Trồng cao su ở miền Bắc, doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro
Nhu cầu về cao su thiên nhiên của thế giới gia tăng trong những năm gần đây đã khuyến khích Việt Nam mở rộng diện tích và gia tăng sản lượng nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước.
Đây là một trong những nguyên nhân được các đại biểu đưa ra phân tích về việc có nên mở rộng diện tích trồng cao su ra khu vực miền núi phía Bắc tại Hội thảo “Phát triển cao su miền núi phía Bắc: Thực trạng và giải pháp” sáng 10/12, tại Hà Nội.
Trước những mất mát của người dân trồng cao su miền Trung trong hai trận bão gần đây có một số đại biểu lo ngại rằng cây cao su sẽ không phù hợp với địa hình và khí hậu của khu vực miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, nếu loại trừ những yếu tố rủi ro thì cây cao su là cây trồng đa mục tiêu để cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội của vùng nông thôn và phủ xanh đất trống, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su và đồ gỗ cao su.
Về mặt kinh tế, cây cao su ở Việt Nam là loại cây có diện tích trồng lơn nhất trong các cây lâu năm. Nhựa cao su là nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn, sau gạo và cà phê. Năm 2012, cây cao su đã đóng góp 3,7% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó cao su thiên nhiên là gần 3 tỷ USD, sản phẩm cao su 1 tỷ USD và đồ gỗ chiếm khoảng 0,4 tỷ USD.
Phân tích về tiềm năng của thị trường cao su Việt Nam TS. Trần Thị Thúy Hòa, đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết “Sản phẩm từ cây cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu qua các thị trường như: Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Mỹ …Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm trên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su.
Cao su thiên nhiên được tiêu thụ nội địa để chế biến sản phẩm cao su khoảng 150.000 tấn. Hiện nay, diện tích cao su đã vượt xa so với quy hoạch phê duyệt đến 2020 với năng suất ổn định trên 1,7 tấn/ha”.
Với những phân tích, đánh giá được mất từ cây cao su đa số đại biểu nhận định: Miền Bắc có thể phát triển cây cao su nhưng cần nghiêm túc tuân thủ, quản lý, giám sát chặt chẽ việc chọn đất trồng, áp dụng quy trình kỹ thuật đặc thù theo hướng đa dạng sinh học và bộ giống phù hợp.
Cây cao su có nhiều triển vọng mang đến những lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cho vùng trồng ở miền Bắc nhưng rủi ro do thời tiết, khí hậu là không nhỏ, cần có chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước để người sản xuất vượt qua những thời điểm khó khăn.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo