Trò chuyện với “tác giả” cây cao su Hà Tĩnh
Trong mưa lạnh một ngày cuối năm, tôi may mắn được gặp và có cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng ông Trần Ngọc Sơn, một trong những “tác giả” tham gia xây dựng nên ý tưởng và là người trực tiếp đưa cây cao su về Hà Tĩnh...
Con đường Quốc lộ 15 A nối từ Ngã 3 Đồng Lộc về Hương Khê đoạn từ Khe Dao lên mạn ngược đang thi công nâng cấp nên ngổn ngang bùn đất. Leo dốc đã đành, ngay cả những đoạn đường bằng, xe chúng tôi cũng phải cài số 1 mới bươn qua được hàng chục km đoạn đường đổ đầy đất đá gặp mưa hóa thành bùn lầy nhão nhoẹt, nham nhở ổ trâu, ổ gà.
Khi về đến Tổng công ty TNHH một thành viên (MTV) cao su Hà Tĩnh ở km 22, chiếc xe đã nhuốm dày một màu bùn đất.
Ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây, anh bạn cùng đi với tôi thốt lên: Rừng cao su xanh tốt là thế, hiệu quả kinh tế - xã hội từ cây cao su mang đến là thế, vậy mà đã 15 năm rồi, sao văn phòng Công ty TNHH một thành viên (MTV) cao su Hà Tĩnh vẫn không thay đổi?
Quả đúng như băn khoăn của anh, Văn phòng Tổng công ty TNHH MTV không một tòa nhà cao tầng lộng lẫy bề thế, mà chỉ là những dãy nhà xây cấp 4 cùng những nếp nhà gỗ truyền thống của người dân Nghệ Tĩnh cũ kỹ, nép mình dưới những tán cây xanh.
Nếu không có chiếc cổng chào gắn biển hiệu công ty, người ta có thể nhầm tưởng đây là một xóm nhỏ của quê nghèo. Sự giản dị không phô trương ấy của khu văn phòng nói lên rằng: Cao su Hà Tĩnh giành tất cả cho rừng cây, cho đời sống của hàng ngàn người gắn bó thủy chung với cây cao su. Mưa lạnh của ngày cuối năm trong thời kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp lâm cảnh phá sản buồn tênh, nhưng không hề gieo vào nơi đây sự ảm đạm.
Trái lại, cao su Hà Tĩnh luôn ấm lên niềm lạc quan tin tưởng. Điều này thể hiện qua cuộc tiếp xúc ngắn của chúng tôi với Tổng Giám đốc Trần Ngọc Sơn. Không sôi nổi như những vị giám đốc thành danh khác, Trần Ngọc Sơn lặng lẽ, đằm thắm khi nói về thời xa xăm...
Hai mươi năm trước, anh về nhậm chức Giám đốc Lâm trường trong tình cảnh rừng tự nhiên nơi đây đã bị khai thác cạn kiệt. Lâm trường không có việc làm, đời sống khó khăn. DA 327 là cứu cánh cho Lâm trường, theo đó hàng ngàn ha rừng trồng đã được phủ lên đất trống, đồi trọc.
Rừng trồng của DA khoác lên màu xanh cho đất nghèo nhưng không làm đổi thay đời sống người lao động được bao nhiêu. Cùng thời gian đó, Hà Tĩnh trăn trở lựa chọn những cây trồng chủ lực để giúp người dân đổi đời. Bên cạnh cây thông chiếm diện tích lớn với hàng chục ngàn ha trồng từ hàng chục năm trước, những cây công nghiệp chính được Hà Tĩnh lựa chọn để phát triển là cây chè, cây dứa, cây mía và... cây cao su.
Cây chè vốn là cây trồng truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Cây dứa, cây mía được kỳ vọng nhiều nhất nên được tỉnh dồn sức đầu tư, vậy nhưng cả hai cây này như chúng ta đã biết, chỉ vài ba năm sau đã hoàn toàn bị loại bỏ. Nhà máy đường Linh Cảm dỡ bỏ chuyển vào Trà Vinh, Nhà máy chế biến hoa quả ở Kỳ Anh “đắp chiếu”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần về thăm và tặng quà cho Công ty cao su Hà Tĩnh |
Cây cao su không được ưu ái như hai loại cây trên, nhưng “nhóm tác giả” gồm bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Hoàng Trạch, các ông Chánh phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Tương, Đào Nghĩa Nhuận và Giám đốc Lâm trương Truông Bát Trần Ngọc Sơn, đã cùng gặp nhau một ý tưởng đổi thay cơ cấu rừng trồng, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo nên đã kiên trì theo đuổi.
Cái khó và thiếu hụt khó thuyết phục của “nhóm tác giả” này là cây cao su mặc dù đã du nhập vào Việt Nam hơn 100 năm, có mặt ở tỉnh láng giềng Nghệ An và khu vực Vĩnh Linh - Quảng Trị gần kề Hà Tĩnh 30 - 40 năm, nhưng với Hà Tĩnh thì thật sự xa lạ vì chưa bao giờ nó được trồng ở tỉnh này. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lại ở xa tít tắp.
“Nhóm tác giả” với Tập đoàn cao su chưa hề có mối quan hệ với nhau.v.v. Bù đắp cho sự thiếu hụt ấy là người đồng hương Lê Văn Bình, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam người con của quê hương Hà Tĩnh. Niềm khao khát giúp quê nghèo của ông Bình gặp ý tưởng và quyết tâm của “nhóm tác giả” đã mở lối cho cây cao su về Hà Tĩnh.
Ông Bình và “nhóm tác giả” ra Hà Tĩnh, vào Tập đoàn Cao su VN như con thoi gặp gỡ nhau họp bàn, cùng lặn lội khắp núi rừng Hà Tĩnh để khảo sát đất đai và quan trọng nhất là khảo sát, thăm dò lòng người. Tôi được biết, ngày ấy mặc dù những khảo nghiệm về thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng đất đai và lao động của Hà Tĩnh để phát triển cây cao su đã được chứng minh rất có cơ sở khoa học, nhưng với quan niệm truyền thống cho rằng: cao su chỉ phát triển trên đất đỏ bazan, địa hình bằng phẳng, thời tiết không nhiều mưa bão.
Trong lúc Hà Tĩnh ngoài nguồn nhân lực dồi dào ra, không hội đủ yếu tố ấy, nên niềm tin vào cây cao su thật mong manh. Tuy nhiên, “nhóm tác giả”, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vẫn kiên định với ý tưởng triển khai DA cây cao su trên đất Hà Tĩnh.
Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cung cấp vốn, chuyển giao kỹ thuật, Hà Tĩnh lo quy hoạch đất đai, lao động và chuyển đổi Lâm trường Truông Bát thành công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su. Đường về cho cây cao su từ đây được rộng mở.
Có đường về rồi nhưng niềm tin vào cây cao su chưa làm an lòng người, nên quy hoạch đất cho cao su là một câu chuyện dài theo kiểu thăm dò. Ban đầu cao su chỉ được quy hoạch ở những vùng đất trống, đồi trọc những nơi DA 327 chưa vươn tới, nên rải mành trên không gian rộng lớn của các huyện Hương Khê, Can Lộc Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn…Điều này đã gây khó khăn rất lớn trong thiết kế, tổ chức trồng, chăm sóc, quản lý cao su.
Công ty cao su Hà Tĩnh (nay là Tổng công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh) trực tiếp thực thi DA đã vượt qua muôn vàn khó khăn về chuyển đổi tư tưởng; thu hồi đất; giải phóng mặt bằng; thiết kế cơ bản; đào tạo kỹ thuật; chăm lo việc làm cho hàng ngàn lao động, biến những nông dân sản xuất nhỏ thành công nhân. Năm 1997, khi cao su đã phủ màu xanh sự sống với bao hy vọng, niềm tin về cây cao su thấm dần, Hà Tĩnh mới thí điểm quy hoạch 90 ha rừng cho cao su.
Rừng cao su của Công ty Cao su Hà Tĩnh |
Mãi đến năm 2007 khi cao su đã chứng tỏ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội: Phủ xanh hơn 5.000 ha trên đất trống đồi trọc được quy hoạch; hàng ngàn ha đã cho thu hoạch mủ, Chủ tịch tỉnh Trần Đình Đàn mới an lòng chỉ đạo chuyển đổi thí điểm 30 ha rừng thông cho cao su.
Những năm 2009 – 2010 khi vị thế cây cao su được khẳng định, không ai nghi ngờ về hiệu quả kinh tế - xã hôi của nó nữa bởi sản lượng khai thác mủ đạt hàng ngàn tấn; doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tổng lợi nhuận hàng chục tỷ đồng; thu nhập bình quân của hàng ngàn lao động tăng dần từ 900.000 đồng lên 2.100.000; vốn thu hút đầu tư từ Tập đoàn Cao su Việt Nam tăng hàng chục lên hàng trăm tỷ đồng/năm, Nhà máy chế biến cao su công nghệ hiện đại được hiện hữu; nộp ngân sách tăng dần lên hàng tỷ đồng/năm; hàng loạt nông trường ra đời, thu hút 1.200 thanh niên nông thôn thành công nhân ngành cao su và gần 1.000 lao động thời vụ khác... Cây cao su thực sự có chỗ đứng vững chắc thì Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi ào ạt từ cây thông sang cây cao su. Theo đó hàng chục ngàn ha rừng thông ngự trị hơn nửa thế kỷ bị đốn hạ để ra đời thêm một công ty cao su khác trên đất Hà Tĩnh.
Câu chuyện đường về cho cây cao su Hà Tĩnh bị gián đoạn bởi sự bận rộn của Tổng Giám đốc Trần Ngọc Sơn. Chia sẻ với sự bận rộn dịp cuối năm, chúng tôi đành tạm biệt ông. Mưa lạnh ngày cuối năm se sắt, nhưng lòng chúng tôi ấm áp bởi câu chuyện ngắn về “nhóm tác giả” cây cao su Hà Tĩnh. Gọi như vậy hẳn không sai bởi họ là những người chung ý tưởng và dày công mở đường về cho cây cao su, sau hơn 15 năm đã làm ấm áp những vùng quê nghèo Hà Tĩnh có sự hiện diện của loài cây này, chúng tôi xin được cùng tận hưởng sự ấm áp ấy của Hà Tĩnh... mình thương!
Tô Lan
End of content
Không có tin nào tiếp theo