Pháp luật

Trọng giá trị doanh nghiệp hơn tiền

Làm giám đốc là phải lo được nồi cơm của hàng trăm gia đình công nhân; là quản lý phải cảm được niềm hạnh phúc khi là điểm tựa của công nhân. Đó là triết lý nghề nghiệp giúp bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco truyền lửa cho thế hệ kế cận.

Không nhiều người biết, bà Vũ Thị Thuận, doanh nhân đang được ghi nhận là một trong không nhiều người đã thực hiện chuyển giao thành công thế hệ lãnh đạo trong doanh nghiệp, lại từng phải gánh chịu sự xoay vần khắc nghiệt của chính quá trình chuyển giao trước đó.


Doanh nhân Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco

Cách đây gần 14 năm, bà Thuận kể, ngay sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hoá vào năm 1999, bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Traphaco va ngay vào những phức tạp của câu chuyện nhân sự.

Nhiều người muốn giữ nguyên bộ máy như cũ, nghĩa là không khác gì so với trước cổ phần hóa, doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất sữa đậu nành, cao khỉ, cao trăn, rượu nếp cẩm, thậm chí cả ô mai mơ, ô mai khế… để tồn tại như giai đoạn 1993-1999, những năm mà doanh thu đông dược chỉ chiếm khoảng một nửa, nhưng cũng đủ bù chi cho 60, rồi tăng lên 200 con người.

Nhưng những người trẻ, những cổ đông mới của Công ty lại kỳ vọng vào luồng gió mới sau cuộc chuyển mình thành công từ một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông - Vận tải thành công ty cổ phần, với phần vốn nhà nước chỉ còn 45%.

“Khi bàn về vị trí giám đốc mà nhiều người đề cử tôi, có ý kiến cho rằng, tôi không hợp, vì tôi hiền lành, không đủ mưu mô, thủ đoạn, mà thương trường thì cần những người như vậy. Lúc đó, tôi đã 44 tuổi, đang là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, nổi máu tự ái vì một cách nghĩ về kinh doanh như vậy”, bà Thuận kể lại một giai đoạn căng thẳng.

Được sinh ra trong gia đình truyền thống làm thuốc, bố mẹ là lương y, có cửa hàng đông dược, nên bà hiểu thế nào là triết lý kinh doanh của nghề làm thuốc, cách để giữ chân những khách hàng đặc biệt của một sản phẩm vô cùng đặc biệt.

“Tôi không bao giờ nghĩ rằng, phải dùng thủ đoạn để kinh doanh. Ngay cả trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt nhất, tôi luôn nghĩ cách để biến đối thủ thành đối tác. Tôi quyết định nhận vị trí Giám đốc, với điều kiện, nếu trong nhiệm kỳ 3 năm không làm được đúng yêu cầu, tôi sẵn sàng lui lại vị trí kỹ thuật”, bà Thuận tâm sự về 3 năm đầu chuyển đổi căng thẳng cả về tư duy, phương pháp luận, đến chuẩn mực quản trị, quan hệ đối nhân… mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu.

Đó là chưa kể tới khoảng trống pháp lý trong mối quan hệ giữa HĐQT và Tổng giám đốc càng làm cho căng thẳng trong nội bộ của doanh nghiệp sau cổ phần hoá lên cao.

“Lúc đó, Luật Doanh nghiệp vẫn là dự thảo, chúng tôi phải vừa làm vừa chỉnh. Nhưng nguyên tắc mà tôi kiên quyết bảo vệ và đã bảo vệ thành công, đó là sự rạch ròi về trách nhiệm của các vị trí lãnh đạo, của Giám đốc và HĐQT, nắm rõ và tuân thủ pháp luật. Bây giờ, tôi vẫn đang tuân thủ đúng nguyên tắc này như một trong những yếu tố đảm bảo sự chuyển giao thành công”, bà nói.

Thực ra, khủng hoảng nhân sự lãnh đạo sau cổ phần hoá không phải là câu chuyện hiếm gặp. Nếu như cổ phần hoá được xác định là một cuộc đại phẫu lớn trong cấu trúc doanh nghiệp, thì lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự thay đổi cấu trúc này. Diễn nôm ra, trong doanh nghiệp nhà nước, người lãnh đạo được cấp trên bổ nhiệm, thì trong doanh nghiệp cổ phần, đây là vị trí được cổ đông bầu chọn.

“Tính khắc nghiệt của công ty đối vốn là quyền lực thuộc về những người có tiền. Có thể đây là lý do mà tiến trình cổ phần hoá của nhiều doanh nghiệp nhà nước bị chậm lại. Khi người lãnh đạo doanh nghiệp không tự tin đối mặt với sự lựa chọn của cổ đông, thì nhiều khả năng, chính họ lại trở thành vật cản lớn nhất trong tiến trình cổ phần hoá”, bà Thuận chia sẻ quan điểm và cho rằng, điều này vẫn còn nguyên tính thời sự.

Chính sự đồng thuận trong ban lãnh đạo trước cổ phần hoá đã khiến Traphaco chỉ mất khoảng 6 tháng để làm “cách mạng”. Tháng 6, bà và Giám đốc đi học về chủ trương cổ phần hóa, tháng 7 làm đơn xin cổ phần hoá.

Lúc đó, mọi việc mới mẻ đến mức Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Giao thông - Vận tải khi tiếp nhận đơn còn hỏi: “Có hiểu gì về cổ phần hoá không mà làm đơn?”. “Chúng tôi trả lời là muốn tự làm tự ăn, muốn dám làm dám chịu, không phải xin Nhà nước, mà Nhà nước cũng có cấp vốn nữa đâu”, bà Thuận kể.

Bà Thuận không thể quên cái ngày 27/9/1999, khi Traphaco có quyết định cổ phần hoá và chưa đến 2 tháng sau, ngày 15/11/1999, Đại hội cổ đông thành lập Công ty cổ phần Traphaco được tổ chức, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của không chỉ doanh nghiệp dược trong ngành giao thông, mà còn của nhiều người, trong đó có bà Vũ Thị Thuận…

Trong Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2013 diễn ra hôm 2/9 vừa qua, Tổng giám đốc Trần Túc Mã là người đại diện cho Traphaco bước lên bục vinh quang dành cho thương hiệu Top 10. Lần đầu tiên, Traphaco được vinh dự có mặt trong nhóm những thương hiệu danh giá nhất này.

Kể lại thời khắc đó, bà Thuận muốn chia sẻ câu chuyện mà người kế nhiệm Trần Túc Mã đã nói với bà, đó là Traphaco đã bước lên đỉnh vinh quang, nhưng việc giữ được vị trí số 1 chắc chắn khổ cực hơn gấp nhiều lần nỗi vất vả mà bà và các cộng sự đã cùng vun đắp trong gần 13 năm qua.

“Nhưng tôi tin rằng, đội ngũ kế cận sẽ tạo nên sức bật mới cho Traphaco”, bà Thuận tâm sự.

Thực ra, việc lựa chọn người kế nhiệm của Traphaco cũng không đơn giản, dễ dàng như những gì mọi người đang thấy. Traphaco đã ghi dấu ấn vô cùng mạnh mẽ của vị chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và nhiều người thẳng thắn rằng, mọi việc rất có thể sẽ xoay chuyển ngoài dự đoán, nếu người kế nhiệm không vượt qua được cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm.

Lo ngại này hoàn toàn không phải vô cớ và cá biệt. Những thất bại trong việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo của FPT, Giấy Sài Gòn… khiến chính các doanh nghiệp phải trả giá. Hơn thế, đó còn là nỗi lo về sự hụt hẫng của thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế tiếp khi các thương hiệu này bị phụ thuộc quá nhiều vào uy tín cá nhân lãnh đạo.

“Tôi đã chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao ngay từ nhiệm kỳ thứ hai, sau khi 3 năm đầu nhiệm kỳ thứ nhất căng thẳng trôi qua, tôi được bầu ở vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty. Cũng có những người được nhắm tới, nhưng không thành, do nhiều lý do, do sự nôn nóng của họ, do mục tiêu cá nhân lấn át trách nhiệm với doanh nghiệp… Tôi đã từng nói với một vị lãnh đạo cấp bộ khi muốn can thiệp việc lựa chọn Phó tổng giám đốc Traphaco rằng, hãy để cho tôi lựa chọn vì nếu chọn sai, dạ dày của hàng trăm công nhân sẽ bị ảnh hưởng”, bà Thuận nói.

Cũng phải nói thêm, sự kiêm nhiệm của bà ở cả hai vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không phải không có những ý kiến khác, nhất là khi yêu cầu tách bạch hai bộ máy quản trị và điều hành doanh nghiệp nhà nước được đặt cao, nhằm nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp này.

Bà Thuận thừa nhận, đó là yêu cầu cần thiết, nhưng phải ở những doanh nghiệp quy mô lớn, đã có giai đoạn phát triển và định hình mô hình hoạt động vững chắc. Còn mô hình doanh nghiệp nhỏ như Traphaco những năm 2000, còn trứng nước sau đợt chuyển mình, thì cần có sự kiêm nhiệm để sát sao, chớp lấy thời cơ, đó là chưa kể các vị trí chưa rạch ròi, nhiều nguời chưa hiểu công việc của mình.

“Thời gian đầu, chúng tôi còn phải vẽ các vòng tròn để các vị trí lãnh đạo cảm nhận được trách nhiệm của mình và các vùng giao thoa để xử lý. Nếu không kiêm nhiệm, sẽ không thể có được những bước phát triển ngoạn mục như giai đoạn vừa qua. Nhưng khi quy mô doanh nghiệp lớn hơn, tôi đã tính đến việc tách bạch”, bà kể.

Vị Tổng giám đốc hiện giờ của Traphaco và những người được lựa chọn đã nhập cuộc từ những năm 2006, với nhiều thử thách ở các vị trí khác nhau. Rồi khi Traphaco niêm yết, mục tiêu không phải là huy động vốn như nhiều doanh nghiệp lúc đó.

“Lý do là phải tham gia thị trường của những doanh nghiệp lớn, nơi có những nhà đầu tư lớn, những đôi mắt cú vọ sẵn sàng săm soi, mổ xẻ, nhưng cũng là để doanh nghiệp, để lãnh đạo doanh nghiệp mạnh mẽ, vững vàng hơn”, bà Thuận nhớ lại quyết định lựa chọn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào năm 2009.

Đến giờ, TRA là một cổ phiếu được săn đón, có mức tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Doanh thu năm 2012 tăng 111% so với kế hoạch; năm 2013 cũng đang được kỳ vọng ở mức 1.800 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2012.

Có khá nhiều dịp phỏng vấn bà Thuận, nhưng mọi lần đều là những cuộc hỏi đáp chớp nhoáng. Lần này, câu chuyện kéo dài cả buổi. Nào là chuyện bị bắt đổi xe để cho anh em cấp dưới có cơ hội đi xe xịn hơn. Rồi chuyện đoàn thanh niên của Traphaco tham gia cứu trợ đồng bào bão lũ về khóc vì thương cảnh người dân nghèo khổ. Cả việc bà luôn tranh thủ diễn đàn để chia sẻ niềm hạnh phúc khi là chỗ tựa cho gia đình cả nghìn công nhân đã được nhân rộng...

Trở đi trở lại rồi cũng trở về chuyện Traphaco đang thấy cơ trong nguy, khi khó mua khó bán thì người tiêu dùng lại chọn thương hiệu nào họ tin nhất, người lao động cũng đang tin vào Công ty để làm việc, bà thì đang hết sức hỗ trợ Ban giám đốc vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.

Đúng như bà nói, nếu đặt giá trị của doanh nghiệp lên trên, thì mọi việc dù khó khăn nhất, đều có thể vượt qua. Chính đó là giá trị hơn tiền mà bà vẫn nhắc khi được hỏi về bí quyết gắn kết con người của mình…

Trò chuyện với Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thuận

Tới thời điểm này, có thể nói việc chuyển giao vị trí lãnh đạo điều hành của Traphaco đã ổn thoả?

Trong những năm đầu của nhiệm kỳ IV, tôi đã xác định Traphaco đã thành công trong quá trình chuyển giao thế hệ…

Nhưng nói tới Traphaco, mọi người vẫn nhắc tới bà Vũ Thị Thuận...

Đó là sự ghi nhận của mọi người với cá nhân tôi trong hơn 10 năm ở vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc. Nhưng cần phải có thời gian để sự chuyển giao thực sự hoàn tất.

Song, để hình ảnh của Traphaco không đứt mạch, cũng không thể tạo sức ép quá lớn cho các vị trí lãnh đạo mới của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT, với vị trí quản trị chiến lược, sẽ tiếp tục nhiệm vụ quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu.

Khi nào bà có thể yên tâm để lui về hậu trường?

Nếu tôi không ở vị trí này thì tôi đã về nghỉ, vui vầy với con cháu. Không dễ nói với mọi người về việc này, nhưng vì là người đứng đầu, tôi phải nhận trách nhiệm là cầu nối giữa các thế hệ.

 

Theo Đầu Tư
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo