Xã hội

Tranh cãi về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 hay 10 ngày

(DNVN) - Phương án nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 10 ngày được đa số người lao động đồng ý. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng như vậy là dài và lãng phí.

Trả lời báo PL TP. HCM, ngày 24/10, bên lề hội nghị cải thiện năng suất lao động, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã cho biết quan điểm của mình về hai phương án nghỉ tết (7 hoặc 10 ngày) vừa được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, ông ủng hộ phương án nghỉ 7 ngày. 

Theo ông Lợi, số ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm của Việt Nam là 20 ngày, so với quốc tế không cao nhưng so với tình tình hình kinh tế-xã hội, năng suất lao động của Việt Nam thì dài và lãng phí. Nhiều người cho rằng nghỉ dài quá tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng nhưng nghỉ quá dài không có lương, thu nhập thì lấy gì để kích cầu tiêu dùng. “Nói tóm lại, quan điểm của tôi là nghỉ tết Nguyên đán bảy ngày, nó vừa đảm bảo được truyền thống con người Việt Nam, đồng thời phương án nghỉ bảy ngày là hợp lý, hợp tình và đảm bảo được sự phát triển kinh tế đất nước...” - ông Lợi nhấn mạnh. 

Ảnh minh họa.

Trái ngược với ý kiến của ông Lợi, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng nên nghỉ tết 10 ngày. 

“Vì người lao động làm việc cả năm cực nhọc, tết là lúc họ có cơ hội về quê hương thăm gia đình, bạn bè. Nếu không cho họ nghỉ đủ thời gian thì họ cũng nghỉ phép, như vậy doanh nghiệp không có người để sản xuất. Bên cạnh đó, việc nghỉ dài ngày có thể giúp kích cầu tiêu dùng, du lịch; đồng thời đỡ tạo áp lực ùn tắc giao thông...” - ông Chính nói.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa chính thức trình Chính phủ 2 phương án đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 gồm 7 ngày và 10 ngày.

Đối tượng áp dụng lịch nghỉ Tết do Bộ này đề xuất là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo tờ trình, phương án thứ nhất, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày, người lao động sẽ nghỉ từ thứ Năm ngày 26/1 đến thứ Tư 1/2 (tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Tuy nhiên, do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.

 

Với phương án thứ hai, người lao động nghỉ từ ngày 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức ngày 27/1 đến hết ngày 5/2). Việc hoán đổi ngày làm việc sẽ xen kẽ giữa các ngày nghỉ, công chức đi làm thứ Bảy 11/2 và nghỉ thứ Sáu ngày 3/2 để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.

Hiện tại, Bộ LĐTB&XH đang nghiêng về phương án thứ nhất. Bởi theo cơ quan này, phương án nghỉ 7 ngày là hài hòa, vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn và nghỉ sau Tết là 5 ngày không quá dài.

Bên cạnh đó, dịp Tết Dương lịch năm 2017 dự kiến nghỉ 3 ngày (31/12/2016 đến hết 2/1/2017) do ngày Tết Dương lịch rơi vào ngày Chủ nhật nên sẽ nghỉ bù vào ngày thứ Hai 2/1.

Trong khi đó, dịp giỗ tổ Hùng Vương, Bộ LĐTB&XH cũng đưa ra 2 phương án nghỉ là 1 ngày hoặc 4 ngày. Phương án đầu tiên là nghỉ đúng 1 ngày mùng 10/3 Âm lịch (6/4). Phương án thứ hai hoán đổi ngày nghỉ, công chức đi làm bù vào thứ Bảy một tuần sau đó để được nghỉ liên tục 4 ngày cuối tuần từ thứ Năm đến hết Chủ nhật (6 đến 9/4). Bộ LĐTB&XH ủng hộ phương án thứ hai.

Trong khi đó, dịp Quốc khánh 2/9 vào thứ Bảy, công chức được nghỉ bù vào thứ Hai, ngày 4/9, tổng cộng nghỉ liên tiếp 3 ngày.

 

Như vậy, nếu Chính phủ thông qua phương án nghỉ 7 ngày Tết Âm lịch và không hoán đổi ngày nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, công chức sẽ được nghỉ tổng cộng 18 ngày. Nếu theo phương án hai, số ngày nghỉ lễ, Tết sẽ tăng lên 24.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo