Pháp luật

Trực tiếp: Nguyên Tổng giám đốc Mai Văn Phúc - Nhiều lúc ký kết văn bản nhưng... không đọc

14h hôm nay, 22/4, TAND Tối cao tiếp tục phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng phạm, về các hành vi tham ô và cố ý làm trái.

Trước đó, tại phiên xét xử buổi sáng, Hội đồng xét xử đã kiểm tra căn cước các bị cáo. HĐXX và các luật sư đã thẩm vấn các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn.

Bước đầu, các ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc khai chỉ nhận rượu ngoại và phong bì tết từ bị cáo Trần Hải Sơn, không nhận tiền tỷ như cáo trạng quy kết.

Bị cáo Dương Chí Dũng còn nó sẽ "chống án đến cùng" ở tội danh tham ô, do ảnh hưởng đến danh dự.

Đúng 14h, phiên tòa buổi chiều bắt đầu.

Tiếp tục thẩm vấn bị cáo Phúc:

- Bị cáo có gặp ông Goh không?

Duy nhất một lần gặp ở phòng khách lớn của Công ty, ngoài ra không gặp lần nào khác.

Trả lời các câu hỏi của kiểm sát viên, ông Phúc cho rằng, có nhiều lúc ông ta ký kết văn bản nhưng... không đọc, do tin tưởng cấp dưới.

Tuy nhiên, ông Mai Văn Phúc cũng thừa nhận, những sai phạm ở Vinalines có phần trách nhiệm của mình.

 HĐXX xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc: Trong 4 người bị xét xử ở tội tham ô, người ở cương vị thấp hơn bị cáo cũng có tiền bồi dưỡng. Bị cáo bảo không có tiền thì có vô lý không? Bị cáo suy nghĩ gì?

Bị cáo Mai Văn Phúc: Sự thật là bị cáo không biết việc đó. Họ ăn chia xong rồi thì bị cáo mới về nhận chức.

Thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều:

Bị cáo Trần Hữu Chiều trả lời Hội đồng xét xử.

- Phiên tòa này có giữ nguyên kháng cáo không?

Không ạ.

- Lý do bị cáo xin giảm tội Cố ý làm trái?

Khi bắt đầu dự án, bị cáo chưa tham gia.

- Ai là người chịu trách nhiệm chính trong đoàn khảo sát?

Bị cáo là người chịu trách nhiệm cao nhất.

- Ai ký hợp đồng?

Bị cáo Phúc ủy quyền cho BC.

- Dũng và Phúc có giao nhiệm vụ gì không?

Trước đó có khảo sát ụ 220, nhưng sau ụ đó bị bão đánh chìm.

- Khi sang Nga, có ý định giám định độc lập không?

Có ạ.

- Sau khi khảo sát về rồi, bị cáo và ông Goh có thỏa thuận giá cả không?

Cá nhân thì không.

- Ai là người soạn báo cáo khảo sát?

Anh em trong đoàn ạ.

- Bị cáo giao cho ai làm?

Giao cho Khang và Sơn làm ạ.

- Bị cáo có nói là theo chỉ đạo của Dũng và Phúc là phải mua bằng được ụ nổi này không?

Không ạ.

- Bị cáo có được nghe ai nói việc đưa ụ lên chỉ là sắp đặt không?

Không ạ.

14h48: Thẩm vấn bị cáo Mai Văn Khang:

- Trong đơn kháng cáo bị cáo xin giảm hình phạt đúng không?

Bị cáo xin được minh oan.

- Bị cáo kêu oan hay xin giảm hình phạt?

Bị cáo xin HĐXX xem xét.

- Bị cáo có thấy có tội không?

Không có tội. Bị cáo đề nghị minh oan. Bị cáo không nắm được pháp luật nên xem xét minh oan và nếu không oan thì xem xét giảm án.

- Bị cáo nhận thức tham gia đoàn khảo sát làm gì?

Phiên dịch tiếng Anh ạ.

- Khi về có làm báo cáo khảo sát không?

Đoàn có làm báo cáo khảo sát.

- Ai là người làm báo cáo khảo sát?

Anh Sơn là người làm, bị cáo không tham gia soạn thảo.

- Có góp ý vào báo cáo không?

Có một chi tiết bị cáo có góp ý.

- Theo như bị cáo nhận thức chỉ là phiên dịch sao lại góp ý bổ sung?

Bị cáo không góp ý bổ sung. Báo cáo bằng tiếng Việt, nhưng được dịch ra bằng tiếng Anh. Bị cáo thấy một chi tiết mà bị cáo được chứng kiến. Trong bản báo cáo nói, sau khi đoàn chứng kiến ụ hạ thủy, có chứng kiến ụ nổi lên. Thực tế chỉ chứng kiến một phần.

- Bị cáo có được đọc báo cáo là ụ hoạt động bình thường không?

Bị cáo thấy trạng thái hoạt động của ụ là đúng. Ụ vẫn hạ thủy được tàu cá. Bị cáo thấy rằng, nói ụ nổi hoạt động là phù hợp với hồ sơ đăng kiểm.

- Bị cáo có cùng anh Sơn ký nháy vào bản báo cáo không?

Có ký nháy ạ.

- Bị cáo đang kêu oan đúng không?

Vâng.

- Việc báo cáo có đúng thực tế khách quan không?

Bản báo cáo khảo sát đã phản ánh đúng sự thật. Riêng chỉ có chi tiết, đoàn không chứng kiến toàn bộ việc ụ nổi lên, nhưng báo cáo ghi là đoàn đã chứng kiến toàn bộ việc ụ nổi lên.

- Cho đến phiên tòa phúc thẩm bị cáo nhận thức như thế nào?

Cơ quan tố tụng nói bị cáo có vai trò đồng phạm, nhưng bị cáo thấy rằng, trong thời gian làm việc tại Ban quản lý dự án và đi khảo sát, bị cáo không nhận được lợi ích cá nhân nào.

Việc các lãnh đạo Vinalines không phải anh em ruột thịt gì mà bị cáo phải đồng phạm giúp sức. Bị cáo không có động cơ mục đích gì cả.

- Bị cáo là người thông thạo ngoại ngữ, đối thoại thỏa thuận, vậy bị cáo biết chủ sở hữu ụ là phía Nga, vậy tại sao không ký mua với Nga mà lại thông qua Công ty AP?

Khi đoàn đến đó, có anh Chiều đặt vấn đề với nhà máy mua trực tiếp với ụ nhưng họ giải thích họ không thể bán trực tiếp. Việc mua bán rất lằng nhằng, họ phải qua công ty môi giới của họ.

- Vậy giá giao dịch với họ là bao nhiêu?

Bị cáo không biết ạ. Sau này bị cáo mới biết đâu đó là dưới 5 triệu USD.

- Khi mình đi xem hàng, phải quan tâm giá trị sử dụng tương đương với giá. Cả đoàn thấy tình trạng ụ xấu, tuổi cao, vậy mà không quan tâm đến giá là sao?

Giá không phải trách nhiệm, quyền hạn của bị cáo. Bị cáo chỉ đi phiên dịch.

- Nếu bị cáo không ký vào bản báo cáo với Chiều có được không?

Báo cáo lấy chủ yếu từ hồ sơ dịch thuật nên bị cáo buộc phải ký. Đó là lỗi của bị cáo.

HĐXX sẽ xem xét là lỗi hay là tội như cấp sơ thẩm kết luận.

14h45: Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định lại xem trong quá trình điều tra, bị cáo  có bị ép cung, mớm cung hay không.

Bị cáo Sơn khẳng định không hề bị bất cứ tác động nào đến các lời khai trong quá trình điều tra.

- Liên quan đến lời khai của bị cáo về việc Phúc và Dũng phạm tội Tham ô, bị tuyên mức án cao nhất, vậy lời khai của bị cáo có khách quan và sự thật không?

-Có ạ.

- Bị cáo Dũng cho rằng, có thể ở giai đoạn điều tra bị cáo bị ép cung, mớm cung, tại tòa, bị cáo khẳng định có bị ép cung, mớm cung không?

-Dạ không.

- Liên quan đến câu hỏi bị cáo Phúc, bị cáo cùng với Khang đi khảo sát không?

-Dạ có ạ.

- Quyết định là do bị cáo Phúc ký đúng không?

-Vâng ạ.

- Bị cáo khai thế không được. Tòa đang quan tâm ai là người chỉ đạo?

-Tổng giám đốc Mai Văn Phúc.

-Bị cáo Dũng có chỉ đạo gì không?

-Ông Dũng không chỉ đạo gì.

-Bị cáo có cùng bị cáo Sơn gặp Dương (Lê Văn Dương, SN 1970, cựu  Đăng kiểm viên - PV) để làm báo cáo?

-Bị cáo không trao đổi riêng với anh Dương.

- Thế cả bị cáo và Sơn đều nói không gặp Dương, thì ai là người gặp anh Dương?

-Tí nữa HĐXX hỏi anh Dương.

-Sau khi có báo cáo chính thức trình anh Phúc, bị cáo và Sơn có gặp anh Dương đề nghị làm báo cáo không?

-Không ạ.

15h25: Trong phần thẩm vấn các đăng kiểm viên về ụ nổi 83M, bị cáo Lê Văn Dương (cựu cán bộ Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, thời điểm Vinalines mua ụ nổi, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn về đăng kiểm ụ nổi. Do vậy, bị cáo phải tham khảo các văn bản liên quan.

"Theo nhận thức của bị cáo, ụ nổi không phải tàu biển" - bị cáo Dương khai trước Hội đồng xét xử.

Thẩm vấn bị cáo Lê Văn Dương, một thành viên Hội đồng xét xử nói chua xót: "Tòa thấy tiếc cho bị cáo, sống trong gia đình giàu truyền thống. Thế mà vẫn phạm tội. Vậy, bị cáo nói cho Tòa biết, vì sao bị cáo phạm tội?".

"Dạ, tại thời điểm phạm tội, bị cáo không nhận ra mình sai phạm" - ông Dương khai.

15h45: Hội đồng xét xử yêu cầu dẫn giải ba bị cáo bị cách ly sáng nay (Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng) ra trước vành móng ngựa để thẩm vấn; yêu cầu chuyển các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hải Sơn sang phòng bên cạnh để đảm bảo công tác xét xử.

15h50: Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) xác nhận bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội cố ý làm trái là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, Đức cũng phân giải lại việc đến giờ mới nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển.

Việc áp mã số ụ nổi, bị cáo Huỳnh Hữu Đức khẳng định đây là loại hàng hóa thông thường, không cần giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành cũng như giấy chứng nhận đảm bảo ô nhiễm môi trường. Vậy nên bị cáo và các đồng phạm đã cho phép thông quan.

Về quy định tuổi thọ của tàu biển, ụ nổi, tòa cho rằng làm hải quan, các bị cáo buộc phải biết điều này...

16h00: Bị cáo Đức lập luận, nếu bản thân có động cơ, mục đích thì đã có việc tư lợi, nhận tiền chứ không thể cố sức để một món hàng như ụ nổi 83M được thông quan. Theo bị cáo, chỉ vì nhận thức chưa chuẩn nên dẫn đến sai sót.

Bị cáo cho rằng tòa sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 9 tỷ đồng trong số thiệt hại do thương vụ ụ nổi gây ra là quá nặng nề cho bị cáo vì khâu thông quan là khâu cuối cùng, dù gì ụ nổi cũng đã về đến Việt Nam, đã mua rồi.

16h05: Đến lượt mình, bị cáo Lê Văn Lừng (cựu cán bộ hải quan Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa), cấp dưới của ông Đức, cho rằng đến phiên phúc thẩm bị cáo mới nhận ra những sai phạm của mình...

Nói về lý do xin giảm án, bị cáo Lừng trình bày hoàn cảnh, với 8 năm tù là quá nặng với bị cáo này. "Vợ bị cáo đang ung thư giai đoạn cuối, bố mẹ già, bị cáo lại nhiều năm công tác trong ngành quân đội, 6 năm bảo vệ quần đảo Trường Sa... mong quý Tòa xem xét giảm nhẹ mức án".

Về khoản bồi thường dân sự 9 tỷ đồng, bị cáo Lừng cho rằng, đó là khoản tiền quá lớn, kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ.

16h24: Trong phần thẩm vấn cựu cán bộ hải quan Lê Ngọc Triện, bị cáo này cũng "kể khổ" hoàn cảnh gia đình, qua đó xin HĐXX giảm án cho mình. Ngoài ra, bị cáo Triện cũng xin giảm mức bồi thường dân sự, cho rằng, mức bồi thường 9 tỷ đồng là quá lớn.

16h26: Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ của bị cáo Dương Chí Dũng):

- Lý do yêu cầu hủy kê biên 2 căn hộ?

Hai căn hộ mua đứng tên cô Thảo là tiền của tôi cầm của người khác, tôi phải lấy để trả nợ. Còn căn nhà tôi đang ở tôi chưa sang tên, một phần tiền của tôi, một phần của mẹ đẻ tôi, tiền của anh cũng không có nhiều ở đó nên không đồng ý kê biên.

- Đưa bao nhiêu để mua hai căn hộ?

Mười mấy tỷ.

- Lấy ở đâu?

Tôi lấy của anh Vũ Tiến Sơn.

- Có tài liệu nào chứng minh đó là tiền của anh Vũ Tiến Sơn?

Anh Sơn đang ở trong tù, tòa có thể hỏi.

- Căn hộ mua năm nào?

2002. hơn 2 tỷ.

Lý do vì sao giờ chưa sang tên?

Tiền tôi cầm của mẹ đẻ và mẹ chồng, không có tiền trả và không có tiền sang tên.

- Nhà ai đang quản lý?

Tôi đang ở và đang quản lý.

- Tòa sẽ xem xét nhé.

Bà Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Mai Văn Phúc):

- Bà có yêu cầu giữ lại nhà đúng không?

Vâng.

Lý do?

Là do tôi đổi tủ lạnh, nuôi lợn nuôi gà, mua từ năm 1983. Đó là nhà duy nhất có sổ đỏ để thờ cúng tổ tiên. Còn nhà ở Tây Hồ là trong diện di rời rồi.

- Bà yêu cầu cụ thể như thế nào?

Nếu tài sản đó là của cả vợ của chồng thì phải đảm bảo cho tôi 1/2 trị giá căn nhà đó.

16h45: Chị Hà (em gái bị cáo Sơn):

- Bà có biết Sơn ký hợp đồng để làm gì không?

Anh tôi bảo cho mượn tài khoản của Công ty để nhận tiền về, nhưng phải ký một hợp đồng khống. Anh tôi sẽ làm việc với bên kia.

- Công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà đúng không?

Vâng.

- Mấy lần?

1 lần. Tầm cuối hoặc giữa tháng 6/2008.

- Việc thanh lý hợp đồng, sau đó chỉ là hợp thức hóa thôi đúng không? Sau đó rút tiền chị rút bằng tiền đồng hay USD?

Theo quy định của Ngân hàng sẽ quy đổi sang tiền Việt.

- Thực tế chị chuyển cho Huyền bao nhiêu tiền?

Tôi không nhớ rõ, các chứng từ ngân hàng cũng lâu lắm rồi.

Tại cơ quan điều tra chị khai đã chuyển cho Huyền 10 tỷ đúng không?

Dạ.

- Huyền chuyển lại 3 tỷ đúng không?

Vâng.

- Tại sao Huyền lại chuyển trả lại 3 tỷ đó?

Thời điểm đó anh Sơn cần khoản gì đó nhưng thủ tục ngân hàng, anh Sơn cần nên lại chuyển lại để rút ra cho anh Sơn lấy luôn.

- Ngoài ra còn bao nhiêu tiền chuyển cho Huyền?

Chứng từ ngân hàng thể hiện rõ, giờ tôi không nhớ.

- Lần Sơn bảo đưa 5 tỷ, đúng là chị có chuẩn bị tiền cho Sơn không?

Có việc tôi chuẩn bị 5 tỷ. Tôi phải rút nhiều lần mới đủ.

- Có khi nào chị chuyển cho Sơn 2 tỷ để Sơn rút ra không?

Tôi không nhớ kỹ, nhưng anh Sơn cần lúc nào là tôi chuyển.

Còn khoản nào là 2 tỷ không?

Chắc có, tôi không nhớ kỹ. Chắc có trong chứng từ của ngân hàng.

Chị Huyền (em gái bị cáo Sơn):

- Chị  có nhận tiền từ chị Hà không?

Có nhận 10 tỷ , sau đó tôi chuyển lại cho Hà 3 tỷ.

- Tại cơ quan điều tra chị khai một lần chuyển cho Sơn 5 tỷ để Sơn chuyển cho Dũng đúng không?

Đúng ạ.

17h16: Trả lời vị chủ tọa, đại diện Bộ GTVT cho rằng, ụ nổi không phải tàu biển. Bởi, tàu biển phải di động được, còn ụ nổi là cố định, muốn di chuyển phải thông qua một phương tiện khác.

Tuy nhiên, tòa vặn lại “luật chỉ quy định tàu biển là tàu hoặc cấu trúc nổi di động được” chứ không phải “tự di động được” như cách hiểu của Bộ GTVT. Đại diện Bộ này xác nhận quy định này là chưa rõ ràng.

Phía đại diện Bộ Tài chính lại cho rằng, có thể coi ụ nổi là tàu biển. Như vậy, có thể thấy, xung quanh khái niệm ụ nổi có là tàu biển hay không, giữa các cơ quan ban ngành vẫn còn chưa thống nhất.

- Bộ GTVT cho biết ụ nổi này có phải tàu biển không?

Ụ nổi không phải tàu biển.

- Căn cứ vào đâu?

Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo Luật hàng hải. Điều 11 có định nghĩa tàu biển trước hết phải là tàu và vật thể nổi di động trên biển. Ụ nổi đảm bảo điều kiện cần, nhưng chưa đảm bảo điều kiện đủ. Ụ nổi không tự di động được, phải dùng kéo, phải nhờ tàu khác kéo đi nên không thể coi nó là tàu biển.

- Trong điều 11 không nói rõ là tự di động được. Luật có nói rõ không?

Ụ nổi thì không tự di động được. Quy phạm về ụ nổi đang đề xuất đưa thêm một số nội dung vào.

- Theo Bộ GTVT, khái niệm về ụ nổi, trường hợp này phải nhận thức đó là tàu biển đúng không?

Chúng tôi nhận thức không phải là tàu biển.

17h35: Vẫn theo giám định viên Bộ Tài chính, Theo công ước HS, ụ nổi thuộc nhóm 89059010. Căn cứ vào đó, nhóm giám định viên đặt vấn đề, mã số của tàu biển và ụ nổi lại khác nhau.

Về tính pháp lý, theo luật Hàng hải, ụ nổi coi như tàu. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của luật cũng quy định, trường hợp Việt Nam có ký công ước mà nội dung khác luật thì tuân theo công ước HS. Vì vậy, nguyên tắc của Hải quan áp dụng quy định ụ nổi không phải là tàu là hoàn toàn chính xác.

Việc áp mã hàng hóa, tính thuế của nhóm cán bộ chi cục Hải quan được đại diện Bộ tài chính cho rằng hoàn toàn đúng luật. Kết luận giám định cho rằng Hải quan không sai, chỉ đưa ra một khuyến cáo, luật Hàng hải coi đây là tàu, một khi văn bản chưa đồng nhất thế, Hải quan đáng ra nên có văn bản hỏi Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ GTVT) sau khi cho thông quan thì hoàn toàn đầy đủ trách nhiệm.

Toà kết thúc ngày xét xử thứ nhất. Chủ toạ Nguyễn Văn Sơn thông báo, đúng 8h sáng mai, 23/4, Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

 
PV (Tổng Hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo