Pháp luật

Trực tiếp: Các luật sư 'đòi' hủy án sơ thẩm, điều tra lại

Sáng 24, phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

8h: Luật sư Nguyễn Đình Hưng bắt đầu phần bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn.

Theo luật sư Hưng, bị cáo Sơn chỉ xin giảm án, giảm hình phạt, đặc biệt là phần bồi thường thiệt hại. Luật sư cho rằng, không thấy chứng cứ chứng minh mặt khách quan của khoản tiền tham ô, ngoại trừ việc có một khoản tiền từ Công ty AP chuyển về cho Công ty Phú Hà và từ công ty này chia cho các bị cáo.
 
Các bị cáo phạm tội tham ô phải có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn nào đó để chiếm đoạt khoản tiền do mình quản lý.
 
Bản án nhận định, căn cứ vào hợp đồng giữa Vinalines và Công ty AP, Vinalines đã chuyển cho công ty AP 9 triệu USD, khoản tiền này có quay về hay không thì không có chứng cứ chứng minh.
 
Các bị cáo tại tòa.
 
Đây đã là hậu quả của tội Cố ý làm trái thì không thể tiếp tục tính là hậu quả của tội Tham ô. Một hành vi khách quan nhưng lại được xác định cho hai tội danh là bất cập.
 
“Về tội cố ý làm trái, bị cáo Trần Hải Sơn không kháng cáo về hành vi phạm tội này, nhưng chúng tôi đề nghị xem xét vai trò của tùy từng người để cá thể hóa hình phạt. Bị cáo Sơn đóng ở Vũng Tàu, khi có các dự án này cần có các chữ ký thì bị cáo Sơn chỉ được nhận các bản fax và ký nháy vào đó rồi gửi ra, tất nhiên, việc làm sai thì vẫn là sai rồi”, luật sư Hưng trình bầy.
 
Ông Hưng đề nghị HĐXX xét lại hậu quả của tội phạm. Thiệt hại của vụ án này được xác định là 367 tỷ. Về logic ta đã thấy 28 tỷ (tương đương 1,666 triệu USD) nằm trong khoản tiền 9 triệu USD đã được tất toán chuyển đi. Nếu đã là tham ô rồi thì hậu quả của tội Cố ý làm trái phải trừ đi khoản 1,666 triệu USD.
 
Mặt khác, ụ nổi hiện vẫn còn, nếu ta chấp nhận con số 367 tỷ thì ta chấp nhận ụ nổi bằng 0. Nếu được trừ đi con số này thì thiệt hại vụ án thấp hơn nhiều.
 
Ông Hưng nói: “Tôi có cảm nhận rằng, riêng tội Cố ý làm trái nằm ở cơ chế chính sách. Tại tòa, các cơ quan chức năng cũng cho thấy hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn. Hơn nữa, cả một hệ thống trình duyệt.

Tất cả đều nhân danh HĐQT Vinalines. Đây là một tổ chức hợp pháp, được thành lập và hoạt động theo chi phối của Luật Doanh nghiệp. Những nghị quyết đó sai rồi bắt cá nhân một số người chịu thì bất cập”.
 
Theo ông Hưng, tội về cơ chế chính sách thì khi xem xét định tội cần phải xem xét cho họ cả hoàn cảnh khách quan. Cứ cho là có việc chia nhau 28 tỷ này đi, thì đây cũng chỉ là yếu tố “trục lợi” của tội cố ý làm trái.
 
8h20: Bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều, luật sư Phạm Thanh Sơn trình bầy quan điểm: Cơ quan tố tụng đã áp đặt tội Tham ô cho các bị cáo, không đảm bảo đủ các yếu tố phân định tội. Câu chuyện chuyển tiền không xác định được tiền này thuộc tiền gì, nó thuộc Vinalines hay tiền gì.
 
Ngoài ra, ý thức chủ quan của bị cáo Chiều chỉ nhận thức được việc mình tham ô trong quá trình điều tra viên xét hỏi.
 
Việc nhận thức của các bị cáo trong qúa trình điều tra, các điều tra viên còn giáo dục, định hướng tư tưởng cho người phạm tội, như vậy không đủ khẳng định ý thức chủ quan đó là của bị cáo.
 
