Trên giao diện của các trang cá nhân và fanpage Facebook đều cung cấp công cụ để báo cáo các tài khoản spam, giả mạo và đưa những nội dung không phù hợp, người bị báo cáo sẽ buộc phải gửi cho Facebook những tài liệu để xác nhận thông tin cá nhân, tổ chức. Nếu không cung cấp được, tài khoản người dùng sẽ bị loại bỏ.
Những tài khoản mạo danh có thể sử dụng uy tín của những người mà họ mạo danh để truyền bá thông tin sai lệch, hoặc để lừa đảo với những mục đích khác nhau, hoặc đơn thuần để vụ lợi với mục đích kiếm chác.
Nhiều domain quốc tế mang tên chính khách và doanh nhân nổi tiếng đã bị đăng ký và rao bán, có link tới các trang Fanpage, ví dụ Domain trùng tên với Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đang được bán với giá 2.125 USD.
Nếu bạn phát hiện những Fanpage và tài khoản trùng tên, trong đó lấy ảnh đại diện (Avatar) là các chính khách nổi tiếng, bạn nên click thông báo với Facebook để xác định danh tính tài khoản, góp phần đảm bảo cho sự lành mạnh của thông tin trên Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo