Quốc tế

Trump thề tuyên chiến với phán quyết dừng sắc lệnh nhập cư

(DNVN)-Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc thẩm phán liên bang ở Seattle yêu cầu ngừng thực hiện sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông, đồng thời tuyên bố sẽ tuyên chiến với phán quyết này.

Hôm 04/02, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc thẩm phán liên bang ở Seattle James Robart yêu cầu ngừng thực hiện sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông là lố bịch, đồng thời tuyên bố sẽ tuyên chiến với phán quyết này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump thề tuyên chiến với phán quyết dừng sắc lệnh nhập cư.

"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán kia thật lố bịch và sẽ bị thay đổi", CNN dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter.

Trong một dòng tweet khác vào 8 giờ sau đó, tân Tổng thống Mỹ tiếp tục tỏ thái độ giận dữ rằng: "Khi một quốc gia không thể quyết định việc ai được phép, ai không được phép vào và ra khỏi đất nước, đặc biệt vì lý do an toàn và an ninh - rắc rối lớn".

Theo giới phân tích, cuộc tấn công của Trump nhằm vào thẩm phán James Robart đã đi quá xa bởi họ cho rằng tỷ phú New York đang làm xói mòn một tổ chức được thiết kế để kiểm tra quyền lực của Nhà Trắng và Quốc hội. 

Khi lệnh cấm được dỡ bỏ, người tị nạn và hàng ngàn khách du lịch từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen đã đổ ra sân bay để nhập cảnh vào Mỹ. 

Ngày 28/01, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số. Theo đó, người dân từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya sẽ ko được vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày. 

 

Sắc lệnh cũng đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 4 tháng và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria.

Ngày 30/01, ông Ferguson, đại diện chính quyền bang Washington đệ đơn kiện tuyên bố lệnh cấm nhập cư trên của Tổng thống Trump là phi pháp và vi hiến.

Đây là đơn kiện đầu tiên nhằm vào Tổng thống Donald Trump, Bộ An ninh Nội địa và các quan chức cấp cao khác trong chính quyền mới liên quan đến sắc lệnh.

Nên đọc
NM (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo