Quốc tế

Triều Tiên sẽ là mối thách thức lớn đối với tân Tổng thống Mỹ

Trong số nhiều thách thức mà tân chủ nhân Nhà Trắng Mỹ sẽ phải đối mặt, cấp bách và phức tạp hơn cả là đà thăng tiến của Triều Tiên trên con đường trở thành một cường quốc hạt nhân.

Giới quan sát được hãng tin nước Pháp AFP ngày 2/11 đều đã nhân định như trên sau khi ghi nhận thất bại của chính quyền Obama trong việc ngăn cản Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí nguyên tử.

Phát biểu tại Seoul vào tuần trước, Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Tony Blinken đã phải công nhận Triều Tiên là một mối đe dọa càng lúc càng gay gắt hơn trong lãnh vực hạt nhân, và đang nhanh chóng tiến tới mục tiêu chính thức là đạt được khả năng đe dọa nước Mỹ bằng vũ khí nguyên tử.

Đối với AFP, tình hình đã diễn biến như vậy bất chấp thái độ không khoan nhượng của Mỹ đã liên tục tố cáo các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, vốn đã tăng mạnh trong thời gian gần đây khi nước Mỹ bị vướng vào cuộc bầu cử, với hai vụ thử nghiệm nguyên tử và 25 lần bắn thử tên lửa, bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Triều Tiên sẽ là mối thách thức lớn đối với tân Tổng thống Mỹ.

Thực tế kể trên cho thấy là chính quyền Obama đã thất bại trong chính sách kềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, và mối đe dọa của Bình Nhưỡng sẽ đặt ra một bài toán hóc búa cho người lên kế nhiệm tổng thống Obama, dù đó là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump.

Theo giới phân tích, với nguy cơ gần kề, tân lãnh đạo Mỹ sẽ phải có ngay một kế sách đối phó, ngay trong 100 ngày đầu tiên trong cương vị tổng thống, như nhận xét của ông Joel Wit, chuyên gia tại Viện Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Cái khó đối với chủ nhân tương lai của Nhà Trắng là hiện thời đang có quá nhiều phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên được đề nghị, nhưng chưa thấy được một giải pháp thỏa đáng nào.

Theo nhận định của hãng tin Pháp, nhìn chung hiện có hai xu hướng chính đối lập nhau. Cụ thể, một bên chủ trương cứng rắn, đánh hẳn vào sự tồn vong của chế độ Bắc Triều Tiên với các biện pháp trừng phạt kèm theo những lời đe dọa về mặt quân sự, và bên kia thì chủ trương dung hòa các biện pháp trừng phạt cứng rắn và sức mạnh quân sự với những đề nghị đàm phán và biện pháp thưởng công cho việc giải trừ hạt nhân.

Đối với những người chủ trương cứng rắn, chẳng hạn như nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings, đàm phán chỉ là ảo tưởng, do đó phải tăng cường trừng phạt như cắt hẳn nguồn ngoại tệ vào Triều Tiên, cô lập hẳn nước này với hệ thống tài chánh quốc tế, dùng đến quân sự để bảo đảm cho việc thực thi lệnh trừng phạt. Tóm lại, cần buộc Bình Nhưỡng chọn lựa giữa vũ khí hạt nhân, hay sự tồn vong của chế độ.

 

Còn đối với phe chủ trương đối thoại, như một số chuyên gia trung tâm tham vấn Woodrow Wilson, thì phải mở đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, chứ nếu cứ khăng khăng từ chối nói chuyện như hiện nay thì tình hình còn tệ hại hơn.

Nhiều chuyên gia hiện nay cho rằng chương trình vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng đã tiến triển đến mức mà vấn đề đặt ra không còn là tìm giải pháp cho hồ sơ hạt nhân Triều Tiên mà là tìm phương cách đối phó lại với mối đe dọa.

Nên đọc
Hòa Hậu (tổng hợp theo AFP, Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo