Trăn trở dịch vụ ATM dịp Tết
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, nhu cầu tiền mặt vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường tăng cao cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá. Để đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2014, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt; đồng thời tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt, đảm bảo không thiếu tiền mặt cho các nhu cầu của nền kinh tế.
NHNN cũng đã khảo sát tại các địa phương có mức bội chi tiền mặt lớn và bảo đảm cung cấp đủ tiền mặt cho các NHTM để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ở địa phương đó. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn hoạt động ATM để phục vụ người dân rút tiền trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, với hệ thống mạng lưới ATM hiện nay, trong những ngày bình thường là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sử dụng ATM. Tuy nhiên, vào dịp Lễ, Tết, do tính chất thời vụ, các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, dồn dập chi trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho công nhân trong cùng khoảng thời gian ngắn nên lượng người tới rút tiền mặt tại các cây ATM thường tăng đột biến, gây quá tải cục bộ tại một số máy ATM.
“Để khắc phục hiện tượng này, NHNN đã chỉ đạo các NHTM phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chi trả các khoản tiền trên cho người lao động theo hướng giãn ra, không nên tập trung cùng một thời điểm. Cùng với đó, các NHTM có giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các máy ATM và có thể tăng cường thành lập thêm các bàn, các quầy rút tiền mặt trực tiếp để hỗ trợ kịp thời khi máy ATM có dấu hiệu hoạt động quá tải”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, cuối năm Âm lịch là thời điểm tội phạm hoạt động mạnh, nên chủ thẻ cần lưu ý để tránh nguy cơ bị lộ thông tin thẻ và dẫn tới việc mất tiền trong tài khoản. Khi sử dụng tại các ATM chưa được trang bị phần che bàn phím, chủ thẻ nên dùng tay để che khi nhập mã PIN đề phòng kẻ xấu gắn camera quay trộm. Trường hợp các cây ATM có các dấu hiệu không bình thường (như có các thiết bị gắn thêm …), thì không nên thực hiện giao dịch và thông báo tới ngân hàng để xử lý.
Ông Đào Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Vietcombank lập kế hoạch tiền mặt trước 1 tháng. Trong năm 2013, Vietcombank đã đầu tư lắp đặt thêm 200 máy ATM tại các địa phương trên cả nước. Bình thường, việc tiếp quỹ cho các máy ATM mỗi ngày 1 lần là đáp ứng được nhu cầu rút tiền mặt, nhưng dịp Lễ, Tết phải nâng tần suất tiếp quỹ lên 3 lần/ngày, thậm chí là 6 đến 7 lần/ngày vào những thời điểm cao điểm.
“Tuy nhiên, những này giáp Tết, tại các thành phố lớn mật độ người dân tham gia giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra kẹt xe, tắc đường nên có thể xe tiếp quỹ không đến kịp thời được. Trong trường hợp này mong được khách hàng thông cảm”, ông Đào Minh Tuấn nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Nghiêm Thanh Sơn cũng cho biết, NHNN đã có văn bản số 8496/NHNN-TT yêu cầu các NHTM rà soát, kiểm tra việc trang bị, quản lý, vận hành đối với hệ thống ATM của đơn vị mình; làm tốt công tác chăm sóc, hướng dẫn khách hàng thực hiện các giao dịch tại ATM.
Đồng thời tăng cường giám sát mức tồn quỹ ATM, tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, đảm bảo cơ cấu và mệnh giá các loại tiền đủ tiêu chuẩn, phục vụ tốt hơn nhu cầu rút tiền của khách hàng (đặc biệt là trong dịp cao điểm khi đến kỳ trả lương, ngày lễ, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán).
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với tổ chức chuyển mạch thẻ nhằm hạn chế các sự cố kỹ thuật; xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng đối với các giao dịch ATM khác hệ thống, đảm bảo thời gian trả lời khách hàng đúng quy định.
Ngành Ngân hàng cũng đang đẩy mạnh triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 bằng cách thúc đẩy dịch vụ thanh toán thẻ. Theo đó, từng bước xây dựng và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán, cũng như tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến tạo sự chuyển biến tích cực đối với phát triển phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công và doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê của NHNN, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã được phát triển mạnh mẽ, đa dạng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại trong thanh toán điện tử như thẻ ngân hàng, Internet banking, mobile banking, ví điện tử… đã và đang đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một bộ phận lớn dân cư (công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp…) đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thói quen thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các dịch vụ của ngân hàng. Đây thực sự là tiền đề quan trọng để giảm dần sự hiện diện của tiền mặt trong các hoạt động thanh toán của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển