Thị trường

Trung Đông “nghi binh”: Thị trường dầu mỏ thế giới khủng hoảng?

Ngày 12/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố triển vọng thị trường năng lượng hàng năm, trong đó cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nguồn cung dầu trên thế giới và đẩy giá dầu thô tăng cao.

IEA dự báo rằng Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất vào năm 2015. Ảnh: Reuters

Mọi việc bắt nguồn từ bản dự báo năm 2012 của IEA khi cho rằng Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ ròng lớn nhất năm 2030 nhờ việc sản xuất dầu mỏ từ đá phiến. Dự báo này đã khiến các nhà sản xuất ở Trung Đông trì hoãn việc đầu tư vào ngành năng lượng.

Fatih Birol, kinh tế trưởng tại IEA cho biết: “Các nước Trung Đông đang hiểu nhầm thông điệp của chúng tôi. Việc này có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung dầu trầm trọng. Sự im hơi lặng tiếng của Trung Đông đang thực sự khiến thị trường dầu mỏ thế giới lo lắng vì nó có thể đẩy giá dầu lên rất cao trong tương lai”.

Năm nay, IEA dự báo sản lượng dầu từ đá phiến của Mỹ sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu ở Trung Đông về ngắn hạn: IEA hiện dự báo rằng Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất vào năm 2015, thay thế Ả-rập Xê-út.

Tuy nhiên, IEA cũng nhận định sản lượng sản xuất dầu mỏ từ đá phiến chỉ đạt mức cao nhất tới 2020 sau đó sẽ giảm dần.

Ngoài Mỹ, các nước như Nga và Trung Quốc cũng chỉ đóng góp khoảng 1,5 triệu thùng/ngày từ việc khai thác dầu từ đá phiến tới năm 2035 do các nước ngày không hướng tới phát triển và khai thác trữ lượng đá phiến của họ.

Nhu cầu dầu mỏ của thế giới được dự báo sẽ tăng lên 101 triệu thùng/ngày năm 2035, từ khoảng 90 triệu thùng/ngày hiện nay.

Với tình hình này, thị trường sẽ tiếp tục phải phụ thuộc vào sản lượng dầu thô của OPEC mà các nước ở khu vực Trung Đông là các thành viên chính.

Theo IEA, Ả-rập Xê-út và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là các quốc gia cung cấp lượng dầu mỏ lớn nhất hiện nay.

IEA cũng cho hay nhu cầu nội địa ở Trung Đông sẽ chỉ đạt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày vào năm 2030 – tương đương với lượng tiêu thụ hiện nay của Trung Quốc – nhờ có các khoản trợ cấp về xăng và điện của chính phủ các nước này.

Ông Birol cho biết các quốc gia trong vùng Vịnh cần phải đầu tư vào ngành năng lượng nhiều hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao tới năm 2020, vì các dự án khai thác phải mất vài năm mới có thể đưa vào hoạt động. Ông cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc khi các nước vùng Vịnh có cách nhìn không đúng về tầm ảnh hưởng khi tăng sản lượng dầu từ đá phiến ở Mỹ.

Các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông hiện đang “nghi binh” do lo ngại sản lượng dầu của Mỹ tăng nhanh. Ả-rập Xê-út cho rằng nguồn cung dầu mới từ đá phiến ở Mỹ và cát dầu ở Canada sẽ bù lấp khoảng thiếu hụt hiện nay. Do đó quốc gia này không đưa ra bất kì kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu trong vòng 30 năm tới.

UAE thông báo sẽ giảm mục tiêu tăng sản lượng khai thác xuống 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 2020, trong khi đó Kuwati đang phải xoay sở để vượt qua thời kì khủng hoảng do trữ lượng các mỏ dầu cạn kiệt nhanh chóng.

Báo cáo hôm thứ Ba của IEA cũng cho biết Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành thị trường nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất sau năm 2020.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo