Pháp luật

Trịnh Xuân Thanh nếu bị bắt ở nước ngoài sẽ dẫn độ về nước thế nào?

(DNVN) - Nhiều người đặt câu hỏi nếu phát hiện ông Thanh đang ở nước ngoài thì nhà nước Việt Nam có dẫn độ bị can này về Việt Nam được hay không, dẫn độ thế nào?

Theo báo Pháp luật TP. HCM, dẫn độ tội phạm là một thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến quan hệ giữa các quốc gia. Đây là việc đưa một cá nhân đã có hành vi phạm tội theo luật hình sự của một quốc gia trở về quốc gia đó để tiến hành xét xử hoặc để thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Việc dẫn độ tội phạm một mặt tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó bao gồm sự tôn trọng đối với chủ quyền quốc gia. 

Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn đang trốn truy nã. 

Mặt khác còn phải theo những nguyên tắc đặc thù như nguyên tắc không dẫn độ công dân mình (trong trường hợp công dân phạm tội ở nước ngoài nhưng đang lẩn trốn tại nước mình), không dẫn độ đối với tội phạm chính trị (khi nước mà người đó đang lẩn trốn và được yêu cầu dẫn độ coi hành vi của người này là “hoạt động chính trị”)…

Do việc yêu cầu dẫn độ và dẫn độ người phạm tội liên quan đến việc thực thi chủ quyền quốc gia của mỗi nước nên trước tiên phải dựa trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ giữa hai nước hoặc các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (gọi chung là “thỏa thuận dẫn độ”).

Ngoài ra, một số phương thức khác có thể thực hiện tùy thuộc vào quan hệ cụ thể giữa các nước liên quan. Vì chưa rõ nơi bị can Thanh cư trú nhưng trên cơ sở luật pháp, có thể đặt ra nhiều tình huống.

Giả sử bị can này đang cư trú tại một nước mà giữa Việt Nam và nước đó có hiệp định dẫn độ hoặc hiệp định tương trợ tư pháp, trong đó có quy định về thủ tục này thì yêu cầu dẫn độ, điều kiện, thủ tục và quy trình dẫn độ sẽ thực hiện theo quy định của các thỏa thuận dẫn độ đó.

Nếu bị can này đang cư trú tại nước mà Việt Nam không có hiệp định dẫn độ (Canada, Mỹ, Australia…) thì việc này không đơn giản. Bởi lẽ nhà nước Việt Nam không có cơ sở pháp lý để đề nghị/yêu cầu nước mà bị can đang cư trú thực hiện việc dẫn độ. 

 

Dù rằng công ước về chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc 2003 có đặt ra vấn đề dẫn độ đối với tội phạm tham nhũng nhưng người phạm tội cũng chỉ bị dẫn độ về nước nếu như cả hai nước đều coi hành vi phạm tội đó là hành vi phải bị trừng trị.

Trước đó, như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, Lãnh đạo của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết lệnh truy nã quốc tế đối với bị can Trịnh Xuân Thanh đã được chuyển đến Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Trao đổi thêm về việc đến chiều tối 18/9, trên trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol vẫn chưa đăng tải thông tin truy nã quốc tế với bị can Trịnh Xuân Thanh, lãnh đạo C52 cho biết Interpol đã nhận được lệnh truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh từ phía cơ quan Công an Việt Nam.

Dù chưa đăng tải trên trang web nhưng cơ quan này vẫn có hệ thống để thông báo thông tin về lệnh truy nã này đến toàn hệ thống. “Tổ chức Interpol cần có thời gian để thẩm định nên việc đăng tải công khai có thể chậm hơn một chút nhưng thông tin về lệnh truy nã đã được chuyển đến toàn hệ thống. Có thể một hoặc hai ngày tới lệnh truy nã sẽ được đăng tải trên mạng toàn cầu của Interpol".

"Các nước tham gia tổ chức Interpol sẽ phối hợp với cơ quan Công an Việt Nam truy bắt bị can Trịnh Xuân Thanh”, vị lãnh đạo này nói.

 

Nên đọc
Hiền Minh (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo