Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco Nguyễn Việt Triều khẳng định, Tổng công ty đang tổ chức thi đua nâng cao chất lượng công tác bảo dưỡng sửa chữa, đảm bảo “chất lượng phương tiện tốt nhất”, không để xe xấu, xe bẩn, xe mất an toàn, xe khói đen… hoạt động trên đường.
100% xe buýt được đảm bảo an toàn trước khi ra đường
Theo ông Triều, nâng chất lượng phương tiện, Transerco đã rà soát lại tổng thể công tác bảo dưỡng, đảm bảo kỹ thuật xe buýt. 100% xe buýt được kiểm tra hệ thống đảm bảo an toàn, đo nồng độ khí thải trước khi ra đường. Toàn bộ quy trình đưa xe vào bảo dưỡng sửa chữa được áp theo đúng tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000.
Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Trung đại tu (Transerco) cho biết, việc bảo dưỡng sửa chữa xe của Tổng công ty được chia thành hai loại, một là sửa chữa thường xuyên và hai là sửa chữa lớn. Sửa chữa thường xuyên sẽ do đơn vị vận hành trực tiếp thực hiện. Phần sửa chữa lớn (đại tu) được thực hiện theo định ngạch (khoảng 200 nghìn km đại tu/lần). Ngoài ra, các phương tiện vận hành được kiểm tra nghiêm ngặt hàng ngày (cuối ngày khi xe về gara 100% phương tiện được đưa vào xưởng để kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng nhỏ) đảm bảo sáng hôm sau các phương tiện đủ các điều kiện an toàn hoạt động trên tuyến.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, xe buýt Transerco nói riêng và xe buýt Hà Nội nói chung đều đang vận hành trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Từ 4h sáng xe đã lăn bánh và khi về đến gara, vào bãi nghỉ đã khoảng 11h đêm (bình quân khoảng 19-20h/ngày). Thậm chí có những tuyến còn muộn hơn. Trong quá trình vận hành, tải trọng không ổn định, người lên người xuống liên tục, không bao giờ đi hết số được. Vài trăm mét xe lại phải dừng đỗ một lần. Vào giờ cao điểm, xe thường xuyên bị quá tải... Tất cả những yếu tố này khiến cho xe buýt nhanh bị xuống cấp.
“Bảo dưỡng định kỳ là các công việc bắt buộc phải thực hiện sau một chu kỳ vận hành phương tiện theo quy định của Tổng công ty. Để nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo xe đã vận hành phải trong điều kiện tốt nhất, cùng với việc đầu tư thay mới phương tiện, việc tăng cường siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ luôn được Transerco chú trọng”, ông Dũng nói.
Chất lượng dịch vụ là mục tiêu số một
Khẳng định chất lượng dịch vụ luôn được Transerco đặt lên hàng đầu, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Việt Triều cho biết: “Mong muốn lớn của chúng tôi là xây dựng văn hóa xe buýt, xây dựng thói quen nhường chỗ cho người già, người tàn tật, thói quen mua vé khi lên xe buýt. So với cách đây 10 năm, luồng tuyến xe buýt tăng 2,4 lần; phương tiện tăng 4 lần, năng lực vận chuyển tăng gần 30 lần (từ 15 triệu lượt hành khách đã đạt đến hơn 400 triệu lượt khách mỗi năm). Nếu chất lượng dịch vụ không tăng, xe buýt Hà Nội khó có thể thu hút được ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt đến thế”.
Tuy nhiên, ông Triều cũng thừa nhận số lượng công nhân lái xe và bán vé vào khoảng hơn 5 nghìn người, với trình độ đặc thù không phải cao. Trong khi đó, đối tượng phục vụ lại đa dạng, nhiều thành phần, công việc áp lực (tắc đường, quá tải). Vì thế, có lúc, có nơi còn có hành vi thái độ không tốt của lái phụ xe đối với hành khách.
“Với những trường hợp như thế, chúng tôi tiếp thu với tinh thần, thái độ cầu thị cao nhất. Một mặt, chúng tôi chú trọng tuyên truyền cho lái phụ xe cố gắng thực hiện đúng, chuẩn mực trách nhiệm của mình để bớt gây bức xúc cho hành khách. Mặt khác, chúng tôi cũng tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề và trình độ của lái xe, bán vé. Đặc biệt, từ cuối năm 2011, Tổng công ty chính thức có quỹ thưởng chất lượng dịch vụ xe buýt cho lái phụ xe, thông qua bình xét lao động hàng tháng”, ông Triều chia sẻ.
Hưởng ứng Tháng ATGT, Transerco vừa tổ chức lễ phát động thi đua tháng cao điểm giữ gìn xe tốt, lái xe an toàn, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ đến từng cán bộ, đảng viên và công nhân lao động, thợ bảo dưỡng sửa chữa, cán bộ an toàn… Trên cơ sở đó, từng tập thể, cá nhân gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chấp hành Luật GTĐB, chấp hành các quy định về ATGT, hạn chế va chạm và TNGT với mục tiêu: “Tham gia giao thông đảm bảo an toàn nhất”, “Chất lượng phương tiện tốt nhất”, “Chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất”.
Theo Giao thông vận tải