Quốc tế

Triều Tiên và cơ hội của Ấn Độ

Mối quan hệ với Bình Nhưỡng là bước đi có tính toán và có thể hỗ trợ những tham vọng quyền lực của New Delhi

Thông tin Ấn Độ vừa cử Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao V.K. Singh đến Triều Tiên gây không ít ngạc nhiên. Theo tiết lộ của chính ông V.K. Singh, hai bên đã thảo luận về hợp tác chính trị, khu vực, kinh tế, giáo dục và văn hóa.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Ấn Độ lại cử một nhà ngoại giao cấp cao đến Bình Nhưỡng lần đầu tiên trong 20 năm trong bối cảnh hai nước dường như không có nhiều chính sách tương đồng. Vẫn còn quá sớm để biết rõ mục đích của hai bên nhưng có thể phỏng đoán chuyến thăm trên phù hợp với những mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Ấn Độ.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Dù vậy, không có gì lạ khi Ấn Độ không trực tiếp can dự vào điểm nóng này. Lập trường không liên kết từ lâu là nét nổi bật trong chính sách đối ngoại của New Delhi bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ấn Độ thường tránh né bất kỳ mối liên kết hoặc liên minh rõ ràng nào mang tính ràng buộc hoặc đi ngược lại lập trường nói trên.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V.K. Singh (trái) gặp các quan chức ở Triều Tiên hồi tháng 5 Ảnh: KCNA.

Trong khi đó, Triều Tiên được xem là quốc gia tự lực cánh sinh và giữ khoảng cách với phần còn lại của thế giới. Từ góc nhìn của giới chính khách Ấn Độ, mối quan hệ với Bình Nhưỡng là bước đi có tính toán và có thể hỗ trợ những tham vọng quyền lực của New Delhi.

Không thể phủ nhận Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi đắc cử năm 2014. Những điểm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Modi chú trọng tăng cường phòng vệ trước những rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc, thắt chặt quan hệ với khu vực Đông Nam Á và gần gũi với những cường quốc lớn, như Mỹ. Với lãnh thổ, dân số và nguồn lực hiện có, Ấn Độ đủ sức đóng vai trò lớn hơn tại khu vực. Dù vậy, quốc gia Nam Á này vẫn còn thiếu khả năng gây tác động chính trị đáng kể lên các nước đối tác.

Trong bối cảnh những hành động của Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn nhất đối với ảnh hưởng của Ấn Độ tại sân sau cũng như ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và New Delhi là biểu hiện rõ nhất cho mong muốn mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ra bên ngoài biên giới.

Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Singapore diễn ra hồi tháng 6, thế giới đang kỳ vọng vào một Triều Tiên cởi mở hơn. Với sự thay đổi này, đường lối ngoại giao của New Delhi có thể được xem là nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải với hy vọng có thể kéo Bình Nhưỡng ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc - Pakistan hiện nay. Trong bối cảnh Trung Quốc và Pakistan - hai đồng minh và đối tác thương mại thân thiết nhất của Triều Tiên - lại là mối đe dọa tức thì nhất với Ấn Độ, việc có được mối quan hệ tốt với Bình Nhưỡng sẽ giúp giảm rủi ro trong khu vực trong lúc có thể tăng cường vị thế của New Delhi tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chiến thuật này còn có thể thiết lập nền tảng cho sự cộng tác giữa Ấn Độ và Mỹ về tương lai của Triều Tiên. Trong quá khứ, Ấn Độ từng đóng vai trò trung gian hòa giải ở bán đảo Triều Tiên, hỗ trợ nhân đạo và xử lý hậu quả chiến tranh Triều Tiên. Việc New Delhi sẵn sàng nối lại vai trò này 7 thập kỷ sau đó, cùng với đẩy mạnh các lợi ích chung khác với Washington, sẽ phù hợp với mục tiêu đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, đây có thể không phải là kết quả duy nhất. Trong một thế giới ngày càng đánh giá cao quyền lực mềm, một mối quan hệ tích cực với Bình Nhưỡng sẽ giúp nêu bật thiện chí của Ấn Độ trên trường quốc tế. Tình hình hiện nay cho thấy Ấn Độ không liên quan đến những căng thẳng ở Đông Á nhưng vẫn duy trì quan hệ thân thiện với hầu hết quốc gia tại khu vực này. Thời chiến tranh lạnh, Ấn Độ tham gia khởi xướng Phong trào Không liên kết và trở thành một lãnh đạo của phong trào. Một vai trò lãnh đạo tương tự sẽ giúp duy trì và củng cố hình ảnh Ấn Độ như một đất nước trung lập, yêu hòa bình, từ đó cho phép thúc đẩy quan hệ với các quốc gia như Triều Tiên.

Trong lúc tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có gì chắc chắn, chiến thuật của Ấn Độ còn có thể phù hợp với tham vọng to lớn hơn về vị thế cường quốc thế giới. Bằng cách đóng vai trò hòa giải, Ấn Độ có thể thiết lập các mối liên kết để đương đầu mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan. Còn trong vai trò lãnh đạo, New Delhi sẽ củng cố sức mạnh quỹ đạo các đồng minh của mình tại khu vực. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải tiếp tục hướng đến một chiến lược chính sách đối ngoại chặt chẽ nếu muốn vươn cao hơn vị thế "cường quốc mới nổi" hiện nay. 

Nên đọc
Theo Người lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo