Trên đã quyết tâm, dưới càng phải quyết tâm hơn
“Bảo đảm đến hết năm 2015 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới tối thiểu bằng ASEAN-6” là mục tiêu được Chính phủ xác định rõ ràng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014.
Cách đây 9 tháng, khi ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu “phấn đấu hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6”.
Điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trăn trở đã được xác lập thành những mục tiêu cụ thể. Nó khẳng định quyết tâm của Chính phủ cải cách, gỡ bỏ mọi rào cản bất hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là sự trông đợi của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Nhìn lại năm 2014, những kết quả từ nỗ lực cải cách, đổi mới là hết sức đáng trân trọng nhưng mới chỉ là bước đầu. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đánh giá: “Chúng ta mới rà soát, sửa đổi trên giấy thôi, giảm được bao nhiêu giờ làm thủ tục cũng mới chỉ là tính toán. Bước tiếp theo là phải đưa những cải cách đó đến được với từng doanh nghiệp. Năm 2015 nếu không tiếp tục làm quyết liệt thì có khi những thay đổi trong năm 2014 thành ra phản tác dụng”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng phát biểu trên Báo Đầu tư rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn “bộn bề lắm”. Theo ông, “đổi mới thể chế sẽ là chìa khóa vì thay đổi của thể chế sẽ kéo theo những thay đổi tương ứng. Và những thay đổi thể chế phải tạo sức ép thay đổi cách làm ăn để doanh nghiệp thực sự có động lực sáng tạo và kinh doanh. Và tái cấu trúc cũng vậy, làm sao có thể đẩy doanh nghiệp vào các lĩnh vực có hiệu quả, có năng suất…”
Từ góc nhìn của người dân và doanh nghiệp thì để nâng cao năng lực cạnh tranh cần phải tạo sức ép mới để đội ngũ công chức buộc phải thay đổi cung cách làm việc. Đặc biệt là đội ngũ công chức trong các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan, đất đai, điện lực, tín dụng… lại càng phải tiên phong đổi mới.
Trong nhiều năm qua, những than phiền về chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi là câu chuyện có thực, đòi hỏi phải giải quyết triệt để. Nói như Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2014: “Hàng hóa trong luồng xanh hải quan chỉ mất 3 giây, nhưng cán bộ không chịu làm thì doanh nghiệp cũng chịu”.
Vậy nên, Chính phủ đã quyết tâm “nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, thì các công chức, viên chức mà trước hết là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương càng phải quyết tâm cao hơn để “nâng cao năng lực cạnh tranh” của chính mình, bộ ngành mình, địa phương mình.
Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch hơn nữa kết quả hoạt động của các cơ quan công quyền, đồng thời đổi mới hình thức giám sát, đổi mới cách đánh giá kết quả thực thi công vụ, để tránh tình trạng quyết tâm ở trên thì rất cao, nhưng càng xuống dưới càng “nhạt dần”.
Trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh là vấn đề sống còn, đã đến lúc, cơ chế sàng lọc cũng cần được áp dụng vào đội ngũ công chức thực thi công vụ chặt chẽ hơn, khắt khe hơn. Và “ai không làm được việc thì phải mời đi làm việc khác”, như Thủ tướng từng nói.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Cột tin quảng cáo