Tại sơ thẩm bị cáo Sơn nói tiền đưa cho bị cáo Chiều là tiền riêng, nhưng đến phiên phúc thẩm ông Sơn lại nói đó là tiền lấy từ 1,666 triệu USD.
 
Dương Chí Dũng, luật sư, Mai Văn Phúc, y án, tử hình, hủy án sơ thẩm, điều tra lại
Bị cáo Trần Hữu Chiều. (Ảnh: Nam Phong)
 
“Với quan điểm của luật sư, tôi khẳng định, ông Chiều là nguời hiền lành chất phác, được cho tiền, không thể nói ông Chiều là tội phạm, ông ấy chỉ là nạn nhân”, lời luật sư.
 
Trên góc độ là người bảo vệ cho bị cáo Chiều, luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm đối với tội Tham ô để điều tra bổ sung.
 
Theo luật sư Phạm Thanh Sơn, trong toàn bộ hồ sơ vụ án, đối với tội Cố ý làm trái, cần xác định hậu quả xảy ra. Hiện không có các văn bản thẩm định về giá trị thiệt hại. Toàn bộ ụ nổi còn, tức là nó còn có giá trị.
 
Vinalines mua đắt nhưng không có nghĩa là Vinalines mất tiền. Toàn bộ giá trị ụ nổi vẫn được cụ thể hóa trong chứng từ. Việc mua đồ mới, mang về nhà là giảm giá trị một cách tự nhiên, ép nó vào việc giảm giá trị cần có cơ quan chuyên môn xác định giá trị thiệt hại, làm cơ sở xác định bồi thường cho các bị cáo.
 
Đối với vấn đề liên quan đến bồi thường dân sự, trách nhiệm dân sự phải được tính theo đúng quy định pháp luật, không thể nói vinalines bỏ tiền ra là mất, mất thì phải đền bù.
 
Bị Chiều có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng phiên sơ thẩm và phần luận tội của đại diện VKS không thấy đề cập đến những tình tiết giảm nhẹ tội.
 
Luật sư cho rằng, có đủ căn cứ, cơ sở để giảm mức án tội Cố ý làm trái cho bị cáo Chiều. Hơn nữa, cần cân nhắc trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Luật sư yêu cầu xem xét hủy án sơ thẩm tội Tham ô cho bị cáo; Xem xét lại phần bồi thường dân sự đối với thiệt hại mà nhóm bị cáo tội Cố ý làm trái bị buộc phải bồi thường.
 
8h42: Luật sư Sơn biện luận, vai trò của bị cáo Chiều mờ nhạt, ý thức chủ quan không phải cố ý, hành vi là thực hiện nhiệm vụ được phân công. Vì vậy đối với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là không có đủ căn cứ pháp lý. 
 
Đối với tội tham ô, luật sư Sơn cho rằng, bị cáo Chiều không đảm bảo các yếu tố để khẳng định việc nhận tiền của bị cáo. Số tiền này không thể xác định được đây là tiền gì của Vinalines hay Công ty AP. 
 
Theo ý thức chủ quan, bị cáo Chiều chỉ nhận biết được có tiền từ việc mua bán ụ thông qua quá trình xét hỏi của điều tra viên. 
 
Luật sư Sơn đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm đối với tội tham ô, để điều tra bổ sung.
 
9h00: Theo biện luận của luật sư Kiều, vai trò của bị cáo Khang, tham gia dự án là nhận nhiệm vụ, chỉ là thành viên không có quyền hạn gì trong việc mua ụ nổi; Trong đoàn khảo sát chỉ là thành viên dịch thuật các tài liệu… 
 
Luật sư Kiều cũng cho rằng, quy kết trong bản án sơ thẩm khẳng định rằng, việc ký nháy vào báo cáo là tiếp nhận ý chí phải mua ụ. “Quy kết này không đúng. Bị cáo Khang không nhận bất cứ chỉ đạo nào từ lãnh đạo Vinalines. Bị cáo ký nháy là do nhận thức chủ quan của bị cáo. Bị cáo ký không nhằm mục đích hợp thức hóa việc mua ụ nổi”, luật sư Kiều nói.
 
9h25: Luật sư Lê Minh Công bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Mai Văn Khang bổ sung: "Ở đây, bị cáo Khang có quyền quyết định mua ụ nổi không? Có được ký hợp đồng mua ụ nổi không? Thực tế, Khang chỉ duy nhất tham gia đoàn khảo sát và ký một chữ ký nháy vào báo cáo khảo sát, nên việc quy kết Khang tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là bất hợp lý".
 
9h40: Luật sư Đào Hữu Đăng - bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dương đồng tình với Viện Kiểm sát về việc chấp nhận kháng cáo của Lê Văn Dương.
 
Luật sư ông Đăng trình bày lý do bổ sung những luận chứng bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lê Văn Dương. Luật sư Đăng cho rằng, Dương là nạn nhân của một âm mưu đã chuẩn bị sẵn từ trước.
 
“Báo cáo của Dương không có vai trò quyết định việc mua ụ nổi. Bản thân Lê Văn Dương không có lợi ích gì, không có động cơ, mục đích làm trái. Lê Văn Dương bị lợi dụng”, luật sư Đăng nói.
 
Luật sư Đăng đề nghị HĐXX dựa trên những yếu tố giảm nhẹ để giảm hình phạt cho bị cáo Dương.
 
10h00: Luật sư Trần Hồng Phúc bắt đầu phần tranh luận để bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo thuộc nhóm ngành hải quan.
 
10h45: Luật sư Hà Thị Thúy Quỳnh, cùng bào chữa cho các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan Vân Phong cho rằng: Bản án sơ thẩm tuyên các bị cáo quá nghiêm khắc, không phù hợp với hành vi phạm tội của các bị cáo.
 
Trong bản án sơ thẩm, có sự nhầm lẫn khi áp dụng nguyên tắc pháp luật. Dấu hiệu định khung tội Cố ý làm trái, bắt buộc phải gây hậu quả, dù phần thiệt hại trong vụ án này chưa được làm rõ nhưng án sơ thẩm đã tuyên các bị cáo có mức án cao nhất trong khung hình phạt bởi tội gây hậu quả. Tình tiết này lại được bản án sơ thẩm đưa vào làm tình tiết tăng nặng là hết sức vô lý, trái nguyên tắc áp dụng điều luật PL.
 
Luật sư Quỳnh cũng đưa ra những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Nữ luật sư dành nhiều thời gian để trình bầy về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các bị cáo là thân chủ của mình.
 
11h05: Luật sư Nguyễn Chiến tiếp tục trình bầy quan điểm bào chữa cho các bị cáo nguyên cán bộ hải quan:
 
Ông Chiến khẳng định: Cáo buộc của bản án sơ thẩm là hoàn toàn sai lầm và mâu thuẫn với chính nó ở phần nhận định.
 
Bản án sơ thẩm nhận định, ụ nổi 83M là ụ nổi nhưng lại xác định các bị cáo phạm tội là không hợp nhẽ. Theo luật sư, không có căn cứ nào xác định ụ nổi không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Đức vẫn cho phép nhập khẩu. Thực tế, bị cáo Đức đã làm đúng chức trách của mình.
 
Luật sư Chiến trình bầy quan điểm: “Cho tiến hành các bước tiếp theo hay không là do thông quan điện tử, lãnh đạo hải quan không thể can thiệp. Án sơ thẩm cho rằng, cán bộ hải quan giúp sức Vinalines nên bị coi là đồng phạm. Bước 1 làm đúng mà các bước 2 theo quy trình điện tử lại thành cố ý làm trái. Đây là sai lầm, bởi không có bước 1 thì không có những bước sau. Theo quy trình điện tử, các bước sau là tự động.
 
Chính các bị cáo thuộc cán bộ Cty hàng hải cho biết họ không có thỏa thuận và không quen biết các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan. Họ không có sự tiếp xúc với nhau, không thể kết luận cán bộ hải quan đồng phạm giúp sức.
 
Các bị cáo là cán bộ Vinalines và cán bộ hải quan hành động độc lập mà lại đánh giá là họ đồng phạm là vô lý. 
 
11h30: HĐXX tạm nghỉ, chiều 14h tòa tiếp tục làm việc.
 
PV (Tổng Hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo