Xã hội

Trâu chọi Đồ Sơn húc chết người: Vì sao để “trâu điên” lọt vào sới chọi?

Liên quan đến sự cố trâu chọi húc chết người ở Đồ Sơn, ông Đinh Đình Phú người có góp phần khôi phục Lễ hội chọi trâu bức xúc: “Sao “trâu điên” lọt vào chọi dẫn đến húc chết người?".

Ông Đinh Đình Phú - cựu đại tá an ninh, một trong số những người đam mê chọi trâu và có công góp phần khôi phục Lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn cho biết trâu số 18 không chọi mà tìm người để húc là điều đã được cảnh báo. “Tại sao Ban tổ chức không ngăn chặn mà để lọt “trâu điên” vào chọi đẫn đến húc chết người?” - ông Phú đặt câu hỏi, theo báo Dân việt. 

Trâu chọi số 18 húc chết chủ ngay trên sân đấu. Sự việc hy hữu xảy ra ngày 1/7. Ảnh: CTV

Các dấu hiệu “điên” của trâu số 18, theo ông Phú là: Thứ nhất, từ nhiều tháng trước, trâu số 18 có những biểu hiện bất thường. Khi người mặc áo hội (đỏ, vàng) cho ăn hoặc tắm, nó đều tỏ ra hung hăng, vì thế người nuôi phải luôn cởi trần để chăm sóc.

Thứ 2, hôm trước trận đấu, các chủ trâu phải đưa trâu đến một ngôi đình trong khu vực để trình thành hoàng theo nghi lễ của địa phương. Tất cả các "ông trâu" đều ngoan ngoãn vào đình nhưng riêng trâu số 18, dù chủ trâu cố gắng dắt vào nhưng "ông trâu" này vẫn nhất quyết không vào. Ông Hướng (chủ trâu) phải mang dây thừng lên làm lễ tượng trưng.

Cũng theo ông Phú, ông Hướng đã biết trâu của mình có nhiều điểm bất thường nên ông Hướng đã báo cáo BTC xin được mặc áo quần bình thường thay vì quần áo lễ hội khi đưa trâu vào sân thi đấu. BTC đã đồng ý và đây chính là lý do ông Hướng ra sân mặc áo phông xanh, không giống với các chủ trâu khác. Việc tuyển chọn trâu vào chọi được quy định rất nghiêm ngặt.

Trâu muốn được vào chọi phải trải qua 2 lần kiểm tra của phường và quận. “Vậy tại sao BTC biết trâu số 18 bất thường như thế vẫn cho chọi? Công tác rà soát, kiểm tra trâu và đảm bảo an toàn trước lễ hội ở đâu?”, ông Phú đặt câu hỏi tiếp. Ông Phú cũng bày tỏ sự thất vọng về sự tắc trách của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, bảo đảm an toàn cho lễ hội, nhưng đã để lọt “trâu điên” vào sới chọi dẫn đến sự cố chết người.

Chia sẻ về sự cố nêu trên, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chia sẻ trên báo VOV: "Chúng tôi cho rằng bản chất của lễ hội không có gì sai, di sản này đã sống với công đồng và đi vào tâm thức người dân miền biển từ lâu. 

 

Trước đây lễ hội không tổ chức như hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta đang bóp méo, đang làm sai lệch nó đi và có biểu hiện của yếu tố trục lợi, thương mại hóa trong việc lợi dụng những loại hình lễ hội như thế này.

Phải tổ chức thế nào để lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trở về đúng với bản chất văn hóa của nó, chứ không phải là những biểu hiện như chúng ta thấy hiện nay: nào là mổ thịt trâu bán giá cao, nào là phó thác cho các chủ có trâu chọi nuôi trâu, huấn luyện trâu, thậm chí là có hành động như là gọt sừng trâu cho sắc... những điều đó chỉ thể hiện sự ganh đua, ăn thua mà không thể hiện được cái hồn của lễ hội là giáo dục truyền thống cộng đồng.

Chính quyền địa phương cho rằng, việc tổ chức lễ hội đã mang lại rất nhiều quyền lợi, cũng như là quảng bá và xúc tiến du lịch, nhưng chúng tôi chưa có một con số cụ thể, chính xác để thấy được hiệu quả thực sự từ lễ hội chọi trâu. 

Nếu như lễ hội thực sự đưa lại lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng, thì tại sao gia cảnh người chủ trâu vừa mất lại hết sức nghèo khó, thương tâm. Phải chăng, thực tế đang ngược lại những điều mà ban tổ chức quảng bá do lễ hội mang lại? 

Tới đây, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu, thậm chí là có sự phối hợp để điều tra xã hội học tổng thể xung quanh câu chuyện lợi ích, giá trị của việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn."

 

Cũng theo bà Thủy, thực tế là quy mô lễ hội đã thay đổi rất nhiều, không gian tổ chức lễ hội cũng biến tướng. Nó không còn là lễ hội của cộng đồng đó nữa mà đã mở rộng ra, có sự vào cuộc của nhiều lực lượng. 

Rõ ràng nó đã thay đổi rất nhiều không còn giá trị nguyên gốc của lễ hội chọi trâu. Chúng ta không thể nói rằng nó không được thay đổi, nhưng thay đổi thế nào thì chúng ta phải bàn. 

Bởi nếu thay đổi mà làm sai lệch di sản, biến tướng đi giá trị của lễ hội thì không thể chấp nhận được. Các di sản văn hóa hiện nay đang trong chiều hướng là phục vụ cộng đồng và đáp ứng được nhu cầu cộng đồng nhưng nó không được vi phạm và đi sai lệch với giá trị nguyên gốc của nó. Bảo tồn và phát triển phải trên cơ sở chọn lọc.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Dân việt, VOV)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo