Xã hội

Tranh cãi nảy lửa quanh đề xuất 'tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc'

Sau khi Ủy ban ATGT Quốc gia có đề xuất sẽ tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc bán đấu giá lấy tiền ủng hộ người nghèo, trên nhiều diễn đàn đã xảy ra nhiều tranh cãi xung quanh quy định này.

Hình ảnh xe máy chạy vô tư trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Citinew

 

Theo quy định hiện hành, người điều khiển mô tô, xe gắn máy và xe thô sơ bị cấm đi vào đường cao tốc vì không đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường cao tốc như : Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đại lộ Thăng Long… tình trạng người đi xe máy cố tình vi phạm, thậm chí đi vào đường cao tốc vẫn diễn ra phổ biến.

Việc vi phạm của các chủ phương tiện tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho cá nhân họ mà thực tế gây nguy hiểm lớn cho những người tham gia giao thông đúng luật.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2014 có tới gần 9.000 người chết do tai nạn giao thông, chủ yếu có liên quan đến xe gắn máy. Đây thực sự là một con số đáng báo động, đòi hỏi các ngành chức năng nhanh chóng có giải pháp để hạn chế.

Ngày 25/2 tại cuộc họp bàn về Đề án xây dựng 2.500 km đường bộ cao tốc vào năm 2020, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam phản ánh về về tình trạng trên một số tuyến cao tốc hiện nay mặc dù đã có biển cấm nhưng nhiều xe máy vẫn cố tình đi vào gây nguy cơ tai nạn cao trên tuyến đường.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia – Khuất Việt Hùng sớm xây dựng một nghị định trình Chính phủ để xử lý triệt để vấn đề.

Đặc biệt, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: Nếu cần thiết sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành một nghị định cho phép tịch thu xe máy của những người cố tình đi vào đường cao tốc. Những xe thu được sẽ tiến hành bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ người nghèo.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết: Hiện Ủy ban ATGT Quốc gia đang trong quá trình soạn thảo văn bản để đề xuất với Chính phủ tăng nặng hành vi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông trên đường cao tốc, trong đó có việc xem xét phương án tịch thu xe máy, bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo.

Đề xuất này của Ủy ban ATGT Quốc gia vừa đưa ra đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Nhiều người bày tỏ sự đồng tình vì cho rằng cần phải nghiêm như vậy mới có tính chất răn đe, khiến người tham gia giao thông ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình là nghiêm trọng, từ đó hy vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi trong tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ đề xuất này. Có thể nhiều người khi bị tịch thu xe sẽ thấy sốc, nhưng đó sẽ là bài học lớn, để họ buộc phải nhớ, phải sợ khi tham gia giao thông. Ở nước mình ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém. Mỗi khi đi ô tô trên cao tốc, tôi cứ phải ngó trước, ngó sau, chỉ sợ các ‘anh hùng’ này bất ngờ xuất hiện, mình chết oan. Do đó, cần phải có biện pháp mạnh để người dân sợ mà tôn trọng luật hơn”.

Cũng đồng tình với đề xuất này, song anh Trần Văn Hợp (Cầu Giấy Hà Nội) kiến nghị trước khi đưa quy định này vào thực tiễn, cần tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm được quy định.

“Nhiều người dân do không nắm được quy định cấm đi xe vào đường cao tốc nên vô tình vi phạm luật. Cái xe máy có khi là phương tiện mưu sinh của cả gia đình, nếu bị tịch thu chỉ vì vô tình phạm luật thì cũng tội cho người dân. Thế nên tôi nghĩ chúng ta cần tuyên truyền mạnh, thậm chí nên có băng rôn tuyên truyền cụ thể để cảnh báo người dân”, anh Hợp nêu ý kiến.

Trong khi đó, anh Dũng, một doanh nhân thường xuyên công tác ở nước ngoài nhận xét: Ở các nước, đặc biệt như Mỹ, không có chuyện cảnh sát giao thông xuất hiện dày đặc ở ngoài đường như Việt Nam. Tuy nhiên, người ta vẫn chấp hành luật rất nghiêm vì họ biết rằng, nếu vi phạm lỗi nào sẽ bị camera ghi lại, truyền hình ảnh về trung tâm, và chỉ ít phút sau CSGT sẽ xuất hiện, xử phạt nghiêm. Vi phạm giao thông ở Mỹ sẽ bị phạt rất nặng nên người dân họ tuân thủ rất nghiêm.

“Tôi thấy người Việt mình khi ra nước ngoài cũng tuân thủ luật giao thông rất nghiêm vì sợ bị phạt nặng. Thế nên theo tôi, ở trong nước, muốn người dân chấp hành tốt luật giao thông, ngoài các biện pháp tuyên truyền, cần tăng nặng các mức xử phạt để người ta sợ, không dám ‘nhờn' luật nữa. Đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc tôi cho là nên áp dụng. Nếu chưa có quy định, chưa có luật thì cần bổ sung luật, nghị định, sau đó áp dụng là được”, anh Dũng nói.

Tuy nhiên bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ đề xuất này, vẫn có những ý kiến cho rằng tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc là không hợp lý và vi phạm pháp luật hiện hành.

“Người dân có quyền sở hữu và sử dụng xe máy hay ô tô. Làm đường cao tốc cho riêng ô tô để bảo đảm an toàn giao thông là hợp lý. Nhưng đường dành riêng cho xe máy đâu sao không thấy làm? Những nơi có đường cao tốc đi qua đều gần vùng dân cư, sao lại ưu tiên làm đường cho ô tô mà không làm đường cho xe máy, vậy xe máy của dân chạy bằng đường nào?”, một độc giả tên Trang nêu ý kiến.

Bình luận về đề xuất này, một độc giả tên Nam còn cho rằng: “thu xe thể hiện sự kém cỏi và bất lực. Mấu chốt ở chỗ, vi phạm chưa chắc đã bị bắt, bị bắt chưa chắc đã việc gì. Nên xem lại tại sao người dân nhờn pháp luật. Nếu CSGT làm nghiêm túc thì với mức phạt hiện tại đủ sức răn đe rồi”.

Đáng chú ý, trả lời trên báo Người Lao động luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM còn cho rằng đề xuất này là trái luật.

Theo ông Hậu, một nguyên tắc khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là không được trái với Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ.

“Nếu ta tịch thu và bán đấu giá thì đó là tài sản riêng của người dân và điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu, trong đó có quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong Luật Dân sự. Tài sản sử dụng hợp pháp muốn bán thì phải được sự đồng ý của họ. Nếu họ vi phạm giao thông thông thường thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe. Chỉ có thể tịch thu khi họ vi phạm pháp luật mà thôi” - ông Hậu nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cơ quan chức năng có thể tham mưu để đề xuất tăng mức phạt thật nặng bằng tiền hoặc các chế tài bổ sung đối với các hành vi vi phạm giao thông, thay vì đề nghị tịch thu xe.
 

Theo VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo