Pháp luật

TRỰC TIẾP: Xét xử “bầu” Kiên và đồng phạm

Sáng nay (20/5), TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, còn gọi bầu Kiên) và đồng phạm. Theo luật sư của bị cáo Trần Xuân Giá, nhiều khả năng ông Giá không đến dự tòa. Ấn F5 để cập nhật liên tục.

Các bị cáo bị xét xử về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Trốn thuế và Kinh doanh trái phép. Phiên xử dự kiến kéo dài hết ngày 6/6. 

Phiên xử từng được mở hồi giữa tháng 4 vừa qua, song do bị cáo Trần Xuân Giá (cựu Bộ trưởng KH&ĐT) có vấn đề về sức khỏe, tòa buộc phải hoãn. Theo thông tin từ luật sư của ông Giá, nhiều khả năng ông Giá vẫn chưa thể ra hầu tòa, do sức khỏe không cho phép.

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, bầu Kiên đã thông qua 6 Cty do mình làm chủ tịch, để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký...

6h30 sáng nay (20/5), xe thùng chở bầu Kiên và các bị cáo nhanh chóng di chuyển tới TAND TP Hà Nội. Phía bên ngoài tòa, lực lượng an ninh được thắt chặt. Ảnh: Tuấn Nguyễn

8h04: Theo lịch, 8 giờ sẽ khai mạc phiên tòa, tuy nhiên hiện phòng xử vẫn còn khá vắng, chưa thấy có bị cáo nào được dẫn vô phòng xử.

Các phóng viên xem xét xử trực tiếp qua màn hình tại một phòng riêng dành cho báo giới.

8H15: HĐXX vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên thư ký phiên tòa đã bắt đầu điểm danh các công ty, ngân hàng có liên quan trong vụ án.

Phòng dành cho phóng viên lại đột ngột mất điện trong ít phút, tương tự tình trạng trong phiên xử bầu Kiên trước đây, cúp điện liên tục khi phiên tòa đang diễn ra.

8h19: Trước ngày mở tòa, ông Lưu Tiến Dũng, luật sư của ông Trần Xuân Giá, cho biết theo kết luận ngày 14/5 của Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương, thể trạng ông Giá còn rất yếu, chưa thể đi lại được, hay choáng...

Theo luật sư, ông Giá phải dùng thuốc kháng sinh khoảng một tháng để chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ngoài ra, bệnh phì đại tiền liệt tuyến của ông Giá còn nặng, chưa loại trừ khả năng bị ung thư.

Luật sư Dũng chia sẻ thân chủ luôn mong muốn đến tòa để bảo đảm quyền tự bào chữa. Tuy nhiên, mọi việc phải tùy thuộc vào diễn biến sức khỏe. Trong hôm nay, luật sư sẽ có văn bản gửi TAND Hà Nội về việc ông Giá có thể hầu tòa hay không.

Ông Trần Xuân Giá trên giường bệnh. Ảnh: Dân trí

8h21: Ông Giá bị cáo buộc thời gian đương chức chủ tịch HĐQT ACB đã cùng ông Hải và các ông Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ (3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (cựu phó tổng giám đốc) thống nhất việc uỷ thác cho hàng chục nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Việc này được cho là trái với Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỷ đồng (số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như - quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP HCM - chiếm đoạt).

Ngoài ra với việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các ông này còn bị quy kết đã làm trái quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB gần 700 tỷ đồng.

8h31: Ngày 1/5, Ông Nguyễn Đức Bình, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian luật pháp quy định mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, nếu bị cáo Trần Xuân Giá vì lý do sức khỏe không thể tham dự phiên tòa sẽ xem xét khả năng xét xử vắng mặt bị cáo này.

Mặt khác, tòa án cũng có thể giải quyết theo hướng trả lại hồ sơ cho cơ quan truy tố hoặc tách vụ án, tách bị can ra khỏi vụ án này để tiếp tục xét xử những người khác. Trong trường hợp ông Giá vắng mặt có lý do chính đáng, Tòa cũng có thể gia hạn thêm thời gian hoãn phiên tòa.

Đúng 8h30 phút, Tòa bắt đầu vào làm việc. Thay mặt Hội đồng xét xử, (HĐXX), thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm.

Hội đồng xét xử công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh: Bảo Thắng

Huỳnh Thị Huyền Như - bị cáo chính trong đại án lừa đảo 4.000 tỷ đồng - bị trích xuất đến phiên xét xử bầu Kiên sáng nay. Ảnh: Bảo Thắng

9h00: Tại phần kiểm tra căn cước của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các nguyên đơn dân sự, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến- nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội có đơn xin vắng mặt trong phiên xử ngày 20/5.

Ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Pháp chế, đại diện pháp luật cho ngân hàng  ACB có mặt tại tòa.

09h14: Sau khi nghe báo cáo của thư ký về danh sách những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX chuyển sang điểm danh các luật sư bào chữa cho bị cáo.

Luật sư Lưu Tiến Dũng - bào chữa cho ông Trần Xuân Giá đã có mặt tại tòa. Hiện, chưa thấy Tòa nhắc đến sự hiện diện của cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Xuân Giá.

9h30: TAND TP Hà Nội cũng mời đại diện Ngân hàng Nhà nước. Ông Đặng Văn Thảo - Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có mặt tại tòa.

Ngoài ra, tòa còn mời đại diện Bộ Công thương, Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch- Đầu tư TP HCM, đại diện Ủy ban Chứng khoan Nhà nước, Tổng cục thuế…

9h50: Đối với trường hợp vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, HĐXX cho biết, đã nhận được tài liệu liên quan đến bị cáo. Tòa sẽ công bố tài liệu liên quan đến bị cáo Trần Xuân Giá. Quan điểm của VKS cho rằng việc bị cáo Giá không có mặt tại phiên tòa không ảnh hưởng đến diễn biến phiên tòa. Đề nghị tạm đình chỉ vụ án riêng đối với ông Trần Xuân Giá

Trong tài liệu về tình trạng bệnh tật của ông Trần Xuân Giá, theo kết quả giám định của các cơ quan, ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo, cần tiếp tục điều trị, hiện còn yếu chưa đi lại được.

Đơn mới nhất của ông Giá gửi tòa vào ngày 19/5, cho biết, do sức khỏe còn yếu nên chưa chắc chắn đến dự phiên tòa. Bị cáo Giá cũng đề nghị nếu dự tòa phải có người thân và bác sĩ bên cạnh.  Trong điều kiện không thể dự tọa, ông Giá đề nghị “tạm đình chỉ bị can đối với tôi”.

10h: Luật sư Lưu Tiến Dũng – bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Trần Xuân Giá cho rằng, bị cáo vắng mặt vì lý do chính đáng. Nhưng trước đó, do ông Giá vắng mặt nên phiên tòa đã bị hoãn một lần.

"Tôi đã trao đổi với thân chủ, thân chủ mong muốn được tham dự toà. Tuy nhiên tình trạng sức khoẻ lần này kém rất nhiều. Hội đồng sức khoẻ đã kết luận ông Giá bị bệnh hiểm nghèo. Tôi đề nghị tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá. Đề nghị của VKS là hợp lý và có cơ sở pháp lý”, Luật sư Lưu Tiến Dũng nói.

10h15: Tại phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị tòa mời thêm những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án như: Đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VCCI và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan- người trình soạn thảo luật doanh nghiệp.

"Tôi là một công dân, đã lãnh đạo DN gần 30 năm nay, trong quá trình đó tôi khôg vi phạm Pháp luật, yêu cầu HĐXX tạo điều kiện để tôi được trình bày đầy đủ tất cả.

Yêu cầu HĐXX cung cấp các văn bản pháp luật của Luật sư, hết phiên tòa tôi sẽ trả lại vì không có văn bản tôi không trình bày đầy đủ rõ ràng được.

Tôi không trốn tránh đùn đẩy trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào. Yêu cầu HĐXX chỉ rõ các hành động của tôi vi phạm vào những điểm cụ thể trong các văn bản pháp luật. Trong hồ sơ thấy thiếu rất nhiều văn bản quan trọng liên quan đến cá nhân tôi.

Đề nghị kiến nghị của các LS liên quan đến tôi, ủy quyền cho LS công bố các ý kiến về vụ án. Không cần đến lúc xét xử, ngay bây giờ có thể trình bày.

Nhân chứng thiếu nhiều, mong HĐXX cố gắng giúp tôi triệu tập những người này.

Tôi bị bắt 21 tháng chưa được gặp gia đình dù lãnh đạo TATC có văn bản cho phép tôi gặp gia đình, Đây là quyền tối thiểu của tôi, tôi xin được gặp gia đình.

Tôi đề nghị HĐXX có ý kiến không cùm tôi. Việc cho phép tôi mặc thường phục trước tòa là theo nghị quyết của quốc hội. Việc cùm chân tôi là không cần thiết. Đề nghị các nhà báo phản ánh điều này với ông Trần Đại Quang – bộ trưởng Bộ công an.

Đối với tôi, việc ông Trần Xuân Giá có mặt là tốt nhất, đề nghị xem xét ý kiến của ông, nếu dự được thì tiếp tục còn nếu không dự được thì xin đình chỉ vụ án. Trước mắt, chờ 10 ngày nữa, có thể ông Giá dự được thì tiếp tục". Ngân hàng ACB cho rằng mình không có thiệt hại, không là nguyên đơn dân sự trong vụ án...

Một số luật sư đề xuất trả hồ sơ riêng phần bị cáo Trần Xuân Giá, chứ không phải tạm đình chỉ vụ án đối với ông này. Một số luật sư khác lại cho rằng, HĐXX cần hoãn tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, với các tình tiết mới tại tòa, như việc Ngân hàng ACB cho rằng mình không có thiệt hại, không là nguyên đơn dân sự trong vụ án...

10h30: Tòa nghỉ hội ý 10 phút sau khi tham khảo các ý kiến liên quan.

11h11: HĐXX tiếp tục làm việc với phần phổ biến quyền và nghĩa vụ các bên liên quan. 

11h20: Tòa nghỉ trưa và trở lại làm việc lúc 14h cùng ngày.

DANH SÁCH CÁC BỊ CÁO


1. Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. Trong số này ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt có thể lên tới án chung thân.


2. Trần Xuân Giá, 75 tuổi, tại ngoại, bị truy tốtội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


3. Lê Vũ Kỳ, 58 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


4. Trịnh Kim Quang, 60 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


5. Phạm Trung Cang, 60 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


6. Lý Xuân Hải, 49 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


7. Huỳnh Quang Tuấn, 56 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


8. Trần Ngọc Thanh, 62 tuổi, giám đốc ACBI do bầu Kiên lập, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


9. Nguyễn Thị Hải Yến, 45 tuổi, kế toán ACBI, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

PV (Tổng Hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo