Pháp luật

Tranh chấp lao động và trình tự giải quyết

(DNVN) - Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể và trong quá trình học nghề.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình sản xuất kinh doanh, sự ra đời các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông đảo lực lượng lao động tới làm việc đã làm quan hệ lao động phát sinh nhiều mâu thuẫn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy tranh chấp lao động xảy ra như một tất yếu khách quan khi người lao động cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình bị vi phạm. Khi tranh chấp lao động phát sinh, để giải quyết tranh chấp lao động một cách nhanh chóng, hiểu quả, đúng pháp luật, bảo đảm được lợi ích hài hòa giữa các bên tranh chấp thì việc nắm vững các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động là hết sức quan trọng không chỉ đối với NSDLĐ mà còn đối với NLĐ, bao gồm các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.Cụ thể:

1. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Theo Điều 194 BLLĐ năm 2012, việc giải quyết tranh chấp lao động phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động; Bảo đảm thực hiện hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật;

- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật; Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội;

Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.

2. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong giải quyết tranh chấp

Pháp luật hiện hành cũng có quy định quy định về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động. Về mặt quyền hạn, các bên quyền: trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình (có thể là luật sư hoặc người được ủy quyền hợp lệ) để tham gia vào quá trình giải quyết;  rút đơn hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;  yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.

Về mặt nghĩa vụ, các bên phải tuân theo các nghĩa vụ sau đây: cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; chấp hành thoả thuận đã đạt được, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

3. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

3.1. Thẩm quyền giải quyết

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định tại Điều 200 BLLĐ 2012 bôm gồm: Hòa giải viên lao đông; Tòa án nhân dân. Như vậy đối với các tranh chấp lao động cá nhân chỉ có 2 chủ thể có thẩm quyền giải quyết. Toàn án nhân dân ở đây được xác định nơi đóng trự sở của doanh nghiệp hoặc nơi thường trú hoặc đóng trụ sở của bị đơn.

3.2. Trình tự giải quyết

            Điều 201 BLLĐ 2012 quy định tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua hòa giải viên lao động trước khi các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải

- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ;

- Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với NSDLĐ;

- Tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải. Trong thời gian hòa giải, hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên tìm cách thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành. Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động. Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định (05 ngày làm việc từ ngày nhận đơn) mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

3.3. Thời hiệu giải quyết tranh chấp

Doanh nghiệp lưu ý thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”

4. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân 

4.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Tùy thuộc vào tranh chấp lao động là tranh chấp lao động tập thể về quyền hay tranh chấp lao động tập thể về lợi ích mà có một vài sự khác nhau về chủ thể giải quyết tranh chấp .Cụ thể, Điều 203 BLLĐ 2012 quy định về chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể như sau:

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền: (1)Hoà giải viên lao động; (2) Chủ tịch UBND cấp huyện và (3)Toà án nhân dân.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm: Hoà giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động.

4.2. Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể

a) Hòa giải

Theo quy định tại Điều 204 BLLĐ 2012 thì trình tự hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thực hiện tương tự như hòa giải tranh chấp lao động cá nhân. Biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết; đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

Trong trường hợp hết thời hạn giải quyết (05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải) mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp về quyền hoặc lợi ích. Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ giải quyết; Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì hướng dẫn ngay các đề nghị Hồi đồng trọng tài lao động giải quyết

b) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thông qua Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Điều 205 BLLĐ 2012 quy định trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua Chủ tịch UBND cấp huyện như sau:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.  Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.. Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

c) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thông qua hội đồng trọng tài lao động

Điều 206 BLLĐ 2012 quy định trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua Chủ tịch UBND cấp huyện như sau:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.. Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét.Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành.Biên bản có chữ ký của các bên có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động.Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

4.3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. 

Để phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động trong doanh nghiệp đòi hỏi sự chủ động, tích cực từ các bên trong quan hệ lao động, trong đó về phía cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động cho cả hai bên; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Về phía người sử sử dụng lao động thì cần tăng cường đối thoại trong doanh nghiệp, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Pháp luật Lao động đối với người lao động.  Trên thực tế, trong quá trình làm việc, người lao động thường bị thiếu thông tin, không nắm rõ về tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên nhiều khi đưa ra các yêu sách vượt quá khả năng của doanh nghiệp hoặc là người sử dụng lao động thực hiện chưa đầy đủ chính sách đối với người lao động dẫn đến những bức xúc của người lao động đối với doanh nghiệp. Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể là nền tảng, là khâu mấu chốt, quan trọng để xây dựng Thỏa ước lao động tập thể có chất lượng, là dịp để doanh nghiệp lắng nghe ý kiến đóng góp của người lao động, từ đó điều chỉnh lại các chính sách, hoạt động  của doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật  tạo môi trường lao động hài hòa ổn định trong doanh nghiệp.

Nên đọc
Theo Dương Tuyết Mùi – Chuyên viên Phòng Chính sách Lao động Việc Làm Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo