Triệu phú chân đất trên đảo Phú Quý: Học nuôi nhím qua... internet
Tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) hàng trăm nông dân, bằng những cách làm riêng, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, được người dân trên đảo trìu mến gọi bằng một tên chung những triệu phú chân đất .
Học nuôi nhím qua... in-tơ-nét
Trải qua hàng chục năm lăn lộn từ nghề đi biển, tàu khách du lịch, chạy xe tải, nuôi cá bè... đến năm 2008, anh Nguyễn Trí chính thức chuyển sang đầu tư trang trại nuôi nhím. Tuy là người thứ hai trên đảo nuôi nhím nhưng ngay từ đầu, anh đã đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 50 cặp nhím giống bố mẹ về nuôi, nên người dân trên đảo gọi anh là "Trí nhím".
Khi được hỏi: Vì sao đầu tư vào nuôi nhím? Anh Trí kể, trước khi nuôi nhím đã có bảy năm nuôi cá bè trên biển. Ngần ấy năm cóp nhặt chỉ gặp cơn bão số chín vào cuối năm 2006 đã cuốn phăng đi tất cả. Ðang lang thang tìm kiếm nghề mới, thì một lần trên máy thu hình nói về nghề nuôi nhím tại Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) rất phát triển và đây là một trong những con vật ít bị ảnh hưởng của thiên tai hay bệnh tật, nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nên anh đã tìm đến tận nơi để tìm hiểu.
Ngay lần đầu, anh đã đặt mua nhím giống. Khi có được đàn nhím giống trong chuồng, Trí mới bắt đầu tập trung mày mò trên in-tơ-nét về những cách nuôi nhím. Vừa học lại thực hành ngay trên đàn nhím nên những kiến thức về cách cho ăn, chăm sóc tốt nhất được anh áp dụng và chỉ một thời gian ngắn, kinh nghiệm nuôi nhím của anh đã rất thành thục.
Trong ngay năm đầu tiên, anh Trí đã xuất chuồng được 60 cặp nhím giống. Thời đó, một cặp nhím giống xuất chuồng có giá từ bảy đến tám triệu đồng và trừ chi phí, năm đó anh còn bỏ ra được hơn 200 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả kinh tế rất cao từ nuôi nhím nhưng anh Trí không mở rộng diện tích chuồng trại hay mua thêm cặp giống bố mẹ mà anh lại tập trung chăm sóc cho nhím bố mẹ tăng tần suất sinh sản và số lượng đẻ đều đặn hơn. Do đó, lượng nhím giống xuất chuồng hằng năm từ trang trại của anh ngày càng tăng.
Theo anh Trí, muốn nhím đẻ nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào việc cho ăn. Thức ăn dành cho nhím cũng khá đơn giản, chủ yếu là quả su-su, cà rốt, bí đỏ... Tiêu chuẩn ăn bình quân một con nhím bố mẹ ăn hết khoảng một kg thức ăn/ngày. Mỗi ngày chỉ cho nhím ăn hai bữa chính. Thời điểm ăn tốt nhất của nhím bữa sáng vào lúc 8 giờ sáng với một phần ba lượng thức ăn và còn lại cho ăn vào bữa chiều từ 17 đến 18 giờ.
Việc giữ gìn cho chuồng trại luôn sạch, thoáng và vệ sinh thường xuyên là một yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho đàn nhím. Vào mùa nóng cách ngày tắm cho nhím một lần, mùa lạnh khoảng ba ngày tắm một lần và đặc biệt nước tiểu của nhím càng hôi thì sức đề kháng của nhím càng cao. Nhờ vào những kinh nghiệm này mà kể từ khi nuôi nhím đến nay, chưa một lần nào đàn nhím trong trang trại nhà anh Trí đổ bệnh.
Có được chất lượng nhím tốt cho nên đến nay, toàn bộ nhím giống của anh Trí đều được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó, vào thời điểm năm 2010 và đầu năm 2011 giá nhím giống xuất khẩu luôn ở mức từ 12 đến 13 triệu đồng/cặp, cho nên hiệu quả của việc nuôi nhím khá cao. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2010 từ nuôi nhím trừ chi phí đi, gia đình anh Trí còn lời 380 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả của việc nuôi nhím đến nay trên đảo Phú Quý đã có năm hộ đầu tư chuồng trại và mua giống nhím về nuôi, với tổng lượng nhím nuôi lên đến hơn 220 cặp nhím giống bố mẹ. Bước đầu, ngoài gia đình anh Trí thì các hộ khác đều có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/năm.
Lấy trang trại "làm vui"
Chính quyền huyện đảo Phú Quý luôn khuyến khích phát triển mô hình kinh tế gắn liền với an ninh lương thực. Nên hiện ở Phú Quý, ngoài các mô hình truyền thống như đi biển, thu gom hải sản ngoài biển, nuôi trồng thủy sản... thì những năm trở lại đây có hàng chục mô hình kinh tế mới như nuôi nhím, nuôi dông, chim câu, nuôi lợn, trồng rau sạch... được "những triệu phú chân đất" ứng dụng, mỗi năm đem lại hàng trăm triệu đồng.
Trong đó, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển từ năm 1992 với 13 cơ sở nuôi cá lồng bè thì đến nay có gần 120 cơ sở tập trung chủ yếu các loại cá mú, tôm hùm, cá bớp... Trung bình một cơ sở có từ 10 đến 20 bè cá, với số lượng cá khoảng từ 1.500 đến 3.000 cá giống.
Một trong "những triệu phú chân đất" lớn tuổi nhất tại Phú Quý phải kể đến ông Huỳnh Triển, tại xã Tam Thanh. Năm nay đã 68 tuổi, cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi nhưng với ông Triển hằng ngày quanh quẩn bên trang trại nuôi dông của mình để làm vui.
Ông Triển kể, đầu năm 2003, tôi quyết định dành ba sào đất vườn đồi để nuôi thả hơn 400 kg dông giống. Trung bình mỗi năm cho ông thu về hơn 200 kg dông thịt và năm 2011 thu hoạch cao nhất lên hơn 300 kg dông thịt.
Ở thời điểm hiện tại, dông thịt trung bình khoảng 350 nghìn đồng/kg và theo tính toán trừ chi phí ít nhất cũng thu được từ 80 đến 100 triệu đồng. Giờ đây, nhu cầu dông thịt trên thị trường rất lớn nên những người nuôi dông trên đảo Phú Quý không hề phải tính toán đầu ra.
Theo ông Triển, một trong những điều để ông quyết định đầu tư vào nuôi dông nó đòi hỏi kỹ thuật không cao, mất rất ít thời gian và chỉ cần biết cách chăm sóc là được. Ðặc biệt, đối với không khí trong lành của đảo nên việc nuôi dông trên đảo Phú Quý rất thuận lợi. Cùng với ông Triển, đến nay nghề nuôi dông tại Phú Quý phát triển rất mạnh và trong khoảng 10 năm trở lại đây và hiện có khoảng hơn 200 hộ theo đuổi nghề này.
Tuy không cho thu nhập cao như các mô hình kinh tế khác nhưng nghề trồng rau xanh từ lâu mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều người dân trên đảo Phú Quý. Ðặc biệt, từ tháng 4-2010, Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát trên huyện đảo Phú Quý".
Thời gian thực hiện trong 30 tháng, tổng kinh phí thực hiện dự án là 2,4 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KHCN trung ương hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng. Ban đầu dự án phối hợp triển khai 30 mô hình trồng rau trong nhà lưới và vòm lưới chắn gió mặn cũng như có tác dụng che mưa, nắng.
Ngoài ra, dự án còn tiến hành xây dựng 150 mô hình vườn rau gia đình trải khắp ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với tổng diện tích sản xuất theo dự án trên huyện đảo có thể tăng thêm gần 15 nghìn m2 và cho thu hoạch hàng trăm tấn rau mỗi năm...
Từ những mô hình này, Phú Quý đang tiến tới thay thế lượng rau phải nhập từ đất liền ra đảo.
Ðến nay, người dân đảo Phú Quý đã rất quen với những "thương hiệu" rau như: muống bà Ánh, mùng tơi chị Tuyền hay cà bà Sinh... và tất cả họ đều nằm trong danh sách 366 hộ (chọn từ hai phần ba xã tại Phú Quý vừa được chứng nhận sản xuất, kinh doanh giỏi của Phú Quý.
Theo ND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo