Trích ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 23 huyện nghèo
Theo đó, 23 huyện được hỗ trợ gồm: Thạch An (Cao Bằng); Lâm Bình (Tuyên Quang); Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn (Lào Cai); Bình Gia, Đình Lập (Lạng Sơn); Mường Chà, Tuần Giáo (Điện Biên); Đà Bắc, Kim Bôi (Hòa Bình); Quỳ Châu (Nghệ An); Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam); Sông Hinh, Đồng Xuân (Phú Yên); Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy (Kon Tum); K Bang, Kon Chro, Krong Pa, Ia Pa (Gia Lai).
Mỗi huyện trên được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP từ ngân sách Trung ương. Thời gian hỗ trợ trong vòng 5 năm, từ năm 2013 đến năm 2017.
Ở cấp huyện, số kinh phí hỗ trợ sẽ được đầu tư cho các trường trung học phổ thông; trường dân tộc nội trú huyện (bao gồm cả nhà ở cho học sinh) có quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện (bao gồm cả nhà ở cho học viên); các công trình thủy lợi quy mô cấp huyện, liên xã; đường giao thông từ trung tâm huyện tới xã, liên xã.
Ở cấp xã và dưới xã, đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu ở tất cả các xã trên địa bàn huyện (trừ thị trấn), bao gồm: trường học (lớp học, trường học, kể cả trường mầm non, lớp mẫu giáo, nhà ở bán trú dân nuôi, nhà ở cho giáo viên); trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn (gồm cả nhà ở cho nhân viên y tế); đường giao thông liên thôn, bản, đường vào các khu kinh tế, sản xuất tập trung (gồm cả cầu, cống); thủy lợi phục vụ tưới và tiêu cho sản xuất nông nghiệp (kênh mương nội đồng và thủy lợi nhỏ); điện phục vụ sản xuất và dân sinh; công trình nước sinh hoạt (tập trung hoặc phân tán, đào giếng, xây bể).
Đoàn Huế (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo