Trên bảo dưới, dưới nói trên
Thẩm quyền xử lý thuộc về quận
Theo bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (TTS), thực trạng ô nhiễm môi trường tại khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận là rất đáng báo động. Khu vực này được thành phố đặc biệt quan tâm vì đây là một điểm nóng về thực trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gây ra.
Trong năm 2011, TTS đã tiến hành xử phạt rất nhiều cơ sở vi phạm. Vừa qua, TTS đã có thiếu sót là không tham mưu với Ủy ban Nhân dân thành phố để ra quyết định cưỡng chế các cơ sở vi phạm tại khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Dụ cho biết, ngay trong tuần này, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức cuộc họp với các cơ quan ban ngành có liên quan của thành phố và Q.12 để bàn về phương hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực P.Đông Hưng Thuận, Q.12. |
Cũng theo bà Dụ, một vấn đề đáng lưu ý là đa số những cơ sở hoạt động sản xuất lĩnh vực nhuộm ở đây là hộ kinh doanh cá thể, một số cơ sở lại kinh doanh sai phép (chỉ đăng ký kinh doanh giặt tẩy hoặc dệt nhưng lại hoạt động luôn lĩnh vực nhuộm), nên thẩm quyền kiểm tra, xử phạt lẽ ra phải thuộc quận.
Mặt khác, mỗi năm TTS và Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành hàng trăm quyết định xử phạt trên cả địa bàn thành phố, vì vậy, việc theo dõi tiến độ thực hiện quyết định, chấp hành khắc phục là thuộc thẩm quyền của quận.
Trường hợp quận làm không xuể thì báo cáo thành phố để phối hợp thực hiện. Trên thực tế, TTS vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị phối hợp của quận nên vẫn chưa có hành động cụ thể nào.
Thế nhưng, trước đó, trả lời PV về thực trạng này, ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Q.12 lại cho rằng do cấp thành phố đã ra quyết định xử phạt nên việc ra quyết định cưỡng chế cũng thuộc thẩm quyền của thành phố. Do thành phố chưa ra quyết định cưỡng chế nên quận cũng không có cơ sở để thực hiện.
Vì vậy, quận đã có kiến nghị cấp thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận để có biện pháp xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Người dân chịu đựng đến bao giờ?
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc vi phạm về môi trường của các cơ sở, đơn vị đã bị xử phạt và đóng phạt vào thời điểm năm 2010 và 2011, đến nay thì xem như việc xử lý đã kết thúc.
Do vậy, nếu bây giờ kiểm tra lại mà thấy các cơ sở vẫn gây ô nhiễm thì phải xem đó là hành vi tái phạm và phải được xử lý bằng quyết định xử phạt mới với tình tiết tăng nặng. Nếu các đơn vị vẫn không chấp hành thì mới ra quyết định cưỡng chế. Vì vậy, quận không thể cứ chờ thành phố ra quyết định cưỡng chế được.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ có lộ trình để di dời các cơ sở này đến những khu công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Như vậy, đó vẫn là chuyện của tương lai, còn hiện tại người dân đang phải tiếp tục chịu đựng tình trạng ô nhiễm nếu không có sự phối hợp, quyết tâm của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo TN
Điều 49 luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử lý: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết… Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp sau đây: buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường; buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; cấm hoạt động. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo