Xã hội

Triển khai rộng rãi Chương trình Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục tại 42 tỉnh thành

Năm học 2014 -2015 sẽ có gần 400.000 học sinh lớp 1 ở 42 tỉnh thành theo học chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục ( TV1 – CGD). Việc dạy TV1 – CGD là hoàn toàn do các tỉnh tự nguyện lựa chọn và báo cáo để được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

So với năm học trước thì số lượng học sinh thì số lượng học sinh được theo học chương trình này tăng gấp đôi ( năm 2013 -2014 có hơn 180.000 học sinh). Hầu hết các tỉnh đều nhân rộng chương trình và đặc biệt có một số tỉnh đã triển khai 100% học sinh lớp 1 theo học như Lào Cai, Nam Định, Hà Tĩnh và Kiên Giang.

Chú trọng công tác bồi dưỡng tập huấn giáo viên

Chủ trương của Bộ GD và ĐT là khuyến khích các tỉnh dạy học TV1 –CGD nhằm nâng cao chất lượng Tiếng Việt, đồng thời là điều kiện để học sinh có vốn tiếng Việt  học lớp 2. Bộ kịp thời xây dựng đội ngũ giảng viên cốt cán trung ương đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu nhân rộng TV1 – CGD.

Năm học 2013 -2014 vừa kết thúc, Vụ Giáo dục Tiểu học đã khẩn trương triển khai các lớp tập huấn bồi dưỡng giáo viên toàn quốc. Nội dung tập huấn kĩ càng từ tư tưởng, quan điểm, phương pháp, nghiệp vụ dạy Tiếng Việt 1- CGD, đặc biệt thực hành kĩ quy trình của từng dạng bài, mẫu bài, kiến thức ngữ âm, luật chính tả Tiếng Việt.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại buổi tập huấn

Tại các lớp học, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại – cha đẻ của chương trình cùng các cộng sự trực tiếp giảng dạy tận tình cho các học viên. GS Hồ Ngọc Đại luôn động viên nhắc nhở các thầy cô: Chúng ta là những người thuộc thế hệ cũ nhưng chúng ta phải có trách nhiệm tiếp thu phương pháp mới, tư duy mới để đào tạo ra một thế hệ mới – chủ nhân của đất nước trong tương lai”.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn luôn nhấn mạnh: Thầy giáo không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà đồng thời phải có vai trò như một nhà tâm lí. Thầy cô đừng bao giờ chê và so sánh học sinh, hãy thương yêu và tôn trọng các em, các em đến trường phải cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự yên vui. Trẻ em hạnh phúc thì sẽ  làm cho cả gia đình hạnh phúc từ đó mới có một xã hội yên bình...Thầy giáo lớp 1 là những người dạy trẻ tính kỉ luật chặt chẽ, quy củ trong tư duy bắt đầu từ những con chữ đầu tiên phải viết như thế nào...

Giáo sư động viên các thầy cô: cái gì mới ban đầu thường chưa quen nên cảm thấy khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô phải hết sức kiên trì, cố gắng thực hiện đúng quy trình, lâu dần thành quen, kiến thức càng chắc, kĩ năng càng thuần thục và nhuần nhuyễn....

Chính vì vậy lớp học lúc nào cũng sôi nổi, các học viên luôn tích cực hoạt động học tập. Buổi học nào cũng thường bị kéo dài thời gian khiến cán bộ tổ chức lớp học cảm thấy yên tâm và phấn khởi. Rõ ràng các thầy cô đến học là để học cho mình, để làm được những gì tốt đẹp nhất cho trẻ, để cống hiến  nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục.

Theo đánh giá của Bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học thì: Qua các lớp học này kiến thức và năng lực giáo viên được nâng cao rất nhiều, các thầy cô hiểu cặn kẽ về ngữ âm, luật chính tả... Những điều mà trước đây giáo viên tiểu học thường hiểu một cách chung chung, sơ sài.

Thành công bước đầu của chương trình

Thầy Bùi Anh Tuấn - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD và ĐT Nam Định đánh giá: “Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo CNGD của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là chương trình rất ấn tượng với phương pháp dạy khoa học”.

Điểm nổi bật trước hết của chương trình này là tính vững chắc. Nói như giáo sư Hồ Ngọc Đại đó là việc học sinh học đâu biết đấy, học đâu chắc đấy. Sự vững chắc đạt được nhờ hai yếu tố: giải quyết dứt điểm (từng đơn vị học) và nhắc lại thường xuyên, nhắc lại khi có cơ hội. Thứ hai là, chương trình phù hợp với mọi đối tượng dù là học sinh người Kinh hay người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn, học sinh có được chuẩn bị Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay chưa.

Với quan điểm dạy ngữ âm nên chương trình không đặt nặng về nghĩa mà tập trung vào cấu tạo ngữ âm của tiếng. Nói như thế không có nghĩa là bỏ qua nghĩa, mà với quan điểm “chân không về nghĩa”, chương trình trước hết giúp học sinh nắm được tiếng Việt trong mối quan hệ ngữ âm của nó. Tiếng là vật thật, chữ chỉ là vật thay thế. Cái mà học sinh lớp 1 muốn nắm và cần phải nắm trước hết là “vật thật”.

Khi nắm được “vật thật” một cách chắc chắn rồi thì các em mới có thể sử dụng nó trong học tập và giao tiếp. Khi đó nghĩa sẽ được các em nắm bằng nhiều con đường mà không cần giáo viên phải tốn nhiều thời gian và công sức. Chính vì tuân thủ quan điểm này mà chương trình đảm bảo dạy học sinh lớp 1 nắm chắc về nguyên âm, phụ âm, biết chắc chắn một vần, một tiếng cụ thể có thể ghép với bao nhiêu thanh và đặc biệt các em nắm rất chắc luật chính tả.

Cô Nguyễn Thanh Loan – Gv Trưởng Bản Trung – Bát Xát – Lào Cai cho biết: Học chương trình này, trẻ chỉ cần học đến quyển 2 (tuần 10) là các em tự đọc được, viết được và rất đúng chính tả. Đây thực sự thành công bước đầu rất lớn vì các em ở đây đều là người dân tộc thiểu số mà lại viết được, nói được tiếng Việt chuẩn.”

Phát biểu tại buổi tập huấn, thầy Nông Trọng Trình – Trưởng phòng Tiểu học Sở GD & ĐT Cao Bằng chia sẻ: “Cao Bằng có đa số học sinh và giáo viên dân tộc thiểu số nên việc nói và viết tiếng Việt chuẩn là vô cùng khó khăn nhưng từ khi áp dụng chương trình TV1 – CGD thì chất lượng môn tiếng Việt đã thay đổi tích cực, từ 10% học sinh xếp loại yếu xuống còn 2%. Và điều quan trọng nhất là học sinh sau kì nghỉ hè không có hiện tượng tái mù.”

Theo nhận định của nhiều giáo viên, phương pháp dạy học Tiếng Việt 1 - CGD giúp cho giáo viên nắm vững kỹ thuật dạy học theo hướng tích cực, tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Giáo viên không phải soạn bài nhiều nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài giảng. Một điểm khác với phương pháp dạy học truyền thống nữa là giáo viên không phải cầm tay giúp học sinh tập viết mà các em tự tư duy bài giảng dưới hình thức nghe, hiểu và viết lại. Như vậy chương trình TV1 – CGD đã tích hợp được rất nhiều kĩ năng cho học sinh.

Ngoài chương trình sách giáo khoa, để hỗ trợ cho việc học hai buổi ở trường và việc luyện tập ở nhà của học sinh, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Công nghệ Giáo dục (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) do TS Ngô Thị Tuyên  và TS Ngô Hiền Tuyên đã tổ chức biên soạn bộ sách Bài tập Tiếng Việt lớp 1- CGD.

Bộ sách Bài tập Tiếng Việt lớp 1- CGD do TS Ngô Thị Tuyên  và TS Ngô Hiền Tuyên biên soạn.

Bộ sách gồm 3 tập với các bài tập hấp dẫn, sinh động, bám sát nội dung sách giáo khoa được các thầy cô giáo đánh giá cao vì nó đã tích hợp các yêu cầu để giúp học sinh hoàn thành các kĩ năng đọc thông viết thạo, học đâu chắc đấy; nắm chắc luật chính tả, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm tiếng Việt; phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc; phát huy năng lực tối ưu của từng cá nhân mà chương trình đề ra.

Vì mục tiêu cao cả

Kết thúc buổi tập huấn, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ : Tôi sẵn sàng đến bất cứ trường nào, phòng nào nếu họ mời đến tập huấn cho giáo viên về chương trình công nghệ tiếng Việt này. Mong muốn của tôi là mang lại những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tôi mong các thầy cô cùng nỗ lực ủng hộ, đồng hành. Chúng ta cùng kiên trì thực hiện chương trình trên toàn quốc một thời gian dài hi vọng Tiếng Việt của chúng ta sẽ thống nhất, chuẩn mực, ai cũng viết đúng, nói đúng chứ không còn hiện tượng nói ngọng, viết sai theo cách phát âm mang tính địa phương như hiện nay nữa.

Có thể khẳng định thành công của chương trình TV1 – CGD sẽ góp phần vào sự nghiệp đổi mới nền giáo dục Việt Nam theo nghị quyết số 29- NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngọc Hòa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo