Pháp luật

Trốn tiền tỷ trợ cấp của lao động

Đổ lỗi là không cập nhật văn bản pháp luật của Nhà nước cũng như khả năng tài chính gặp khó, sau khi cổ phần hóa, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương (Hapoco) đã trốn hàng tỷ đồng tiền trợ cấp thôi việc của hơn 200 lao động.

Mất việc còn bị mất tiền

 

Anh Phạm Văn Thinh, là đảng viên có thâm niên làm việc cho Công ty Hapoco hơn 30 năm. Anh Thinh nguyên là công nhân bậc 6 nhưng khi chấm dứt hợp đồng lao động, anh chỉ được Công ty chi trả 14 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc.

 

Phát hiện lãnh đạo Công ty áp dụng chi trả trợ cấp thôi việc sai quy định, anh Thinh đã viết đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố Hải Dương. Sau nhiều lần hoà giải bất thành, vào lần hòa giải cuối cùng (trước khi Tòa xử một ngày), lãnh đạo Công ty Hapoco đã phải mang tiền ra Toà để thanh toán tiền cho anh Thinh.

 

Tổng số tiền lãnh đạo Công ty Hapoco phải thanh toán cho anh Thinh là 47 triệu đồng (trong đó, 39 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc và 8 triệu đồng tiền lãi).

 

“Không chỉ riêng tôi mà hơn 200 công nhân khác đã bị lãnh đạo Công ty cố tình gian lận, áp dụng sai văn bản của Nhà nước để ăn bớt tiền mồ hồi và nước mắt của công nhân” - anh Thinh cho biết.

 

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2009-2011, ông Nguyễn Đỗ Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hapoco đã liên tiếp ra các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 219 lao động.

 

Đến thời điểm này, 219 lao động này đã làm thủ tục hưởng trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, lãnh đạo Công ty Hapoco đã áp dụng sai luật.

 

Cụ thể, lãnh đạo Công ty đã dùng Nghị định, Thông tư hết hiệu lực với mức trợ cấp thấp hơn quy định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để ăn bớt hàng tỷ đồng của người lao động. Như trường hợp chị Lê Thị Thu Thuỷ (SN 1970), đã bị lãnh đạo Công ty Hapoco chi trả thiếu đến hơn nửa số tiền so với quy định.

 

Đến thời điểm này, hơn 40 lao động tố đã bị lãnh đạo Công ty Hapoco tính thiếu tiền trợ cấp thôi việc. Theo phản ánh của các lao động, tổng số tiền bị lãnh đạo Công ty ăn bớt lên tới khoảng 4 tỷ đồng.

 

Không trả tiền vì sợ Công ty phá sản

 

Làm việc với PV Tiền Phong, đại diện Công ty Hapoco là ông Bùi Đắc Lộc - Phó tổng giám đốc cho biết, từ sau vụ việc của anh Phạm Văn Thinh, đến đầu năm 2012, Công ty mới “phát hiện” ra việc chi trả trợ cấp thôi việc sai so với quy định của Nhà nước.

 

“Tình hình tài chính của Công ty quá khó khăn. Nếu một lúc trả hết số tiền phát sinh theo quy định của Nhà nước cho người lao động, Công ty chỉ có nước phá sản” - ông Lộc nói.

 

 

Thanh tra toàn diện Công ty Hapoco

Tại buổi làm việc với PV Tiền Phong, ông Lưu Văn Bản - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương khẳng định, Công ty Hapoco áp dụng sai quy định khi chi trả trợ cấp thôi việc gây thiệt hại cho người lao động đã nhức nhối từ lâu.

Lãnh đạo Hapoco cũng đã được mời lên sở để làm việc, tuy nhiên vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Lãnh đạo sở đã giao cho Thanh tra lập kế hoạch thanh tra toàn diện về lao động, tiền lương tại Công ty Hapoco.

Ông Lộc lý giải, trong số hơn 200 lao động có 101 lao động đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thôi việc, số còn lại là không đủ điều kiện, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu... “Theo tính toán, hiện Công ty vẫn đang nợ tiền trợ cấp thôi việc của 101 lao động là 1,2 tỷ đồng” - ông Lộc thừa nhận.

 

Theo ông Lộc, việc trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động sai quy định là vì không cập nhật được thông tư hướng dẫn mới.

 

Tuy nhiên, khi làm việc với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Trưởng phòng Lao động tiền lương bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương) khẳng định, khi Thông tư 17 có hiệu lực, đã tổ chức tập huấn và thông báo cho tất cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

 

“Việc Hapoco báo cáo chỉ có hơn 101 lao động được hưởng trợ cấp thôi việc là ý kiến của Công ty. Còn cụ thể thế nào, cần phải kiểm tra mới biết được Công ty đã báo cáo đúng hay sai. Từ đó, mới biết được số tiền cụ thể họ đang nợ người lao động” - bà Thuỷ nói.

 

Giải thích về khoản tiền đang nợ người lao động, ông Nguyễn Đỗ Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hapoco cho rằng, nếu áp dụng theo quy định của Nhà nước để chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, Công ty chỉ có nước phá sản.

 

“Trước khi cổ phần hoá, Công ty lúc nào cũng trong tình trạng nợ đọng kéo dài và không có khả năng chi trả. Nói thẳng ra là Công ty đã thực sự phá sản” - ông Hà nói.

 

Ông Hà cũng trần tình rằng, đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội để đề nghị hỗ trợ nhưng trong trường hợp không nhận được hỗ trợ, Công ty cũng sẽ cố gắng trích quỹ để chi trả cho người lao động.

 

 

Theo Tiền Phong

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo