Trò chuyện với người giàu thứ bẩy trên sàn chứng khoán Việt.
Năm 2011, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã phải điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế từ 360 tỉ đồng xuống 8 tỉ đồng trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch Hội đồng Quản trị vẫn là người giàu thứ bẩy trên sàn chứng khoán năm 2011 với tài sản khoảng 1.444 tỉ đồng.
Nhiều doanh nhân, trong đó có ông, vẫn rất giàu dù ngành bất động sản đang gặp khó khăn?
Mặc dù bất động sản có đi xuống, nhưng do mình sở hữu nhiều cổ phiếu, nên nằm trong nhóm người giàu là điều tất nhiên.
Cảm nhận của ông khi được bầu chọn là người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán?
Vị trí này mang lại cho mình nhiều cảm xúc. Tự hào vì cổ phiếu của mình vẫn được nhà đầu tư tin tưởng. Tự hào vì mình là người miền Trung vào đây với hai bàn tay trắng và là người giàu 2 năm liên tiếp. Kinh doanh không chỉ để giàu mà còn để sướng. Cái sướng là được xã hội vinh danh, được nể trọng. Mình có người con đi học được danh hiệu học sinh giỏi cũng đã vui lắm, huống hồ được xem là người giàu. Tuy nhiên, song song với niềm tự hào là áp lực và lo lắng. Đó là làm sao để duy trì vị trí này, làm sao để Phát Đạt phát triển hơn. Theo tôi đây là một sự bầu chọn chính xác. Tất nhiên, đây chỉ là những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, chứ không có nghĩa là giàu nhất Việt Nam.
Nhiều người nói rằng giàu cổ phiếu không bằng giàu tiền mặt, ông nghĩ sao?
Nhiều công ty niêm yết trên thị trường, giá cổ phiếu là dưới giá trị thật của nó. Do đó, nếu một đồng tiền thật và một cổ phiếu giá 1 đồng chưa chắc cái nào hơn cái nào.
Nhìn lại một năm 2011, đâu là những điều được và chưa được của Phát Đạt?
Trong năm nay, dù khó khăn nhưng Phát Đạt vẫn thực hiện đúng cam kết với khách hàng, với cổ đông. Đó là xây dựng đúng tiến độ. Về điều chưa được, cũng như nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu, Công ty đã không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra ban đầu và đã phải điều chỉnh giảm.
Vậy mục tiêu năm 2012 của Phát Đạt thế nào?
Năm 2012, Chính phủ vẫn kiềm chế lạm phát, siết chặt tín dụng, lãi suất vẫn còn cao. Giá của các loại vật liệu xây dựng sẽ còn tăng. Lòng tin của nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi. Do đó mục tiêu của Phát Đạt vẫn là tồn tại, phát triển vừa phải, tiếp tục chờ cơ hội. Năm nay Phát Đạt đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 100 tỉ đồng và nguồn thu này dự kiến sẽ đạt được khi mở bán 89 nền biệt thự ở The EverRich 3.
Về sản phẩm, Phát Đạt cũng sẽ có những điều chỉnh để phù hợp hơn với thị trường. Không chỉ có căn hộ cao cấp mà hướng đến tất cả các phân khúc, trung cấp, bình dân, nhà liên kế và biệt thự... Năm 2012, bên cạnh bất động sản, chúng tôi cũng đang tìm thêm những cơ hội đầu tư mới.
Ông từng nói chỉ làm loại hình cao cấp, nhưng bây giờ lại đa dạng hóa sản phẩm?
Trong mỗi thời điểm người ta có suy nghĩ khác nhau. Năm 2010, hướng đi cao cấp là phù hợp, nhưng hiện tại không còn phù hợp thì thay đổi. Là doanh nghiệp, không thể cứng nhắc. Nếu có lợi cho doanh nghiệp, cho cổ đông thì mình thay đổi. Qua khủng hoảng, tôi rút ra được một kinh nghiệm là bên cạnh bất động sản, doanh nghiệp cần có thêm những lĩnh vực khác để tạo nguồn thu ổn định. Phải phát triển những ngành có nguồn thu ổn định để có thể lấy ngắn nuôi dài.
Với số nợ khá cao, Phát Đạt lấy tiền đâu để trả lãi suất hằng tháng?
Nợ của Phát Đạt chủ yếu là nợ dài hạn. Con số này chỉ gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và đó là mức nợ chấp nhận được. Với lãi suất của khoản vay hay trái phiếu Phát Đạt không phải trả theo tháng mà trả theo năm, hoặc hết kỳ hạn mới trả nên vẫn kiểm soát được. Vay 10 đồng mà xoay xở được thì vẫn sống, vay 1 đồng mà không xoay sở được thì vẫn cứ chết.
Nhiều người nói rằng, trước đây doanh nghiệp bất động sản đã lời nhiều thì bây giờ phải chịu lỗ, ông nghĩ sao?
Lời thì mình hưởng, lỗ mình chịu, chứ kêu cũng chẳng ai cho mình. Đây là chuyện thường trong kinh doanh và doanh nghiệp phải chấp nhận. Thực sự, hiện nay doanh nghiệp rất mệt mỏi, nhưng bù lại chúng tôi có được những kinh nghiệm quý báu.
Vậy Phát Đạt có tính giảm giá bán căn hộ?
Chúng tôi không có chính sách giảm giá. Vấn đề là kéo khách hàng, làm sao để khách hàng đến, dễ tiếp cận với dự án của mình hơn.
Tại sao ông mở rộng kinh doanh sang trồng rừng?
Để có nguồn thu ổn định, chỉ có xây dựng một nhà máy gì đó. Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến khi nhà máy đi vào hoạt động nào đó, ít nhất cũng phải cần 5 năm. Kinh nghiệm cho thấy, đầu tư vào nông nghiệp có những ưu thế nhất định và tôi cho rằng đây là một hướng đi thích hợp. Nông nghiệp là lĩnh vực mà nhu cầu không bao giờ thiếu, luôn ổn định trong khi Nhà nước luôn khuyến khích. Có thể là trồng rừng, cao su, lúa gạo, chăn nuôi. Kế hoạch của tôi là sẽ phát triển mô hình này ở nước ngoài, chủ yếu là Campuchia, Lào, Myanmar vì đây là những nước có quỹ đất lớn và rất khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư.
Nhưng nông nghiệp là một lĩnh vực hoàn toàn khác bất động sản?
Thực tế, trước đây tôi kinh doanh ôtô nhưng lại chuyển sang bất động sản. Mình không biết thì thuê người am hiểu về làm cho mình. Khó khăn vẫn là vốn, nhưng nếu biết phát triển thì vẫn có cách. Có thể phát triển theo hình thức cuốn chiếu. Ngoài ra, nguồn tài nguyên tận thu cũng có thể giúp doanh nghiệp có được một nguồn vốn lớn. Đây là cách làm “dùng mỡ nó rán nó” mà một số doanh nghiệp đã làm khá thành công.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo