Pháp luật

Trò bẩn của giới kinh doanh trên mạng

Nhiều công ty dụ khách hàng tham gia lập gian hàng ảo với lời hứa mức hoa hồng lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Lắm trò lừa

Vài năm trở lại đây, hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát triển khá mạnh. Không nhiều người biết rằng, có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang sử dụng nhiều chiêu thức để lừa khách hàng  thu về số tiền khổng lồ mà không mất nhiều công sức.

 

Chiêu mà những công ty này thường áp dụng là mời khách hàng đóng phí để có một gian hàng trên mạng. Ngoài quyền lợi quảng bá sản phẩm, sẽ nhận được mức hoa hồng "khủng" nếu giới thiệu được thành viên khác tham gia mua gian hàng ảo.

 

Do mức phí môi giới hấp dẫn nên có khá nhiều người chấp nhận nộp phí nhưng không kinh doanh mặt hàng của mình trên website đã đăng ký, mà chủ yếu đi "săn" người có nhu cầu "mở cửa hàng" trên mạng để hưởng hoa hồng. Và đương nhiên để thu hút người được nhanh nhất, nhóm đối tượng rơi vào tầm ngắm đầu tiên thường là những người thân quen, họ hàng ruột thịt của chính khách hàng đó.
 
 

Để dụ dỗ người khác tham gia, các doanh nghiệp giở đủ các chiêu trò, đặc biệt là việc bám riết con mồi bằng các cuộc điện thoại, liên tiếp rót lời mật ngọt. Thành viên khi tham gia được hứa hẹn sẽ nhận mức thu nhập không tưởng từ việc phát triển mạng lưới gian hàng.

 

Tổng số tiền hoa hồng nhận được mỗi tháng có thể lên tới vài trăm triệu đồng bằng hình thức giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp. Trái ngược về mức thu nhập "khủng" được hứa hẹn, các điều khoản về cơ chế đóng phí, trả tiền công rất mập mờ, không được quy định rõ trong hợp đồng, các giao dịch chuyển tiền cũng không có chứng từ giao lại cho thành viên.

 

Đăng Thắng - một sinh viên mới ra trường kể lại: "Theo lời nhân viên môi giới, mình sẽ có cơ hội quản lý một gian hàng ảo có đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do công ty cung cấp. Mỗi một sản phẩm bán ra sẽ ăn chênh lệch so với giá niêm yết đến 50%.

 

Ngoài ra, mình còn có khả năng nhận được khoản hoa hồng lớn nếu giới thiệu thêm người tham gia. Nhân viên này quả quyết, sau khi mua gian hàng, nếu không muốn tiếp tục kinh doanh, công ty sẽ mua lại 100% giá trị ban đầu.

 

Nghĩ công việc đơn giản mà lại dễ dàng kiếm tiền, mình chạy vạy khắp nơi, vay được 5 triệu đồng để tham gia hình thức kinh doanh này. Thế nhưng mình chờ cả tháng cũng chẳng bán được sản phẩm nào, đến khi liên lạc trả lại gian hàng thì họ khất lần khất lượt, bây giờ coi như mất trắng chẳng biết kêu ai".

 

Anh Vũ Khắc Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh nội thất ô tô (đường Hoàng Minh Giám, Hà Nội):"mình mới mở một cửa hàng kinh doanh về nội thất ô tô nhưng không đủ tiền để mở một webside chuyên nghiệp. Được người quen giới thiệu, mình mua một gian hàng ảo để quảng cáo sản phẩm.

 

Sau một thời gian theo giõi, mình mới biết được lượng truy cập webside đó quá ít, gian hàng của mình thì chẳng ai truy cập. Tự nhiên mình mất oan mấy triệu đồng".

 

Tham gia gian hàng ảo "tiền mất tật mang"

Trao đổi với PV, Ông Vũ Mạnh Hùng, tổng giám đốc Công ty Thương mại và Truyền thông VMH Việt Nam (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Chi phí lập một website không cao song lợi nhuận "không chính đáng" từ việc bán các gian hàng ảo là rất lớn.

 

Các khoản thu chi trong lĩnh vực này thường không có hóa đơn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Không những thế, hoạt động này còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Mọi cá nhân, tổ chức trước khi tham gia mô hình "ảo" này cần cẩn trọng, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

 

Theo Luật sư, Nguyễn Huy An, Văn phòng luật sư Huy An (Hà Nội): "Mô hình thươngmại điện tử ở nước ta còn là lĩnh vực mới nên pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh kịp. Việc xử lý các công ty lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi gặp nhiều khó khăn chỉ vì họ chỉ cung cấp dịch vụ đúng như lĩnh vực kinh doanh mà các doanh nghiệp này đăng ký".
 
Theo Nguoiduatin.vn

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo