Hi-tech

Tránh thuê ngoài dịch vụ CNTT "theo mốt"

Thời gian qua, một số cơ quan nhà nước (CQNN) tại Việt Nam đã thuê ngoài dịch vụ CNTT theo hình thức chỉ định thầu như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội... trong đó VPQH thuê toàn bộ thiết bị hạ tầng, hệ thống E-pass, thiết bị đầu cuối như laptop, máy in, scanner còn VPCP thuê dịch vụ kết nối với 63 địa phương, dịch vụ truyền số liệu và thiết bị đầu cuối.

Các CQNN có thể thuê các DN bên ngoài cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như quản lý hộ tịch...

Tuy nhiên, thực tế là số lượng CQNN áp dụng mô hình thuê ngoài dịch vụ vẫn còn khá hiếm hoi, xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà đáng nói nhất chính là việc chưa có khung hành lang pháp lý, khiến cho các cơ quan gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Những câu hỏi như lấy kinh phí từ nguồn nào (vốn đầu tư hay chi thường xuyên), dịch vụ nào nên ưu tiên thuê ngoài còn dịch vụ nào tự triển khai... luôn được lãnh đạo các cơ quan nêu lên đầu tiên khi "va chạm" với đề xuất thuê ngoài dịch vụ từ phía cấp dưới.

"Cho tới tận phiên họp đầu tiên của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT vừa qua, chủ trương ưu tiên thuê ngoài dịch vụ CNTT mới được "đả thông" từ cấp cao nhất", ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) xác nhận. Đồng quan điểm với ông Tuyên, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc công ty phần mềm MISA nhấn mạnh rằng, mấy năm trước đã có nhiều ý kiến đề xuất khối CQNN nên thuê ngoài dịch vụ CNTT, tuy nhiên khi đó Chính phủ chưa phát đi tín hiệu mạnh mẽ như tại thời điểm này.

"Việc dự thảo Nghị định về thuê ngoài chỉ mới dừng ở một cơ quan cấp bộ thì rất khó ban hành được, bởi để trở thành hiện thực và khả thi, chính sách đó phải có được sự đồng thuận của rất nhiều Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư", ông Hoàng phân tích. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chính thức bật đèn xanh cho chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT trong khối CQNN có thể coi là một cú hích mà giới công nghệ trong nước đã chờ đợi từ rất lâu để thị trường này có thể cất cánh.

"Một khi Chính phủ đã nhìn thấy lợi ích của việc thuê ngoài và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với chủ trương lớn này thì mọi khó khăn đều có thể tháo gỡ được", một chuyên gia công nghệ nhận xét.

Cái gì nên thuê, cái gì nên mua?

Một trong những vấn đề mà các chuyên gia cũng như các nhà làm chính sách lo ngại nhất hiện nay chính là việc sau khi Nghị định về thuê ngoài dịch vụ CNTT cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thuê ngoài dịch vụ CNTT được ban hành, sẽ xảy ra tình trạng một làn sóng các CQNN "đua nhau" đi thuê dịch vụ, kể cả khi họ đã tốn không ít tiền đầu tư cho một hệ thống có chức năng tương tự tại đơn vị mình. Sự chồng chéo này hiển nhiên sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chỉ đạo tại phiên họp của Ban soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thuê ngoài dịch vụ CNTT.

Ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị (Bộ Kế Hoạch & Đầu tư) chia sẻ rất thẳng thắn rằng, trước đây, nhiều Bộ ngành đã khuyến khích các Trung tâm CNTT đủ điều kiện chuyển lên thành cục CNTT chuyên trách. Giờ đây, nếu Bộ, ngành đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ thì những đơn vị CNTT chuyên trách này sẽ phải xử lý như thế nào? Nói cách khác, họ sẽ tiếp tục hoạt động hay phải giải thể? Những hệ thống máy móc, thiết bị, hạ tầng đã đầu tư sẽ tiếp tục được sử dụng dưới hình thức tự vận hành hay đối mặt với nguy cơ bị thanh lý, xếp kho khi Bộ, ngành chuyển hết sang "đặt hàng" doanh nghiệp CNTT bên ngoài?

Đây là một vấn đề hoàn toàn mang tính thực tế mà Bộ TT&TT cần phải tính đến khi xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thuê ngoài dịch vụ, ông Lân nhấn mạnh.

Theo dự thảo Quyết định đang được Bộ TT&TT gửi xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan, cũng như một số doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel, MISA, FPT, CMC..., Bộ đã đưa ra hai phương án đề xuất Danh mục dịch vụ CNTT khuyến khích cơ quan Nhà nước đi thuê. Nội dung này được cho là mấu chốt để giải quyết câu hỏi: Hạng mục nào thì Nhà nước cần phải đầu tư, xây dựng, còn hạng mục nào thì nên đi thuê. Trong đó, phương án thứ nhất được quy định theo nhóm dịch vụ CNTT với 13 hạng mục, còn phương án hai phân theo hoạt động ứng dụng CNTT với 7 nhóm hoạt động được khuyến khích thuê, sử dụng.

Tuy nhiên, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư Pháp) cho rằng không nên quy định quá cứng các danh mục dịch vụ CNTT "khuyến khích thuê, sử dụng" mà thay vào đó, Bộ TT&TT chỉ cần đưa ra những nguyên tắc chung cho việc thuê ngoài. Cụ thể, những gì mà Nhà nước đã đầu tư trong những năm qua thì vẫn tiếp tục sử dụng. Cái gì Nhà nước chưa đầu tư thì mới đi thuê ngoài. Những dịch vụ nhất quyết Nhà nước phải đầu tư hoặc Nhà nước đã đầu tư rồi thì phải sử dụng để tránh lãng phí. Cái gì đã xác định là thuê ngoài thì Nhà nước tuyệt đối không đầu tư nữa.

Bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cũng cho rằng, việc "áp đặt" CQNN phải đi thuê dịch vụ nào, tự đầu tư dịch vụ nào cũng là không phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Xuân Hoàng  tin rằng cách tiếp cận như vậy là "cứng nhắc và không linh hoạt, nhất là khi có nhiều hạng mục công việc mang tính chất đặc thù như an ninh, quốc phòng thì việc thuê ngoài rõ ràng là khó phù hợp". Theo đề xuất của vị Tổng giám đốc MISA thì Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định về thuê ngoài dịch vụ chỉ nên ưu tiên, khuyến khích việc thuê ngoài mà thôi. Nếu như CQNN không muốn thuê ngoài thì phải giải trình lý do tại sao không thuê mà lại đi mua, tự đầu tư.

Mấu chốt của việc thuê ngoài dịch vụ, do đó, vẫn chỉ quay lại việc "hướng dẫn chi tiết cách thức lựa chọn dịch vụ, cũng như xác định rõ nguồn vốn sẽ được huy động từ đâu để chi trả cho nhà cung cấp", ông Hoàng phân tích.

Thận trọng chuyện cạnh tranh

Ông Nguyễn Xuân Hoàng (TGĐ Công ty MISA) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son về các dịch vụ CNTT mà công ty này đang cung cấp.

Một vấn đề nữa cũng cần được xem xét một cách thận trọng chính là việc chưa có các quy định về "chống độc quyền tự nhiên trong quá trình cung cấp dịch vụ", như cách dùng từ của ông Nguyễn Thanh Tuyên. Nếu một doanh nghiệp được thuê để triển khai dịch vụ quy mô lớn cho một CQNN, liệu họ có chơi "tiểu xảo" để gây cản trở, không tương thích cho các doanh nghiệp khác vào nhận những hợp đồng tiểu mục nhỏ hơn hay không? Hoặc họ có thể đưa ra các điều kiện, ràng buộc trong hợp đồng để khiến CQNN phải tiếp tục sử dụng các dịch vụ khác do họ cung cấp, vì nếu không sẽ không phù hợp với hệ thống tổng? Rõ ràng, đây là câu chuyện cần phải tính đến để hạn chế tối đa các mâu thuẫn, bức xúc trong tương lai, khi mà các văn bản quy định chính thức đi vào cuộc sống.

Bước đơn giản nhất để khắc phục vấn đề này chính là trong hành lang pháp lý phải quy định rõ về điều kiện, năng lực doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ CNTT cho CQNN, cũng như những quy định về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là cam kết từ phía nhà cung cấp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoàng lại đưa ra một góc nhìn khác. Thực tế là một số CQNN hiện nay vừa là nhà quản lý vừa tự cung cấp dịch vụ (thông qua các Trung tâm hoặc Cục CNTT chuyên trách) nên có sự cạnh tranh không thật lành mạnh với doanh nghiệp. " Như hiện tại có một số cơ quan cung cấp phần mềm Kế toán hay Quản lý tài sản cho chính các CQNN khác thì các đơn vị cấp dưới nhiều khi buộc phải sử dụng phần mềm đó mà không được sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp bên ngoài, dù cho chất lượng dịch vụ không tốt bằng, các dịch vụ hỗ trợ cũng không so sánh được".

Đồng tình với ý kiến của ông Hoàng, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT khẳng định rằng, mục đích của chủ trương thuê ngoài dịch vụ là giảm vốn đầu tư ngân sách vào các danh mục đầu tư ban đầu. Doanh nghiệp chuyên về CNTT đầu tư bao giờ cũng hiệu quả hơn CQNN tự đầu tư, do đó đối với những dịch vụ đã được đưa vào danh mục khuyến khích CQNN thuê thì các đơn vị nên hạn chế đi thuê... của chính CQNN. Những hệ thống mang tính chuyên biệt cao như Quản lý tài sản, Quản lý hộ tịch, quản lý trường học, Phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp nếu do DN phần mềm cung cấp thì sẽ chuyên môn hóa và ưu việt hơn hẳn so với CQNN tự phát triển.

Liên quan đến cơ chế định giá, vốn được cho là một trong những rào cản khiến Nghị định về thuê ngoài dịch vụ chưa thể ban hành sau nhiều năm xây dựng, ông Hoàng cho rằng cơ chế định giá nên để cho thị trường quyết định. Hiện nay, khối doanh nghiệp tư nhân cũng đã đi tiên phong trong việc sử dụng các dịch vụ CNTT thuê ngoài, nên nhà nước chỉ cần dựa vào giá cả mà các doanh nghiệp chấp nhận mua là có thể tin rằng mình sẽ không bị "hớ", vì khi doanh nghiệp mua cái gì họ đều tính toán, cân nhắc rất kỹ nên mua hay nên thuê, sao cho có lợi nhất. Sau một thời gian thực hiện thuê ngoài rồi thì lúc đó các cơ quan có thể ban hành các hướng dẫn để giúp định giá sát hơn. Trong khi đó, ông Đường đề xuất việc công khai nội dung mua sắm của các CQNN trên mạng để các cơ quan, đơn vị "nhìn nhau mà làm, không thể mỗi ông thuê một giá". Sự minh bạch này sẽ giúp tránh được lợi ích cục bộ và lãng phí ngân sách.

 

 
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo